Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Eu Jossep Borrell phát biểu trước truyền thông về tình hình xung đột tại Ukraine. Ảnh: Reuters. |
Liên minh châu Âu (EU) hôm 6/10 đã phê chuẩn gói trừng phạt thứ 8 nhằm vào Nga do các hành động quân sự của nước này tại Ukraine. Gói trừng phạt được đưa ra trong bối cảnh Moscow công nhận việc 4 vùng của Ukraine, gồm Donetsk, Kherson, Luhansk, Zaporizhzhia, tổ chức trưng cầu dân ý để sáp nhập với Nga.
EU cho biết gói trừng phạt mới cũng sẽ được áp dụng cho cả những vùng lãnh thổ Zaporozhye và Kherson.
Trong gói trừng phạt mới, EU sẽ thắt chặt hơn các biện pháp trừng phạt đã được áp dụng từ tháng 4 đối với dịch vụ tiền số ở Nga.
Gói trừng phạt thứ 8 của EU đối với Nga cũng được áp dụng lên các vùng lãnh thổ mà nước này vừa sáp nhập từ Ukraine. Ảnh: Getty Images. |
Sau khi các dịch vụ thanh toán như Visa và Mastercard rời khỏi thị trường Nga vào đầu năm nay, cùng với việc một số ngân hàng của nước này bị ngắt kết nối với hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT, những loại tiền số, nổi bật như USDT, đã trở thành một trong những cách hiệu quả nhất để người Nga chuyển tiền ra nước ngoài.
Bên cạnh lĩnh vực tài chính, gói trừng phạt thứ 8 của EU cũng đặt tiền đề cho việc áp giá trần đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga được vận chuyển đến các nước thứ ba qua đường hàng hải.
Theo TASS, phó Thủ tướng Nga Alexander Novak từng cho biết Nga sẽ ngừng bán dầu và các sản phẩm dầu mỏ cho quốc gia nào định áp dụng giá trần với dầu của nước này.
"Nếu họ áp đặt hạn chế về giá, chúng ta sẽ không bán dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ cho các công ty hoặc các quốc gia áp đặt các hạn chế đó. Chúng ta sẽ không bán hàng mà không có cạnh tranh", ông Novak nói.
Gói trừng phạt thứ 8 của EU cũng mở rộng lệnh cấm nhập khẩu đối với các mặt hàng bao gồm sản phẩm thép, và cấm cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, kỹ thuật cùng pháp lý cho các thực thể của Nga.
Gói trừng phạt rộng hơn cũng sẽ nhắm vào một loạt cá nhân và thực thể, bao gồm các quan chức cấp cao của Moscow và những người liên quan đến kế hoạch trưng cầu dân ý bị nhiều nước lên án gần đây.
Xuất khẩu hàng hóa do EU sản xuất, đặc biệt là công nghệ quan trọng được sử dụng trong quân đội Nga như hàng không, linh kiện điện tử và hóa chất, cũng sẽ bị cấm.
Ngoài EU, chính phủ Na Uy vào hôm 6/10 cũng thông báo sẽ hạn chế số lượng tàu cá của Nga được phép đậu tại các cảng của nước này.