Theo Yahoo Finance, không phải Bitcoin, Dogecoin hay Shiba Inu coin, chính Ethereum là đồng tiền mã hóa thành công nhất trong năm 2021. Tính đến ngày cuối cùng trong năm, giá Bitcoin mới chỉ tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi con số này với Ether là 410%.
“Tôi không nghĩ Dogecoin và Shiba Inu sẽ có một năm tốt đẹp nếu không có sự tác động của Elon Musk trên Twitter”, Chris Vecchio, nhà phân tích từ DailyFX, cho biết.
Ngoài Ethereum, giá một số đồng tiền mã hóa khác như Cardano, Solana, Polygon, Terra cũng có hiệu suất tăng trưởng mạnh mẽ, lần lượt đạt 657%, 9.258, 13.000%, 13.000%.
Với sự phát triển của nền tảng tài chính phi tập trung (DeFi) và NFT, phí giao dịch trên blockchain của Ethereum liên tục tăng cao trong thời gian qua. Đây là rào cản khiến giới đầu tư nhỏ lẻ và các nhà phát triển gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng ứng dụng cấp doanh nghiệp.
Ethreum có số lượng giao dịch được xử lý trên giây thấp nhưng chi phí cao. Ảnh: Forbes. |
Theo Gil Luria, chiến lược gia công nghệ từ công ty D.A. Davidson, chi phí giao dịch của Ethereum đang khiến đồng tiền lớn thứ 2 thế giới đánh mất thị phần vào tay các blockchain khác.
Không giống Bitcoin, vốn hoạt động như một sổ cái phi tập trung, Ethereum là một nền tảng hợp đồng thông minh. Do đó, mọi hoạt động giao dịch trên nền tảng này đều phát sinh chi phí.
Hiện tại, Bitcoin có khả năng xử lý 7 giao dịch mỗi giây (TPS) với chi phí khoảng 3,34 USD/giao dịch. Dù có thể đạt 15 TPS, Ethereum lại tốn 20-40 USD/giao dịch.
Trong khi đó, công ty Visa có khả năng cung cấp lên tới 24.000 TPS với mức phí dao động 1,4-2,4%.
“Bất cứ thứ gì trên 1 USD đều là quá nhiều”, Baxter Hines, Giám đốc đầu tư của Honeycomb Digital Investment, cho rằng chi phí đắt đỏ sẽ tạo nhiều trở ngại cho hoạt động ứng dụng blockchain ở quy mô doanh nghiệp.
Để cải thiện độ hiệu quả, Ethereum bắt đầu thực hiện bản nâng cấp ETH 2.0 vào tháng 8 năm nay. Phần cải thiện chi phí của bản nâng cấp mới (được gọi là sharding) ước tính sẽ hoàn thành cho đến năm 2023.
Kevin Woicki, nhà đồng sáng lập Gitcoin, cho biết chiến lược của Ethereum là trở thành một “blockchain trong blockchain”. Ở đó, các ứng dụng và nhà cung cấp lớp thứ 2 như Polygon có nhiệm vụ phát triển quy mô mạng lưới chính.
Song, Woicki lo ngại tình trạng chi phí giao dịch đắt đỏ sẽ làm lu mờ sự hiệu quả của Ethereum.
Solana là một trong những đối thủ của Ethereum. Blockchain này sở hữu giao thức cho phép xử lý 2.682 giao dịch mỗi giây với chi phí chỉ từ vài cent. Đáng chú ý, whitepaper của Solana cho biết việc TPS đạt 710.000 là hoàn toàn khả thi.
Solana đang có lợi thế huy động vốn. Giữa sự bùng nổ của DeFi và NFT, các dự án dựa trên Ethereum chiếm 26% tổng số tiền huy động được, trong khi Solana đứng thứ 2, với 73 dự án (9%) trong số tổng dự án.
“Khách hàng chính của chúng tôi không phải người dùng cuối. Đó là các nhà phát triển, các kỹ sư, nhà phát triển ứng dụng. Họ đang cố gắng xây dựng thế hệ ứng dụng tiếp theo”, Anatoly Yakenvenko, đồng sáng lập và CTO của Solana Labs, công ty đã xây dựng Solana, nói với Yahoo Finance.
Tuy nhiên, Solana mới trong giai đoạn sơ khai. Số lượng trình xác thực thấp khiến nền tảng này thường xuyên nghẽn mạng và bị tấn công DDOS.
Bên cạnh đó, Solana hiện có 19 cá nhân/tổ chức kiểm soát 33% cổ phần. Họ có thể cùng nhau tạm dừng mạng lưới hoặc kiểm duyệt các giao dịch.
“Vào năm 2022, nhiều ứng dụng có giá trị cao sẽ được xây dựng trên Ethereum. Trước tình trạng phí Ethereum đã trở nên quá đắt. Những ứng dụng mang tính tương lai, tham vọng và có giá trị thấp hơn sẽ được xây dựng trên những blockchain khác”, Luria nhận định.