Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

EU thống nhất áp giá trần khí đốt

Các bộ trưởng năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) ngày 19/12 đã thống nhất áp giá trần khí đốt sau nhiều tuần đàm phán về biện pháp khẩn cấp gây chia rẽ trong toàn khối.

EU thống nhất áp giá trần khí đốt. Ảnh: Reuters.

Các bộ trưởng EU đã thống nhất kích hoạt mức giá trần khí đốt 180 euro (tương đương 191,11 USD) mỗi megawatt giờ, Reuters đưa tin ngày 20/12.

Mức giá trần này là nỗ lực mới nhất của 27 quốc gia EU nhằm giảm giá khí đốt - vốn khiến hóa đơn năng lượng tăng cao và thúc đẩy lạm phát cao kỷ lục trong năm nay, sau khi Nga cắt hầu hết nguồn cung khí đốt cho châu Âu.

"Chúng tôi đã thành công trong việc tìm kiếm một thỏa thuận quan trọng sẽ bảo vệ người dân khỏi giá năng lượng tăng vọt", Jozef Sikela, Bộ trưởng Công nghiệp của Cộng hòa Czech, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên EU, cho biết.

Giới hạn giá có thể được kích hoạt từ ngày 15/2/2023. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực sau khi các quốc gia chính thức phê duyệt bằng văn bản.

Ba quan chức EU cho biết Đức đã bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận này, dù bày tỏ lo ngại về tác động của chính sách đối với khả năng thu hút nguồn cung khí đốt của châu Âu trên các thị trường toàn cầu cạnh tranh về giá.

Một quan chức EU nói với Reuters rằng Đức đã tán thành mức giá trần sau khi các nước đồng ý thay đổi quy định nhằm đẩy nhanh giấy phép năng lượng tái tạo và có biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn.

Các biện pháp đó bao gồm điều kiện mức giá trần sẽ bị đình chỉ nếu EU phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung khí đốt hoặc mức sử dụng khí đốt tăng vọt.

Hai quan chức EU cho biết chỉ có Hungary bỏ phiếu phản đối.

Hà Lan và Áo bỏ phiếu trắng. Cả hai đã phản đối mức giá trần trong các cuộc đàm phán, vì lo ngại rằng nó có thể phá vỡ thị trường năng lượng và làm tổn hại đến an ninh năng lượng của châu Âu.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Đức chi lớn để giảm giá điện, khí đốt

Quốc hội Đức ngày 15/12 thông qua khoản chi trị giá khoảng 100 tỷ euro (khoảng 106,14 tỷ USD) để áp giá trần với giá điện và giá khí đốt từ năm 2023, Reuters đưa tin.

Sự can thiệp giờ chót của Mỹ trong áp giá trần dầu Nga

Mỹ đã can thiệp vào phút chót để thuyết phục Ba Lan đồng thuận với kế hoạch áp giá trần 60 USD/thùng với dầu Nga, từ đó mở đường cho việc châu Âu thực thi lệnh trừng phạt này.

Hải Linh

Bạn có thể quan tâm