Trong một cuộc phỏng vấn với South China Morning Post, ông Malcolm Turnbull, thủ tướng Australia giai đoạn 2015-2018, cho rằng chính sách đối ngoại hiếu chiến của Bắc Kinh đã phản tác dụng, và "ngôn ngữ ôn hòa" cũng như sự nhất quán sẽ hiệu quả hơn.
"Nếu mục tiêu của bạn là có thêm bạn bè, xây dựng ảnh hưởng toàn cầu và làm điều đó trên toàn thế giới, thì bạn càng ít dữ dằn, bạn càng ít đe dọa, bạn càng ít hung hăng, thì càng tốt", ông Turnbull nói.
Ông Malcolm Turnbull và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2016. Ảnh: Reuters. |
Ông Turnbull, người đang quảng bá cho cuốn hồi ký chính trị A Bigger Picture, đã đưa ra nhận xét trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Australia và Trung Quốc liên quan đến việc Australia thúc đẩy một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc và sự lây lan của đại dịch virus corona.
Bắc Kinh tháng trước đã áp thuế 80% đối với lúa mạch Australia xuất sang và đình chỉ nhập khẩu sản phẩm của 4 công ty giết mổ lớn tại Australia. Những động thái này được coi là trả đũa kinh tế sau khi Đại sứ Trung Quốc Thành Cạnh Nghiệp cảnh báo rằng người tiêu dùng Trung Quốc có thể tẩy chay các sản phẩm của Australia nếu nước này tiếp tục thúc đẩy cuộc điều tra.
Theo đánh giá của cựu thủ tướng Australia, việc đại sứ Trung Quốc tại Australia lên truyền thông và đe dọa về hậu quả thương mại bất lợi cho Australia là hành động chỉ gây ra sự phẫn nộ và vô cùng phản tác dụng.
Ông Turnbull, người từng đề ra các luật chống can thiệp nước ngoài và minh bạch mà Bắc Kinh phản đối, nói rằng điều quan trọng đối với Australia là không phản ứng thái quá trước các động thái thương mại hung hăng của Trung Quốc và "thẳng thắn" khi giao dịch với đối tác thương mại lớn nhất của mình.
"Sự thật của vấn đề là cả Trung Quốc và Australia đều được hưởng lợi từ quan hệ thương mại", cựu thủ tướng nói. "Đây không phải như thể Trung Quốc đang tốt bụng tặng quà cho Australia. Quan hệ thương mại của chúng tôi là "cùng thắng lợi", nếu nói theo cách nói được ưa chuộng".
Ông Turnbull nói rằng Australia không nên bị cuốn vào "các phân tích Chiến tranh Lạnh" nhìn thế giới hoàn toàn thông qua lăng kính cuộc cạnh tranh "kẻ được người mất" giữa Trung Quốc và Mỹ, đồng minh của Canberra lâu nay.
Thủ tướng Australia đương nhiệm Scott Morrison và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP. |
"Đúng là có sự cạnh tranh, tất nhiên là có; sẽ luôn luôn có", ông nói. "Tuy nhiên, sự cạnh tranh đó có thể được quản lý và ở đó, không có gì mâu thuẫn nếu Australia có quan hệ tốt với cả Bắc Kinh và Washington. Nhưng đây là một mối quan hệ khác".
"Ý tôi là Mỹ là đồng minh của chúng tôi. Chúng tôi có một hiệp ước trong đó cam kết sẽ bảo vệ nhau trong trường hợp bị tấn công ở Thái Bình Dương. Chúng tôi có một người bạn tốt ở Bắc Kinh và chúng tôi rất tiếc khi có căng thẳng nhưng chúng tôi có một người bạn tốt và cũng là đồng minh ở Washington", ông giải thích.
Cựu thủ tướng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng quan hệ với các quốc gia khác trong khu vực như Ấn Độ và Indonesia. Canberra và New Delhi, vốn có mối quan tâm chung về tham vọng trên biển của Bắc Kinh, tuần trước đã ký hai thỏa thuận quốc phòng mới cho phép thực hiện các cuộc tập trận quân sự chung phức tạp hơn và hỗ trợ hậu cần lẫn nhau.
"Chúng tôi hoan nghênh Trung Quốc trỗi dậy, chúng tôi hoan nghênh tăng trưởng kinh tế của nước này, chúng tôi cảm thấy chúng tôi đã góp phần vào việc đó, nhưng Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất ở bán cầu chúng ta hoặc trong khu vực chúng ta", ông Turnbull nói.
"Rất dễ bị mê hoặc trước thành tựu kinh tế phi thường của Trung Quốc, nhưng bạn phải thấy rằng có nhiều quốc gia khác trong khu vực. Ấn Độ có cùng quy mô dân số, có thể đạt quy mô tương đương về kinh tế trong những năm tới. Indonesia là 280 triệu người".