Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Elizabeth II là biểu tượng văn hóa đại chúng không bao giờ có lại

Trong hơn 70 năm trị vì, Nữ hoàng Elizabeth II được nhắc đến rất nhiều trong văn hoá đại chúng với thái độ bao gồm cả châm biếm lẫn tôn kính.

Theo Vanity Fair, Nữ hoàng Elizabeth II có thời gian trị vì lâu nhất nước Anh và là một trong số những quân vương trị vị lâu nhất thế giới. Bà chứng kiến sự phát triển của các phương tiện truyền thông hiện đại, đồng thời cũng là một biểu tượng của văn hóa đại chúng.

1969: Sự tôn vinh của ban nhạc The Beatles

Bài hát 26 giây Her Majesty do Paul McCartney viết, được đưa vào như một ca khúc ẩn trong album Abbey Road của The Beatles. Trong cuộc phỏng vấn năm 2015 với Esquire, McCartney thú nhận rằng, khi còn trẻ, ông đã phải lòng Nữ hoàng Elizabeth II.

Năm 2002, McCartney đã thể hiện trọn vẹn sự tôn vinh của mình khi anh biểu diễn Her Majesty tại Vườn Cung điện Buckingham cho buổi hòa nhạc Golden Jubilee của nữ hoàng.

Nu hoang Elizabeth anh 1

Nhóm The Beatles gặp gỡ Nữ hoàng Elizabeth. Ảnh: Getty.

Bà còn xuất hiện ở những ca khúc khác của Beatles như Penny Lane, For You BlueMean Mr Mustard. Trong bìa album Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band, cả Paul và George được cho là đã đeo huy chương MBE được Nữ hoàng Anh trao tặng năm 1965.

1969: Thất bại của bộ phim The Royal Family

Nỗ lực ban đầu gia nhập văn hoá đại chúng của Hoàng gia Anh không mấy thành công. Năm 1969, gia đình hoàng gia phát hành một bộ phim tài liệu với các cảnh quay thường ngày. Tuy nhiên, bộ phim phản tác dụng một cách chấn động. Các nhà phê bình chê bai đặc quyền và sự thiếu tinh tế của hoàng gia đến mức Nữ hoàng Anh Elizabeth II phải cấm bộ phim tài liệu sau khi phát sóng lần đầu.

Nu hoang Elizabeth anh 2

Bộ phim Royal Family được ví như chương trình truyền hình thực tế đầu tiên về Hoàng gia. Ảnh: VOV.vn

50 năm sau, vào năm 2019, bộ phim The Crown đã nhắc đến chương trình thất bại này, với một mạch truyện kịch tính trong tập 3 Bubbikins. Phim xây dựng nhân vật công chúa Anne là người luôn ghét ý tưởng làm phim tài liệu ngay từ đầu. “Tôi luôn nghĩ đó là một ý tưởng thối nát,” bà nói.

Tập phim khiến người xem phần nào cảm thông với gia đình hoàng gia.

1977: God Save the Queen

Ban nhạc Sex Pistols đã có một ca khúc gây tranh cãi với chủ đề chống chế độ quân chủ, được viết về nữ hoàng năm 1977. Mặc dù nhóm lên tiếng phủ nhận, hình ảnh bìa album với chân dung nữ hoàng đã nói lên tất cả.

Nu hoang Elizabeth anh 3

Bìa album God save the Queen. Ảnh: SexPistols

Cuối năm đó, BBC đã cấm hoàn toàn ca khúc và nhận định những lời bài hát như "Chúa cứu nữ hoàng / Cô ấy không phải là con người" thể hiện loại "sở thích tồi tệ".

John Lydon, nghệ danh Johnny Rotten, nói rằng cá nhân anh không có ý chống lại Nữ hoàng Elizabeth II và hy vọng bài hát sẽ không được sử dụng một cách không phù hợp. Vào năm 2017, Lydon chia sẻ về chuyện cũ: "Bài hát nói về tình hình chính trị và yêu cầu tuân theo chế độ quân chủ mà tôi không tin vào".

1984: Sptting Image

Thái độ có phần cay độc đối với nữ hoàng đã được mở rộng trên màn ảnh nhỏ với Spitting Image, bộ phim nổi tiếng của Anh những năm 80 châm biếm gia đình hoàng gia bằng những con rối biếm họa. Gia đình hoàng gia không phải là mục tiêu duy nhất của Sptting Image, loạt phim này cũng làm nhắm đến Margaret Thatcher, Ronald Reagan và một số người khác.

Thái độ thô thiển của bộ phim đối với hoàng gia, đặc biệt là nữ hoàng đã đánh dấu một sự thay đổi đáng nhớ trong văn hóa đối với chế độ quân chủ. Con rối của Nữ hoàng Elizabeth II bị bóp méo một cách hoạt hình, đội cả vương miện và chiếc khăn Balmoral quấn quanh đầu và thường xuất hiện khá thô lỗ.

Sau khi loạt phim kết thúc vào năm 1996, nó được khởi động lại vào cuối năm 2020 với những con rối mới mô tả hoàng tử Harry và Meghan Markle.

1985: Nghệ thuật Đại chúng

Hoạ sĩ kỳ cựu Andy Warhol từng nói: "Tôi muốn nổi tiếng như Nữ hoàng Anh".

Vào năm 1985, nghệ sĩ đã bày tỏ lòng kính trọng đối với chế độ quân chủ trong loạt tranh Các vị hoàng hậu ngự trị của ông. Ông đã tạo ra bốn bức tranh về Elizabeth II bằng cách vẽ đặc trưng của ông.

Nu hoang Elizabeth anh 4

Andy Warhol và các bức tranh về nữ hoàng. Ảnh: Getty.

Năm 2012, Nữ hoàng Elizabeth IIdường như đã chấp nhận các bức tranh phổ biến của Warhol bằng cách mua bốn bức chân dung cho Bộ sưu tập Hoàng gia của bà và trưng bày tại Lâu đài Windsor.

1988: Màn thủ vai của Jeannette Charles

Nữ hoàng Elizabeth II (do Jeannette Charles thể hiện) đã đóng vai trò quan trọng trong phần đầu bộ phim Họng súng vô hình, là nhân vật nổi tiếng mà Frank Drebin (Leslie Nielsen thủ vai) phải bảo vệ khỏi một âm mưu ám sát trong chuyến thăm của bà tới Los Angeles.

Nu hoang Elizabeth anh 5

Diễn viên Jeannette Charles trong phim Họng súng vô hình. Ảnh: Getty.

Jeannette Charles đã có một vai diễn được "đo ni đóng giày" bởi vẻ ngoài giống quốc vương. Nữ diễn viên cũng từng đóng vai Nữ hoàng Anh trong Kỳ nghỉ châu Âu của National Lampoon năm 1985, Austin Powers ở Goldmember năm 2002 và nhiều dự án tập trung vào Hoàng gia Anh khác.

1988: A Question of Attribution

Không chỉ được phác hoạ trong The Crown, nhiều thập kỷ trước đó, câu chuyện có thật về cố vấn lâu năm Anthony Blunt, kẻ phản bội nữ hoàng, người bị vạch mặt là gián điệp bên trong Cung điện Buckingham, đã được dựng kịch với cái tên A Question of Attribution bởi Alan Bennett năm 1988. Năm 1992, vở kịch được chuyển thể thành chương trình truyền hình đặc biệt cùng tên đoạt giải BAFTA, với Prunella Scales đóng vai Nữ hoàng.

1992: Không còn là nữ hoàng

Nữ hoàng sẽ đối phó như thế nào nếu đột nhiên bị buộc phải sống như một người Anh bình thường? Đó là những gì tác giả Sue Townsend tưởng tượng trong cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất The Queen & I của bà.

Nội dung cuốn sách về một thế giới song song, nơi Đảng Cộng hòa của Nhân dân chiến thắng và tống cổ Hoàng gia ra khỏi Cung điện Buckingham. Trong đó nữ hoàng, một người nghiện công việc, cúi mình trong ngôi nhà dành cho tầng lớp lao động và học cách kiếm tiền từ lương hưu của nhà nước.

2002: Khiêu vũ cùng George Michael

Trong MV bài hát Shoot the Dog của George Michael - cựu thành viên ban nhạc huyền thoại Wham!, hình ảnh hoạt hình của nữ hoàng Elizabeth đã xuất hiện và nhảy múa trên ban công cùng ngôi sao nhạc pop.

Nu hoang Elizabeth anh 6

Ban nhạc Wham!. Ảnh: The Mirror.

Theo quản lý Bryan Morrison của Wham!, nữ hoàng là người hâm mộ Michael và đã đặc biệt yêu cầu được gặp ban nhạc trong một trận đấu polo năm 1985. Ông viết trong hồi ký của mình: “Tôi rất ngạc nhiên vì khi chào hỏi nhóm, nữ hoàng biết tất cả bản hit và đã dành rất nhiều thời gian để lắng nghe".

Ngôi sao Michael sau đó đã xác nhận về cuộc gặp và chia sẻ với báo chí: “Nữ hoàng hỏi tôi về Trung Quốc và nói rằng bà chưa đến đó nhưng có thể sẽ tới thăm vào năm sau. Bà ấy thực sự rất ngọt ngào. Và nhỏ con".

2003: Điệp viên Johnny English giải cứu chế độ quân chủ

Chế độ quân chủ được nhắc tới trong tác phẩm hài nhái lại Điệp viên 007 của Rowan Atkinson. Kịch bản hài hước bao gồm kẻ phản diện John Malkovich khiến nữ hoàng phải thoái vị bằng cách đe dọa những con cún cưng của bà. Sau màn đối đầu kịch tính tại lễ đăng quang của Malkovich, nhân vật Johnny English đã thành công trong việc phục hồi chức hiệu cho nữ hoàng.

Trong phần tiếp theo năm 2011, Điệp viên không không thấy: Tái xuất, Nữ hoàng Elizabeth II tiếp tục xuất hiện trong tình thế khó khăn khi Johnny English tin nhầm rằng bà là một sát thủ ngụy trang.

Nu hoang Elizabeth anh 7

Danh hài Rowan Atkinson gặp gỡ nữ hoàng. Ảnh: The Mirror.

Atkinson từng nhiều lần viết kịch bản về hoàng gia, bao gồm một tập phim năm 1990 nơi nhân vật Mr Bean gặp gỡ nữ hoàng. Trả lời phỏng vấn, Atkinson thừa nhận những câu chuyện cười của ông về hoàng gia "chắc chắn được tạo ra từ tình yêu và sự tôn trọng".

"Tôi không muốn làm mất uy tín sự thành lập của Vương quốc Anh hoặc chế độ quân chủ bởi đó là nguồn cảm hứng của tôi”, ông nói.

2005: Bị MTV từ chối

Ba năm sau phiên bản hoạt hình trong MV của George Michael, Nữ hoàng Elizabeth II đã xuất hiện trong một video ca nhạc gây tranh cãi hơn, U Don’t Know Me của bộ đôi điện tử Basement Jaxx. Trong MV có một phân cảnh các nhân vật hoàng gia trông giống như những vũ công múa thoát y, khiến MTV từ chối phát video âm nhạc trước 7 giờ tối.

2006: Mở đầu cho sự tôn vinh của Peter Morgan

Tác giả The Crown bắt đầu sự nghiệp tưởng tượng những gì xảy ra đằng sau những cánh cửa cung điện đóng kín với bộ phim tiểu sử The Queen năm 2006 do Stephen Frears đạo diễn và Helen Mirren đóng vai chính.

Nu hoang Elizabeth anh 8

Bộ phim giúp diễn viên Helen Mirren giành giải Oscar cho Nữ diễn viên xuất sắc. Ảnh: Variety.

Bộ phim đã mang về cho Mirren giải Oscar và được chính Nữ hoàng ca ngợi. Nội dung kết hợp giữa thực tế và hư cấu để khắc hoạ việc Nữ hoàng Elizabeth II xử lý cái chết bi thảm của Công nương Diana một cách riêng tư. Dù sau cái chết của Diana, Nữ hoàng Anh từng bị chỉ trích vì phản ứng lạnh lùng, tác giả Morgan đã thành công trong việc khơi gợi sự cảm thông đối với vị quốc vương kín tiếng.

2012: Diễn xuất cùng điệp viên James Bond

Nữ hoàng đã thành công hơn trong việc gắn bó với văn hóa đại chúng. Vào năm 2012, bà hợp tác với nhà làm phim Trainspotting Danny Boyle và chính James Bond - Daniel Craig, để quay một cảnh táo bạo cho lễ khai mạc Thế vận hội 2012 ở London.

Nu hoang Elizabeth anh 9

Nữ hoàng được điệp viên James Bond hộ tống.

Trong đoạn phim ngắn, điệp viên 007 hộ tống Nữ hoàng Elizabeth từ Cung điện Buckingham tới địa điểm tổ chức thế vận hội. Sau đó, hai diễn viên đóng thế Bond và nữ hoàng đã nhảy xuống sân vận động từ một chiếc trực thăng thật. Chỉ trong giây lát, đích thân Nữ hoàng Elizabeth, được Hoàng thân Philip hộ tống, xuất hiện ở hàng ghế VIP với bộ đồ giống trong đoạn phim ngắn.

Đoạn phim trên là một trong những điểm nhấn đáng nhớ nhất của đêm khai mạc Thế vận hội 2012, bởi từ trước tới nay Nữ hoàng Anh chưa bao giờ diễn xuất trên màn ảnh.

2012: Family Guy

Loạt phim Family Guy nổi tiếng của Mỹ đã xâm nhập lãnh thổ hoàng gia Anh vào mùa 10 với sự giúp đỡ của ngôi sao khách mời Cate Blanchett.

Trong tập phim, nơi các nhân vật đều là người Anh, nhân vật Peter cố gắng lấy trộm một sợi tóc của nữ hoàng trong một cuộc diễu hành do nhầm tưởng rằng anh ta có quan hệ họ hàng với bà. Tập phim kết thúc không mấy tốt đẹp, với cảnh Peter đuổi theo nhân vật nữ hoàng, dẫn tới cái chết của bà trong đường hầm, ẩn ý đến vụ tai nạn xe hơi chết người của Công nương Diana.

2014: Từ ngai vàng này sang ngai vàng khác

Vào năm 2014, vị quốc vương đã làm nức lòng cộng đồng mạng trong một chuyến thăm tới phim trường Game of Thrones.

Nu hoang Elizabeth anh 10

Nữ hoàng từ chối ngồi lên ngai sắt. Ảnh: Reuters

Tại đây, dàn diễn viên và đoàn làm phim đã mời nữ hoàng ngồi lên ngai sắt nhưng ngay lập tức bị từ chối. Lý do được cho là: Có một luật cổ của hoàng gia Anh nghiêm cấm việc một vua hay nữ hoàng Anh ngồi vào ngai vàng của một hoàng gia khác.

2015: Nữ hoàng và Minions

Nữ hoàng và chế độ quân chủ được cả trẻ em biết đến. Năm 2015, hãng phim Universal đã tạo ra phiên bản hoạt hình của nữ hoàng trong bộ phim nổi tiếng Minions.

Giống như Johnny English trước đó, bộ phim hoạt hình tập trung vào các Minions ngăn chặn âm mưu của một kẻ phản diện nhằm lật đổ nữ hoàng khỏi ngai vàng. Nhân vật xấu xa, Scarlet Overkill được Sandra Bullock lồng tiếng và Jennifer Saunders lồng tiếng cho nữ hoàng.

2016: Chú gấu Winnie gặp Nữ hoàng

Thật may mắn, nữ hoàng đã bước sang tuổi 90 cùng năm chú gấu Winnie của A.A. Milne. Năm 2016, một sinh nhật kép đã được tổ chức trong cuốn sách dành cho trẻ em này, trong đó Pooh đi cùng Christopher Robin, Eeyore và Piglet đến Cung điện Buckingham để gặp quốc vương. Tại một thời điểm, Pooh nói: “Chắc hẳn là một điều rất tuyệt vời khi được 90 tuổi".

Tác giả A.A. Milner luôn dành sự yêu quý của mình cho Nữ hoàng Elizabeth II. Năm 1926, ông đã tặng cuốn sách gồm các bài hát có Pooh, gấu Teddy và các nhân vật khác, cho Công chúa Elizabeth mới sinh.

2016: The Crown

Loạt phim xa hoa của Peter Morgan, được cho là có giá 130 triệu USD cho hai mùa, có thể coi là sự tôn kính chi tiết và tỉ mỉ nhất đối với chế độ quân chủ trong cuộc đời của nữ hoàng.

Nu hoang Elizabeth anh 11

The Crown là một series thành công về Hoàng gia Anh.

Được hỗ trợ bởi các nhà tư vấn lịch sử và nghi thức để đảm bảo độ chính xác của loạt phim, hai phần đầu tiên là một cuộc nghiên cứu tinh tế tính cách của nữ hoàng (do Claire Foy thủ vai). Các sự kiện lịch sự được đan xen với các mạch truyện cá nhân hư cấu đã mang đến cho khán giả bức chân dung đầy sắc thái của người trị vì và quá trình phát triển của bà qua nhiều thập kỷ.

Phần ba, với quân vương do Olivia Colman thủ vai khắc hoạ hình ảnh bà trong những năm trung niên. Và phần thứ tư gần đây nhất xoay quanh Công nương Diana (Emma Corrin) và Thái tử Charles (Josh O’Connor).

2018: Hàng ghế đầu tại Tuần lễ thời trang London

Vào năm 2018, nữ hoàng đã xuất hiện lần đầu tiên tại Tuần lễ thời trang London, ngồi cùng với Anna Wintour ở hàng ghế đầu (Front-row) trong ngày cuối cùng của sự kiện.

Nu hoang Elizabeth anh 12

Nữ hoàng ngồi tại hàng ghế đầu cùng Anna Wintour. Ảnh: Insider

Trong bộ đồ thanh lịch màu xanh nhạt, nữ hoàng đến để trao Giải thưởng British Design cho nhà thiết kế Richard Quinn. Quinn sau đó đã nói với báo chí: "Nữ hoàng đã thể hiện sự quan tâm thực sự và cho biết bà rất thích buổi trình diễn. Giải thưởng là một bước ngoặt mới tuyệt vời cho thời trang Anh, không chỉ cho tôi mà còn cho các nhà thiết kế khác".

Sau khi bức ảnh Wintour và nữ hoàng cười với nhau được chụp lại, nhà mốt được hỏi rằng hai người đã thảo luận điều gì. Wintour tiết lộ: “Nữ hoàng và tôi cùng nói về khoảng thời gian mà cả hai đã làm việc".

Nữ hoàng Elizabeth II - một biểu tượng thời trang

Nữ hoàng Anh Elizabeth II được nhớ đến với phong cách thanh lịch. Những bộ đồ gọn gàng, các mẫu phụ kiện độc đáo trở thành yếu tố không thể thiếu.

Những ngôi sao thủ vai Nữ hoàng Anh trên phim

Trong tất cả diễn viên từng hóa thân thành Nữ hoàng Elizabeth II trên phim, chỉ Helen Mirren được "nguyên mẫu" mời đến Cung điện Buckingham trò chuyện.

Trúc Giang

Bạn có thể quan tâm