Ủy ban châu Âu nói Nga và Trung Quốc đang thực hiện “các chiến dịch gây ảnh hưởng và thông tin sai sự thật bên trong EU, các nước xung quanh, và trên toàn thế giới”.
Nga đã bị EU cáo buộc nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên cơ quan hành pháp của EU công khai chỉ đích danh Trung Quốc là nguồn phát tán tin giả, theo Guardian.
Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Vĕra Jourová. Ảnh: Ủy ban châu Âu. |
Trước đó, vào tháng 4, các chính khách Pháp đã phản ứng giận dữ khi trang web của đại sứ quán Trung Quốc cáo buộc nhân viên viện dưỡng lão nước này bỏ việc để người già tử vong.
Một nhân vật ngoại giao của Trung Quốc cũng nói dối rằng 80 nghị sĩ Pháp dùng từ miệt thị chủng tộc về Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tedros Adhanom Ghebreyesus.
“Tôi tin rằng nếu có chứng cứ, chúng ta không nên ngần ngại chỉ mặt đặt tên”, Vĕra Jourová, Phó chủ tịch của Ủy ban châu Âu, nói với các phóng viên.
“Chúng ta đã chứng kiến sự tăng vọt của các luồng thông tin làm hại đến các nền dân chủ của chúng ta, ảnh hưởng đến khả năng chống dịch. Chẳng hạn như thông tin sai sự thật nói rằng có phòng lab vũ khí hóa học của Mỹ ở các nước thuộc Liên Xô cũ - mà các cơ quan thân Kremlin cũng như quan chức và truyền thông nhà nước Trung Quốc đã phát tán”.
“Tôi đặc biệt tin tưởng rằng một EU mạnh mẽ về địa chính trị chỉ có được nếu chúng ta quyết liệt”, bà Jourová nói, dường như có ý nhắc đến mục tiêu mà Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đặt ra, là muốn gia tăng ảnh hưởng của EU trên trường quốc tế.
Lời cáo buộc đích danh Trung Quốc là một sự thay đổi thông điệp của EU. Tháng 3, một báo cáo của EU cũng nhắc đến Trung Quốc, nhưng chỉ nói các luồng thông tin trên truyền thông Trung Quốc là sai sự thật, và hướng các cáo buộc tin giả vào các nguồn thân Kremlin.
Các nước EU đang tìm cách đối phó với Trung Quốc về nhiều mặt, từ ngoại giao, an ninh, đến kinh tế. Ủy ban châu Âu gọi Trung Quốc là “đối thủ chiến lược” vào năm 2019 trong một bản báo cáo vốn được cho là bước ngoặt trong chính sách của EU đối với một Bắc Kinh đang ngày càng mạnh bạo.
Bên cạnh đó, một tài liệu của Ủy ban châu Âu cho biết ý tưởng dùng thuốc tẩy để trị virus corona có “tác hại lớn”, và cơ quan kiểm soát chất độc của Bỉ đã ghi nhận số vụ việc liên quan đến thuốc tẩy tăng 15%.
Ý tưởng dùng thuốc tẩy từng được Tổng thống Trump nhắc đến trong một buổi họp báo, gây phản ứng dữ dội từ giới khoa học và truyền thông Mỹ.
Bà Jourová cũng khen ngợi Twitter vì đã “đánh dấu” cảnh báo sai sự thật đối với các tweet gần đây của Tổng thống Trump. Bà nói muốn thấy các công ty mạng xã hội khác có biện pháp tương tự. “Khi các chính khách nói điều gì, chọ phải chịu trách nhiệm và phải chịu được việc người khác đi kiểm chứng câu nói”, bà phát biểu.
EU lâu nay đã khuyến khích các công ty mạng xã hội ký một bộ quy tắc về xử lý tin giả, đồng thời đe dọa ra thêm quy định nếu họ không hành động. Báo cáo mới đây của EU càng kêu gọi các mạng xã hội hãy minh bạch hơn, chia sẻ nhiều dữ liệu với giới nghiên cứu và hợp tác nhiều hơn với các bên xác thực thông tin độc lập.