Đó là một ngày giữa mùa hè oi bức ở Prague, Cộng hòa Czech. Điều đầu tiên khiến các thanh tra viên chú ý là mùi hôi thối xộc vào mũi. Cảnh sát mở chiếc tủ lạnh không cắm điện ra và phát hiện trong đó chất đầy những bộ phận thối rữa của hổ, sư tử và báo sư tử châu Mỹ. Pavla Rihova, người dẫn đầu đội thanh tra môi trường có mặt khi đó, cho biết cô chưa từng thấy bất cứ thứ gì như vậy.
"Tôi đã làm thanh tra viên được 25 năm, nhưng cảnh tượng khi ấy thật quá kinh khủng. Hãy tưởng tượng một chiếc tủ lạnh cũ không hoạt động chứa đầy thịt và xác động vật chết, bị bỏ lại trong vườn suốt 2 năm. Thật không thể tin được", cô nói với Guardian.
Trong nhà kho bên cạnh, các thanh tra viên tìm thấy một xác hổ mới bị giết với vết đạn bắn xuyên qua cổ. Thợ săn thường bắn vào vị trí này để không làm hỏng bộ da quý giá. Cách đó vài bước chân, thịt và xương không rõ của loài vật nào được chất đầy trong nồi.
Xác hổ mới bị giết được phát hiện trong một nhà kho tại Prague, Cộng hòa Czech. Ảnh: Cơ quan Hải quan Cộng hòa Czech. |
Cuộc chiến trường kỳ
Phát hiện này là kết quả sau 5 năm phối hợp điều tra của cảnh sát Czech, cơ quan hải quan và thanh tra môi trường. Họ đã khám phá ra đường dây tội phạm buôn bán và chế biến các sản phẩm từ hổ và sư tử để cung cấp cho thị trường y học cổ truyền Trung Quốc.
Từ năm 2013, cảnh sát bắt đầu lần theo dấu vết một người đàn ông châu Á với túi xương hổ trong xe ôtô. Người này khai rằng nhận được túi xương từ cơ sở chăn nuôi ở Slovakia. Vài tháng sau, bộ xương của hai con hổ được phát hiện giấu trong kiện loa phóng thanh xuất khẩu sang Đông Nam Á.
Các nhà chức trách cũng tìm thấy các sản phẩm chế biến từ hổ như rượu và nước cốt được cho là sản xuất tại Czech. Lo ngại về nguồn gốc của các mặt hàng này, thanh tra môi trường đã tiến hành kiểm tra toàn bộ số lượng hổ nuôi nhốt tại Czech vào năm 2015.
Hoạt động buôn bán, vận chuyển hổ qua biên giới các nước được kiểm soát chặt chẽ theo luật pháp quốc tế. Thậm chí tại Czech, các quy định này còn chi tiết hơn: Mỗi cá thể hổ mới sinh, chết đi hoặc đem ra buôn bán phải được ghi lại và thông báo cho thanh tra môi trường.
Tuy nhiên, các thanh tra viên nhanh chóng nhận ra rằng thủ tục giấy tờ là một mớ hỗn độn. Theo ghi chép, các cá thể hổ được xuất khẩu nhiều lần sau đó cùng biến mất hoặc chết mà không rõ nguyên nhân.
Điều đáng lo ngại nhất là tỷ lệ tử vong của hổ được nuôi nhốt trong các cơ sở tư nhân rất cao. Trong vườn thú hoặc trong tự nhiên, chúng có thể sống tới hơn 20 năm. Nhưng tại cơ sở chăn nuôi tư nhân của Czech, hiếm có cá thể hổ nào sống được hơn 5 tuổi.
Những tấm da hổ được giấu trong nhà kho tại Czech. Ảnh: Cơ quan Hải quan Cộng hòa Czech. |
Sau đó các nhà chức trách bắt đầu chuyển hướng điều tra sang Ludvík Berousek, thành viên một gia đình nghệ sĩ xiếc nổi tiếng tại Czech, với trại nuôi hổ và sư tử lớn nhất nước này. Trên giấy tờ, Berousek nuôi động vật hoang dã để phục vụ cho việc biểu diễn và vườn thú. Tuy nhiên các điều tra viên tin rằng người này có thể là nguồn cung sản phẩm làm từ hổ cho đường dây buôn lậu đến Đông Nam Á.
Phải mất gần 2 năm hải quan và cảnh sát Czech mới làm sáng tỏ được mạng lưới này. Sau khi nhận được đơn đặt hàng, Berousek sẽ đưa hổ tới địa điểm bí mật của một người Czech tên là Miloš Hrozínek để xẻ thịt và nấu chín.
Bằng việc bí mật theo dõi, cảnh sát phát hiện ra rằng băng đảng của Berousek chuyên bán cao hổ với giá 69 USD/gram. Y học Trung Quốc cho rằng cao hổ có khả năng làm chắc khỏe xương và giảm viêm khớp. Da hổ có giá từ 2.500-4.500 USD/tấm, còn mỗi bộ móng vuốt được bán với giá 150 USD.
Berousek, Hrozínek và đồng bọn đều bị buộc tội giết hại trái phép và buôn bán các loài động vật quý hiếm được bảo vệ. Trong khi Hrozínek vẫn bị giam giữ, Berousek lại được tại ngoại và tiếp tục vận hành cơ sở chăn nuôi của mình.
Quy mô lan rộng
Vụ việc này khiến các quan chức trên toàn châu Âu nhận ra rằng nạn giết hại và buôn bán hổ trái phép không chỉ tồn tại ở Đông Nam Á mà còn hoạt động ngay giữa lòng châu Âu.
Các nhà chức trách tin rằng các sản phẩm từ hổ không chỉ đáp ứng nhu cầu của khách hàng Đông Nam Á mà còn được sử dụng ngay tại châu Âu. Ngoài ra, từ năm 2013, tại Czech bắt đầu xuất hiện nhiều "vườn thú kontaktni" - một dạng vườn thú tư nhân cho trẻ em chơi đùa cùng với hổ và sư tử con.
"Những 'vườn thú kontaktni' chỉ sử dụng hổ và sư tử con trong khoảng nửa năm đến một năm, bởi khi chúng lớn lên sẽ trở nên nguy hiểm với trẻ em. Vì vậy họ phải nuôi rất nhiều", Rihova nói với Guardian.
Thế giới đã mất hơn 90% số lượng cá thể hổ vì nạn buôn bán trái phép. Ảnh: AP. |
Khi các cá thể này được vài tuổi, rạp xiếc có thể tận dụng chúng để biểu diễn trong vài năm nữa. Nhưng khi hổ và sư tử trưởng thành hoàn toàn và đến thời kỳ giao phối, khoảng 4 đến 5 tuổi, chúng trở nên quá lớn và nguy hiểm. Khi đó, hổ chết sẽ đáng tiền hơn là hổ sống, theo Guardian.
Vụ việc này khiến thanh tra viên Rihova tin rằng nạn giết hại và buôn lậu hổ có thể đang diễn ra ở nhiều nơi khác tại châu Âu. "Ủy ban châu Âu cho rằng họ có thể bao quát được tình trạng buôn bán hổ và các động vật cùng họ mèo ở đây, nhưng thực tế không phải như vậy. Nếu không có sổ sách, giấy tờ đăng ký ghi chép lại thì không thể nào bao quát được", cô nói.
Kieran Harkin, thuộc tổ chức từ thiện Four Paws, nói với Guardian: “Thế giới đã mất hơn 90% số lượng cá thể hổ. Chúng tôi kêu gọi Ủy ban châu Âu bảo vệ loài động vật đang bị đe dọa này và cấm giao dịch hổ nuôi nhốt. Người buôn bán hổ và những doanh nghiệp độc ác làm giàu từ động vật sẽ không còn chỗ đứng ở EU nữa".