Liên minh Châu Âu (EU) đã nhất trí với kế hoạch thành lập một trung tâm đào tạo điệp viên chung, bên cạnh 16 dự án khác, trong bối cảnh khối này đang có những bước đi thăm dò nhằm gắn kết chặt chẽ hơn quân đội các nước thành viên sau khi Anh rời khối (Brexit).
Theo Politico, việc thành lập một trường tình báo chung sẽ là bước tiến lớn với cộng đồng tình báo EU. Cho đến gần đây, việc làm sâu sắc hơn hoạt động hợp tác tình báo trong khối vẫn gặp phải trở ngại từ Anh khi London xem điều này là sự cạnh tranh không mong đợi với liên minh tình báo "Five Eyes" (Năm Mắt) bao gồm Mỹ, Canada, Australia, New Zealand và Anh.
Cùng với Brexit, Anh sẽ không còn là trở ngại trong kế hoạch của Brussels. Anh, Đan Mạch và Malta cũng sẽ không tham gia vào dự án này, vốn là một nội dung trong chương trình "Khuôn khổ Hợp tác Lâu dài" (PESCO) nhằm khuyến khích hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn trong EU.
Trường tình báo của EU sẽ do Hy Lạp dẫn dắt và có trụ sở tại Cyprus. Ảnh: Getty. |
Trường Tình báo Liên hợp EU sẽ do Hy Lạp dẫn dắt và có trụ sở tại Cyprus. Nơi này sẽ đào tạo nhân viên cho các cơ quan tình báo trong EU thông qua sự hợp tác với các cơ quan tình báo quốc gia và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tuy nhiên, dự án "trường tình báo" hiện đã hứng phải một số lời chế nhạo bởi cả Hy Lạp và Cyprus đều là những nước gần gũi nhất với Nga trong EU, theo Politico. Dự án cũng có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ nhíu mày vì Ankara lâu nay vốn đối đầu với Hy Lạp và Cyprus về quyền khai thác năng lượng ở khu vực phía đông Địa Trung Hải.
Thách thức lớn nhất đối với EU về cơ bản là biến dự án từ kế hoạch trở thành hiện thực. Các nhà ngoại giao nói nhiều dự án ban đầu của PESCO, chương trình ra đời với nhiều kỳ vọng hồi năm ngoái, vẫn chưa được triển khai gì nhiều bên ngoài khuôn khổ bản vẽ.
Một số người ủng hộ Brexit tin rằng PESCO là bước đầu tiên trong việc thành lập cái gọi là "quân đội EU", một mục tiêu lâu dài mà gần đây cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đều lên tiếng ủng hộ.
Các bộ trưởng quốc phòng EU đã thông qua 17 dự án trong một cuộc họp tại Brussels, Bỉ, hồi đầu tuần.
Theo kế hoạch, Hy Lạp cũng sẽ dẫn dắt hoạt động huấn luyện phi đội trực thăng của EU trong điều kiện trời nóng hoặc ở vùng núi cao. Đức sẽ nghiên cứu phát triển thế hệ máy bay không người lái mới để theo dõi trên bộ, trên biển.
Trong khi đó, Italy sẽ phụ trách một dự án mới về tình báo dựa trên nền tảng khinh khí cầu nhằm dò thám thông tin từ trên không. Cộng hòa Czech sẽ dẫn dắt dự án về năng lực tác chiến điện tử với mục tiêu sau cùng là thành lập một lực lượng tác chiến điện tử chung của EU.