Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cấp bảo lãnh chính phủ 2 dự án điện hơn 1,6 tỷ USD của EVN và PVN

Bộ Tài chính cho biết trong năm 2018 đã thực hiện cấp bảo lãnh chính phủ cho 2 dự án điện của EVN và PVN với tổng trị giá hơn 1,6 tỷ USD (hơn 37.000 tỷ đồng).

Tại buổi họp báo chuyên đề về tình hình nợ công năm 2018, ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) - cho biết trong năm 2018 đã thực hiện cấp bảo lãnh chính phủ cho 2 dự án điện với tổng giá trị 1,614 tỷ USD (hơn 37.000 tỷ đồng).

Cụ thể, đó là dự án Nhà máy điện Vĩnh Tân 4 mở rộng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Ông Hiển cho hay trước khi Luật quản lý nợ công 2017 có hiệu lực thì những dự án này do Thủ tướng quyết định chủ trương cấp bảo lãnh từ trước. Việc đánh giá hiệu quả của 2 dự án này do Bộ Công thương là cơ quan chủ quản thực hiện thẩm định, đánh giá về hiệu quả kinh tế xã hội, môi trường, bao gồm cả khả năng trả nợ.

Đối với các dự án điện thì đây là những dự án trọng điểm quốc gia cấp thiết để đầu tư nên khi Thủ tướng Chính phủ giao thì Bộ Tài chính thực hiện cấp bảo lãnh.

"Bên cạnh đó, các ngân hàng cho vay cũng phải tính đến mức độ rủi ro, có hiệu quả họ mới quyết định cho vay; chứ không phải như trước đây cứ thế mà cho vay rồi sau này không trả được thì Chính phủ trả. Hơn 1,6 tỷ USD là cấp bảo lãnh cho năm 2018, nhưng tiến độ triển khai thực hiện các dự án phụ thuộc vào chương trình dự án, mỗi năm có thể giải ngân vài chục triệu USD để đúng theo tiến độ, có thể dự án trong 5 năm hoàn thành thì sẽ giải ngân trong 5 năm”, ông Hiển nói.

cap bao lanh chinh phu anh 1
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là một trong 2 dự án được cấp bảo lãnh chính phủ.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng do Tập đoàn Điện lực làm chủ đầu tư, Tổng Công ty Phát điện 3/Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân là đơn vị tư vấn quản lý dự án. Tổng mức đầu tư là 23.927 tỷ đồng (1,104 tỷ USD). Dự án được xây dựng tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Theo EVN, dự án chính thức khởi công vào ngày 23/4/2016, gồm một tổ máy với quy mô công suất khoảng 600 MW, sử dụng công nghệ lò hơi thông số siêu tới hạn (Super Critical).

Khi đi vào vận hành, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng sẽ cung cấp cho hệ thống điện khoảng 3,6 tỷ kWh mỗi năm. Nhà máy sẽ được đưa vào vận hành sau 45 tháng xây dựng, lắp đặt (dự kiến cuối tháng 12/2019).

Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 được xây dựng trên diện tích khoảng 115 ha tại thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành (Hậu Giang), có 2 tổ máy với công suất hoạt động khoảng 1.200 MW.

Dự án có tổng mức đầu tư 43.000 tỷ đồng do PVN làm chủ đầu tư, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) làm tổng thầu EPC. Dự kiến năm 2019 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ cung cấp vào lưới điện quốc gia 7,8 tỷ kWh/năm.

Hơn 100 quỹ ngoại đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư mạo hiểm

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chuẩn bị một sự kiện quy tụ hơn 100 quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội, kết nối với các startup trong nước.


https://infonet.vn/cap-bao-lanh-chinh-phu-hon-16-ty-usd-cho-2-du-an-dien-cua-evn-va-pvn-post302155.info

Nguyễn Lê/Infonet

Bạn có thể quan tâm