Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

El Salvador trả giá đắt vì đặt cược vào Bitcoin

Chưa đầy một năm sau khi khiến thế giới sửng sốt vì hợp pháp hóa Bitcoin, El Salvador đã lỗ nặng. Bitcoin cũng không được người dân sử dụng rộng rãi hay thu hút thêm vốn đầu tư.

Theo New York Times, việc hợp pháp hóa Bitcoin từng được kỳ vọng sẽ đưa El Salvador từ một nước nghèo thành đầu tàu trong cuộc cách mạng tài chính.

Nhưng gần một năm sau khi Tổng thống Nayib Bukele công nhận Bitcoin là tiền tệ chính thức, ván cược của ông đã thất bại. Khi thị trường tiền mã hóa lao dốc, lượng Bitcoin được chính phủ El Salvador nắm giữ mất khoảng 60% giá trị.

Lượng giao dịch Bitcoin tại El Salvador giảm mạnh. Đất nước cũng cạn tiền mặt vì ông Bukele không thể huy động vốn mới từ các nhà đầu tư tiền mã hóa.

Tham vọng lớn

Năm ngoái, chính quyền của ông Bukele dành 15% ngân sách đầu tư thường niên để phổ cập Bitcoin. Họ tặng 30 USD - gần bằng 1% thu nhập bình quân năm của người El Salvador - cho những công dân sử dụng ứng dụng thanh toán tiền mã hóa Chivo Wallet. Ứng dụng này cũng được chính phủ rót vốn.

Ông Bukele tuyên bố gần 3 triệu người El Salvador, hay 60% người trưởng thành, đã nghe theo lời kêu gọi của ông. Nhưng sau đó, lượng sử dụng Bitcoin dần lao dốc.

Theo một cuộc khảo sát được thực hiện hồi tháng 2, chỉ 10% người dùng Chivo tiếp tục thực hiện các giao dịch sau khi tiêu hết 30 USD ban đầu. Trong năm nay, gần như không có thêm người nào tải ứng dụng.

"Chính phủ đã làm mọi cách để thúc đẩy dự án. Nhưng nó vẫn thất bại", nhà kinh tế Fernando Alvarez của Đại học Chicago bình luận.

Chính phủ đã làm mọi cách để thúc đẩy dự án. Nhưng nó vẫn thất bại

Nhà kinh tế Fernando Alvarez của Đại học Chicago

Theo một cuộc khảo sát khác của Phòng Thương mại El Salvador, tính đến tháng 3 năm nay, chỉ 14% doanh nghiệp trong nước sử dụng Bitcoin để giao dịch. Trong đó, 3% nhận thấy giá trị của Bitcoin trong kinh doanh.

Những công dân El Salvador ở Mỹ cũng không dùng Bitcoin để gửi tiền về cho người thân như lời kêu gọi của ông Bukele. Theo ngân hàng trung ương, các ứng dụng thanh toán tiền điện tử như Chivo chiếm chưa tới 2% kiều hối trong 5 tháng đầu năm nay.

Ván cược của ông Bukele còn trở nên tồi tệ hơn khi thị trường tiền mã hóa lao dốc. Vào quý II, Bitcoin đã ghi nhận quý tồi tệ nhất trong vòng hơn thập kỷ qua. Đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới mất khoảng 58% giá trị trong quý. Khoảng 1.200 tỷ USD bị xóa sổ khỏi thị trường tiền mã hóa.

"Mọi người đều sợ mất tiền", anh Edgardo Villalobos - người quản lý các gian hàng tại một khu chợ ở thủ đô San Salvador - chia sẻ. Anh cho biết 30 USD Bitcoin ban đầu trong ứng dụng Chivo của mình giờ giảm giá trị còn 10 USD.

Van cuoc Bitcoin anh 3

El Salvador tặng 30 USD cho những công dân sử dụng ứng dụng thanh toán tiền mã hóa Chivo Wallet. Ảnh: Reuters.

Bitcoin cũng không tạo ra làn sóng khởi nghiệp tiền mã hóa như hứa hẹn. Kể từ năm ngoái, chỉ 48 công ty mới tập trung vào Bitcoin đăng ký tại El Salvador. Theo bà Leonor Selva - Giám đốc điều hành của Hiệp hội Doanh nghiệp Tư nhân Quốc gia El Salvador, hầu hết công ty mới thuê ít lao động địa phương và không mang lại nhiều vốn đầu tư.

Theo bà, thay vì thu hút các nhà đầu tư mới, Bitcoin khiến ngành công nghiệp tài chính truyền thống lo ngại vì những tác động của tiền mã hóa đối với sự ổn định kinh tế.

Tuy nhiên, sự sụp đổ của thị trường không làm xói mòn niềm tin của ông Bukele với Bitcoin. Trong một loạt bài đăng trên Twitter trong năm qua, ông tiết lộ đã mua gần 2.400 Bitcoin kể từ tháng 9, tổng giá trị khoảng 100 triệu USD.

"Bitcoin là tương lai", ông tuyên bố trong bài đăng trên Twitter hôm 30/6 sau khi thông báo đợt mua vào mới nhất giữa lúc thị trường bán tháo. "Cảm ơn vì đã bán rẻ", vị tổng thống nói.

Cái giá quá lớn

Đến nay, theo ước tính của tạp chí Disruptive, các giao dịch Bitcoin của ông Bukele đã khiến El Salvador lỗ 63 triệu USD.

Các khoản lỗ trở thành vấn đề lớn khi chính quyền El Salvador đang đau đầu trong việc trợ giá thực phẩm, nhiên liệu và trả nợ sắp đến hạn thanh toán.

Năm ngoái, ông Bukele đã giảm phân bổ ngân sách cho các chính quyền địa phương, buộc nhiều thị trưởng phải giảm dịch vụ công như học bổng hay cơ sở hạ tầng nước.

"Vấn đề với Bitcoin là chẳng ai nhận được gì cả. Khoản đầu tư đó không mang lại lợi ích xã hội", nhà kinh tế học El Salvador Carlos Acevedo bình luận.

Thị trường tiền mã hóa suy yếu cũng khiến kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ đầu tiên được đảm bảo bằng Bitcoin của ông Bukele tan tành. Sau khi thông báo sẽ bán 1 tỷ USD trái phiếu bằng Bitcoin, chính phủ El Salvador hoãn vào phút chót trong tháng 3. Lý do được đưa ra là cuộc chiến ở Ukraine khiến tình hình tài chính toàn cầu xấu đi.

Van cuoc Bitcoin anh 4

Quyết định sai của ông Bukele thậm chí có thể đẩy El Salvador vào cảnh vỡ nợ. Ảnh: Reuters.

Các nhà kinh tế học cho biết việc này sẽ khiến El Salvador có ít phương án hơn trong việc thanh toán 800 triệu USD nợ đáo hạn tháng 1/2023, cũng như các khoản thanh toán của những năm sau đó.

Ông Bukele sẽ phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn, hoặc cắt giảm chi tiêu công, hoặc đẩy đất nước vào tình trạng vỡ nợ.

Một vụ vỡ nợ sẽ làm gián đoạn hoạt động nhập khẩu hàng hóa thiết yếu, giảm tốc tăng trưởng kinh tế, thậm chí kích hoạt làn sóng rút tiền khỏi ngân hàng.

"Ông Bukele quan tâm đến việc xây dựng hình ảnh hơn quản lý kinh tế. Ván cược của ông sẽ phải gánh hậu quả. Và đó là một cái giá đắt", chuyên gia chính sách công Frank Muci tại Trường Kinh tế London bình luận.

Giai đoạn tồi tệ của các đại gia công nghệ Tesla, Apple

Các tập đoàn công nghệ lớn như Tesla, Apple vừa trải qua quý tệ nhất trong nhiều năm. Nguyên nhân là những cú sốc như gián đoạn chuỗi cung ứng, lạm phát và lãi suất đi lên.

Các đại gia công nghệ Trung Quốc chật vật vực dậy từ 'bão quy định'

Ngành công nghệ của Trung Quốc tăng trưởng chóng mặt trong những thập kỷ qua. Nhưng giờ, thời hoàng kim đã qua với các công ty công nghệ nước này.

Kim ngach xuat khau cao ky luc hinh anh

Kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục

0

Trong nửa đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đã đạt hơn 368 tỷ USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm trước, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm