Trong bản thỏa thuận sơ bộ dài 585 trang, có rất nhiều điều kiện khiến cho những người bảo thủ và phe ủng hộ Brexit "cứng" trong chính quyền không hài lòng. Điều này đang tạo nên một cuộc khủng hoảng mới với Thủ tướng Anh Theresa May, nội các của bà chia rẽ, chính phủ Anh chia rẽ, và nước Anh tiếp tục chia rẽ vì Brexit.
Bên cạnh vấn đề biên giới giữa CH Ireland và Bắc Ireland, bản thỏa thuận của bà May cũng vấp phải sự chỉ trích trong các vấn đề quan trọng khác.
Bản thỏa thuận sơ bộ dày 585 trang trên tay ông Michel Barnier, người đứng đầu đám phán Brexit của EU. Ảnh: AP. |
Vấn đề “chốt chặn cuối” ở Bắc Ireland
Trong bản thỏa thuận sơ bộ, Anh và EU cho biết cả hai bên sẽ “nỗ lực hết sức có thể” để đạt một hiệp định thương mại mới 6 tháng trước khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, cả hai phía hoàn toàn có thể “cùng kéo dài giai đoạn chuyển tiếp” đến một thời điểm không xác định.
Nếu chưa thể đạt một thỏa thuận thương mại mới, giải pháp “chốt chặn cuối” sẽ được áp dụng lên biên giới duy nhất trên đất liền giữa Anh và EU trên đảo Ireland. Phương án này bao gồm “một khu vực chung thuế quan” giữa Anh và EU, bắt đầu từ khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc cho đến khi “đạt được thỏa thuận tiếp theo”.
Khi Anh rời EU, ranh giới duy nhất giữa 2 thị trường sẽ là đường biên giới giữa CH Ireland (thuộc EU) và Bắc Ireland (thuộc Vương quốc Anh). Khi Anh đang là thành viên của EU nên CH Ireland và Bắc Ireland nằm trong thị trường chung, không cần một đường biên giới cứng. Khi các cuộc đàm phán Brexit bắt đầu và Anh sắp bị "chia cắt" với phần còn lại của châu Âu, vấn đề đặt ra là luật lệ nào sẽ áp lên Bắc Ireland khi nó bị "dính" vào châu Âu nhưng lại thuộc Vương quốc Anh.
Trong lịch sử, đường biên giới cứng đã từng được dựng lên và là biểu tượng của cuộc xung đột vũ trang tại Bắc Ireland trong những năm cuối thế kỷ 20. Cả Anh và EU đều không muốn một đường biên giới cứng ở đây, nhưng bắt buộc phải có ranh giới giữa thị trường 2 bên khi Brexit diễn ra.
Với vị trí đặc biệt của Bắc Ireland, nhiều người muốn giữ sự hội nhập của khu vực này với thị trường chung EU ngay cả sau Brexit. Bản đồ: Google Maps. |
Điều này trở thành vấn đề quan trọng đàm phán suốt 2 năm qua vì hai phía không thể đi đến sự đồng nhất về việc đặt ranh giới thương mại ở đâu. Bắc Ireland phản đối đặt ranh giới trên biển vì nó sẽ là sự chia cách của khu vực này với phần còn lại của Anh nhưng EU từ đầu đã cho rằng ranh giới trên eo biển Bắc là phương án duy nhất để Brexit có thể diễn ra vì Brussels cần 1 đường biên giới cứng để có thể bảo vệ thị trường chung châu Âu.
Trong thỏa thuận của bà May, hai bên đi đến thống nhất tạo một "khu vực thuế quan chung giữa Anh và EU", điều này giúp cho hàng hóa tiếp tục lưu thông một cách thuận lợi, nhưng sẽ có những trạm kiểm tra phi thuế quan được đặt ở các cảng của Bắc Ireland để kiểm soát một số hàng hóa di chuyển từ đảo Anh đến khu vực này. Điều này có thể hiểu là sự đồng ý của chính phủ Anh trong việc để Bắc Ireland "ở lại" với EU và tạo ra một đường biên giới trên eo biển Bắc.
Khu vực thuế quan chung này sẽ áp dụng với tất cả hàng hóa ngoại trừ sản phẩm thủy sản, và sẽ “bao gồm các cơ chế thực thi phù hợp để đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa EU27 và Vương quốc Anh”.
Bên cạnh đó, sẽ có những sự kiểm soát phi thuế quan với một số hàng hóa đi qua eo biển Bắc giữa đảo Anh và đảo Ireland. Điều này khiến cho đảng Liên minh Dân chủ của Bắc Ireland không hài lòng vì từ lâu họ đã phản đối bất cứ sự phân biệt nào giữa Bắc Ireland và phần còn lại của Liên hiệp Anh. Đảng Liên minh Dân chủ cũng đang liên kết với đảng Bảo thủ của bà May ở quốc hội Anh. Một số người ủng hộ Brexit đã đi xa đến mức gọi đây là việc "sáp nhập" Bắc Ireland vào EU.
Ở phía bên kia eo biển, Scotland cũng không vui vẻ gì, một số hàng hóa của họ đi vào EU sẽ phải chịu sự kiểm tra, trong khi những sản phẩm tương tự của Bắc Ireland thì không. Cay đắng hơn nữa là trong cuộc trưng cầu dân ý về việc rời khỏi EU vào năm 2016, Scotland là nơi phản đối Brexit. Lãnh đạo Scotland, bà Nicola Sturgeon, đã đe dọa sẽ tổ chức thêm một cuộc trưng cầu dân ý nữa để đòi độc lập.
Lãnh đạo Scotland Nicola Sturgeon cho rằng những lộn xộn trong quá trình diễn ra Brexit sẽ khiến bà cân nhắc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần 2 đòi độc lập cho Scotland. Trong cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016, Scotland và Bắc Ireland bỏ phiếu ở lại, trong khi Anh và xứ Wales muốn rời đi. Ảnh: Getty. |
Khi một bên muốn chấm dứt "chốt chặn cuối", họ phải “thông báo với bên còn lại” và trình bày rõ nguyên nhân. Các bên cùng thành lập một ủy ban đặc biệt, đàm phán trong 6 tháng. Bắc Ireland chỉ được rời khỏi liên minh thuế quan nếu cả Anh lẫn EU đều chấp nhận.
Phần này của bản thỏa thuận sơ bộ giữa bà May và Brussels chính là phần khó nuốt trôi nhất đối với những người ủng hộ Brexit. Từ lâu nhóm này đã cho rằng nước Anh phải được tự do rời khỏi liên minh thuế quan để tự do đàm phán các thỏa thuận thương mại với các đối tác khác trên thế giới.
Sân chơi công bằng
Thỏa thuận Brexit sơ bộ có xác định rằng trong trường hợp phương án chốt chặn cuối được thực hiện, nước Anh phải đảm bảo một “sân chơi công bằng” với những cam kết về cạnh tranh và sự hỗ trợ từ chính phủ. Cùng với đó là các tiêu chuẩn về lao động, môi trường và thuế.
Những biện pháp này sẽ đảm bảo các doanh nghiệp Anh không có được lợi thế kinh tế so với các doanh nghiệp EU. Brussels cũng yêu cầu London phải áp dụng những quy định của EU đối với sự hỗ trợ của chính phủ. Bên cạnh đó, 3 chỉ thị về thuế của EU cũng sẽ được đưa vào luật pháp Anh, đó là việc trao đổi thông tin thuế, báo cáo về các công ty đầu tư và bộ quy tắc ứng xử thuế của EU.
Một số yêu cầu khác của EU cũng ngăn chính phủ Anh thay đổi các tiêu chuẩn về xã hội, môi trường và các quy tắc lao động, ví dụ như số giờ làm việc tối đa.
Rất nhiều trong số những yêu cầu này khiến cho bộ phận ủng hộ Brexit trong đảng Bảo thủ hết sức giận dữ. Đối với họ, việc rời khỏi EU sẽ là cơ hội để xây dựng một môi trường kinh doanh hấp dẫn với mức thuế thấp và các quy định được nới lỏng, giống như trường hợp của Singapore.
Thỏa thuận thương mại trong tương lai
Theo bản thỏa thuận sơ bộ giữa Anh và EU, hai bên sẽ hướng đến việc đạt được mối quan hệ gần gũi trong các hoạt động dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ tài chính) và đầu tư. Sự hợp tác trên các lĩnh vực khác sẽ “được xây dựng dựa trên những nguyên tắc từ khu vực chung thuế quan”.
Bộ trưởng Brexit Dominic Raab từ chức để phản đối bản thỏa thuận của bà May, một ngày sau khi bà May tuyên bố nội các ủng hộ kế hoạch của bà. Ảnh: Reuters. |
Đây cũng là một vấn đề gây ức chế cho nhóm ủng hộ Brexit, vì việc này đồng nghĩa dù có một thỏa thuận thương mại mới trong tương lai, mối quan hệ kinh tế giữa hai bên vẫn sẽ không thay đổi nhiều.
Đánh bắt cá
EU từ lâu đã cho biết họ sẽ không áp dụng hàng rào thuế quan nào với sản phẩm thủy sản từ Anh, nếu như đội tàu đánh bắt của các nước EU có thể tiếp tục khai thác trên vùng biển của nước này.
Điều này từng nhận sự chỉ trích mạnh mẽ từ nhóm ủng hộ Brexit trong chính phủ Anh. Tuy nhiên, nó lại xuất hiện trong bản thỏa thuận của bà May, chỉ là với một cách diễn giải hơi khác: EU sẽ áp thuế lên sản phẩm thủy sản từ Anh, cho đến khi hai bên đạt thỏa thuận về việc tàu cá EU đánh bắt ở vùng biển Anh.