Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

EVN cho biết đã phải huy động điện chạy dầu để cung ứng cho miền Nam

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho cho biết vì nhu cầu dùng điện tăng cao nên đã phải huy động thêm nguồn phát chạy dầu. Chi phí nguồn điện này ở khoảng 2.800-5.000 đồng/kWh.

Theo EVN, trong tháng 5, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 21,25 tỷ kWh (trung bình 685,5 triệu kWh/ngày). Trong đó, sản lượng ngày lớn nhất đạt 759,2 triệu kWh (ngày 18/5) và công suất lớn nhất toàn hệ thống là 36.945 MW.

Lũy kế 5 tháng sản lượng toàn hệ thống đạt 95,61 tỷ kWh, tăng 10,32% so với cùng kỳ năm 2018.

Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN tháng 5 khoảng 17,52 tỷ kWh; lũy kế 5 tháng ước đạt 81,66 tỷ kWh, tăng 9,77% so cùng kỳ năm trước. Trong đó sản lượng điện thương phẩm nội địa tăng 9,63%. Tuy nhiên, tổn thất điện năng toàn tập đoàn 5 tháng đầu năm là 6,61%.

EVN lo ngai luoi dien qua tai cuc bo vi nang nong anh 1
EVN lo ngại nắng nóng diện rộng sẽ ảnh hưởng đến cung ứng và vận hành hệ thống điện. Ảnh: L.H.

Về năng lượng tái tạo, tính đến ngày 31/5 có 50 nhà máy điện mặt trời và 7 nhà máy điện gió được đưa vào vận hành với tổng công suất lắp đặt là 2.812 MW. Theo đó, sản lượng đã phát trong tháng 5 là 185 triệu kWh đối với điện mặt trời và 14,5 triệu kWh đối với điện gió.

EVN cũng cho biết trong tháng 5, để đáp ứng nhu cầu điện do nắng nóng, các nhà máy nhiệt điện than và tua bin khí đã được huy động cao. Đồng thời, EVN đã phải huy động các nhà máy nhiệt điện dầu và tua bin khí chạy dầu (FO và DO) khoảng 160 triệu kWh để đáp ứng nhu cầu điện tại miền Nam.

Theo tính toán của EVN, FO và DO là 2 nguồn có giá thành cao nhất trên hệ thống điện hiện nay. Cụ thể, mỗi kWh điện từ nguồn DO có giá từ 4.000-5.000 đồng/kWh; còn mỗi kWh điện dầu FO cũng khoảng 2.800-3.000 đồng/kWh.

Hệ thống điện hiện cũng đang huy động khoảng 1.500 MW điện mặt trời với giá 9,35 cent/kWh, tương ứng khoảng 2.200 đồng/kWh. Trong khi giá điện sinh hoạt bình quân là 1.864 đồng/kWh.

Với nhận định tháng 6 là tháng cao điểm của mùa khô và nắng nóng, EVN dự kiến sản lượng điện bình quân toàn hệ thống sẽ ở mức 701 triệu kWh/ngày, công suất phụ tải lớn nhất khoảng 39.040 MW.

Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tình hình cung cấp điện sẽ khó khăn hơn trong các tháng cao điểm mùa khô ở miền Bắc, nhất là trong tháng 6 và 7. Do đó, EVN khuyến cáo người dân sử dụng điện tiết kiệm để tránh tình trạng phải ngừng cấp điện phục vụ sửa chữa.

Sau đợt tăng giá điện, nhiều khách hàng cảm thấy khó hiểu về cách tính thang bậc trong mẫu hóa đơn của EVN. Sau đó, doanh nghiệp này đã tiến hành lấy ý kiến và bình chọn mẫu hóa đơn tiền điện mới trong tháng 6 và tháng 7. 

“Mẫu hóa đơn tiền điện mới có tính trực quan hơn, đơn giản hơn và có biểu đồ hiển thị mức tiêu thụ điện theo từng tháng gần đó để khách hàng dễ so sánh”, EVN cho biết.

Tăng giá điện: ‘Đúng phác đồ nhưng không tốt lên thì phải xem lại’

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng khi rất nhiều người dân bức xúc thì Bộ Công Thương phải xem xét, rà soát về phương pháp tiến hành, cách thức quản lý giá điện.


Văn Hưng

Bạn có thể quan tâm