Vấn đề tăng giá điện và xăng là chủ đề được nhiều đại biểu nêu trong phiên thảo luận sáng 30/5 tại Quốc hội.
Vấn đề không phải có đúng quy định
Theo Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội Cà Mau Nguyễn Quốc Hận, lộ trình điều chỉnh giá điện là vấn đề gây bức xúc cử tri thời gian qua.
Dẫn báo cáo của Chính phủ khẳng định đã xem xét điều chỉnh theo đúng quy định, ông Hận cho rằng vấn đề cử tri quan tâm không phải đúng quy định hay không.
“Cử tri muốn phải đánh giá cụ thể hơn và có dự báo thời gian tới, việc tăng giá điện ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân”, ông nói.
Vấn đề tăng giá điện và xăng được nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn, phát biểu ý kiến. Ảnh: L. H. |
Vị đại biểu từ Cà Mau cho rằng việc tăng giá điện, giá xăng sẽ làm tăng kinh phí đầu vào của các đơn vị sản xuất kinh doanh. Chi phí này đương nhiên được tính vào giá thành sản phẩm, qua đó là tăng giá, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước và giảm sức mua của người dân.
Ở khía cạnh khác, ông Hận cho rằng trong khi lương không tăng mà hàng loạt các chi phí thiết yếu như điện, xăng, học phí đều tăng sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
“Để công khai, minh bạch trong điều hành giá điện, kiến nghị Quốc hội đưa vào kiểm toán Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh mặt hàng này”, ông Hận nói.
Lo hiệu ứng 'té nước theo mưa'
Đồng tình về việc giá điện tăng có thể làm ảnh hưởng đến thị trường và đời sống người dân, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng tăng giá điện thời điểm hiện tại là chưa phù hợp dù đã được tính toán và nằm trong lộ trình. Đại biểu tỉnh Bình Thuận đề nghị Chính phủ sớm công bố kết luận thanh tra, có đúng trình tự, quy định không, nếu sai thì xử lý ra sao.
Đại biểu bày tỏ lo ngại việc tăng giá điện dễ tạo hiệu ứng “té nước theo mưa”, các mặt hàng phục vụ sản xuất, tiêu dùng, kinh doanh sẽ đồng loạt tăng giá gây bức xúc cho nhân dân.
Cũng bàn luận về giá điện, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) dẫn báo cáo của Bộ Công Thương với những con số, lập luận để khẳng định đã làm đúng. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh cần dừng lại xem xét.
“Bản thân tôi là bác sĩ, nếu đưa ra một phác đồ đúng mà bệnh nhân không tốt lên thì phải xem xét lại. Nhiều khi lý thuyết là đúng nhưng khi triển khai lại sai ở mắt xích nào đấy. Vì vậy cần dừng lại xem xét, không bảo thủ, che giấu sai lầm”, ông Hiếu phát biểu.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang). Ảnh: Minh Quân. |
Đại biểu An Giang cho rằng khi rất nhiều người dân bức xúc thì Bộ Công Thương phải xem xét, rà soát, rút kinh nghiệm về phương pháp tiến hành, cách thức quản lý, giám sát giá điện.
“Phải chăng tình trạng trên là do sự độc quyền?”, ông đặt câu hỏi.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) thì băn khoăn về tác động của việc tăng giá điện, giá xăng lên chỉ số giá tiêu dùng CPI, lạm phát.
Giá điện, xăng dầu (chi phí đầu vào) tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tăng chỉ số giá tiêu dùng, tác động mạnh những ngành tiêu tốn nhiều năng lượng như sản xuất thép, xi măng, thủy sản.
Bà Yến cũng chỉ ra tác động của tăng thuế môi trường lên giá xăng sẽ làm mặt hàng này, dự kiến tăng 5% so với năm 2018. Ngoài ra, ẩn số giá thực phẩm trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi tràn lan khiến vị đại biểu này quan tâm.
Đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mong rằng Chính phủ quan tâm có những giải pháp hữu hiệu để giữ lạm phát dưới 4% như Nghị quyết Quốc hội đã đề ra. Bà kiến nghị cần quyết định thời điểm tăng giá và theo lộ trình, điều chỉnh giá dịch vụ công phù hợp, tránh tác động đến CPI.
“Cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, thận trọng, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vi mô khác nhằm tiếp tục ổn định kinh tế, hạn chế lạm phát như những gì Quốc hội đã đề ra”, bà Yến nói.