Eileen Gu là vận động viên trượt tuyết 18 tuổi sinh ra và lớn lên ở California, cũng là người đã giành huy chương vàng cho Trung Quốc trong Olympic mùa đông đang diễn ra.
Người còn lại là một bà mẹ 8 con bị chồng xích cổ trong nhà kho, tên thật là Xiaohuamei.
Nhiều người tức giận vì chính phủ tôn vinh cô Gu, người phù hợp với câu chuyện về sự hùng mạnh và thịnh vượng của Trung Quốc, trong khi kiểm duyệt chặt chẽ luồng thông tin về người phụ nữ bị xích.
Hình ảnh trái ngược
Dù muốn hay không, Gu đã trở thành một công cụ tuyên truyền mạnh mẽ để Bắc Kinh chứng tỏ sức hút với nhân tài toàn cầu và lợi ích của việc hướng về Trung Quốc.
Cô đại diện cho một Trung Quốc thành công và thịnh vượng, một Trung Quốc sau nhiều năm chảy máu chất xám cho phương Tây đã trở lại là đất lành để những "đứa con phương xa" như Gu trở về cống hiến.
Trong khi đó, người phụ nữ bị xiềng xích đại diện cho những người vẫn sống trong một Trung Quốc nghèo nàn và lạc hậu, một hình ảnh tưởng đã trở thành dĩ vãng khi Trung Quốc phát triển vượt bậc vài thập niên qua.
Viết trên New York Times, tác giả Li Yuan nói rằng hình ảnh hai người phụ nữ làm nổi bật sự thật rằng bên dưới vẻ ngoài hào nhoáng của một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, vẫn còn sự nghèo đói và lạm dụng đối với phụ nữ.
“Thực tế là phần lớn người Trung Quốc sẽ không có cơ hội trở thành Eileen Gu”, Li Yinuo, người sáng lập một công ty giáo dục nổi tiếng ở Bắc Kinh, viết trong một bài báo.
Nhưng bi kịch của người phụ nữ bị xiềng xích có thể xảy ra với bất kỳ ai, cô viết. Vài giờ sau, bài báo của cô đã bị xóa.
Eileen Gu ăn mừng sau khi giành huy chương vàng ở Olympic Bắc Kinh 2022. Ảnh: New York Times. |
Cuộc tranh luận cũng gây ra sự thất vọng đối với tầng lớp trung lưu Trung Quốc. Họ bức xúc với các tuyên bố trái ngược và sự kiểm duyệt của chính phủ đối với trường hợp của Xiaohuamei.
Các nhà chức trách địa phương đã đưa ra bốn tuyên bố trái ngược nhau chỉ trong hai tuần, sau khi video về người phụ nữ bị xích được đăng tải.
Trong tuyên bố mới nhất hôm 10/2, các nhà chức trách nói rằng Xiaohuamei có thể là nạn nhân của nạn buôn người và chồng cô đang bị điều tra. Trước đó, chính phủ đã phủ nhận cả hai.
Nhiều người Trung Quốc nhận thấy dường như chính phủ đang dồn quá nhiều sự ưu ái cho một người và bỏ quên một thành viên khác của xã hội đang rất cần sự giúp đỡ.
“Để đánh giá một xã hội có văn minh hay không, chúng ta không nên nhìn vào thành công của những người có đặc quyền mà cần xem những người thiệt thòi đang khốn khổ ra sao”, một tác giả viết trong bài báo được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc.
Sự hào nhoáng áp đảo
Vào thời điểm giành huy chương vàng, tin tức liên quan Gu đã chiếm 10/20 từ khóa có lượt tìm kiếm cao nhất trên Weibo. Trong khi những từ khóa về Xiaohuamei không xuất hiện, dù nhiều người vẫn đang bàn tán về cô.
Hình ảnh người phụ nữ bị xích trong nhà kho lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc. Ảnh: Twitter. |
Một tài khoản Weibo đã viết: “Tôi đã làm việc chăm chỉ để con gái theo học bằng tiến sĩ. Tôi muốn con gái tự do và tận hưởng cuộc sống. Nhưng thực tế cho tôi thấy rằng nó có thể là người tiếp theo bị bắt cóc đến vùng núi Từ Châu và bị tra tấn”.
Những người ủng hộ Gu có thể tranh luận rằng không công bằng khi so sánh thành công của cô với bi kịch của người phụ nữ bị xiềng xích. Điều đó là có lý. Nhưng họ nên đổ lỗi cho sự bất công khi các vận động viên được bảo vệ còn Xiaohuamei bị phớt lờ, Li Yuan phản biện.
Khi một số người chỉ trích cô Gu không hát theo quốc ca trên bục phát biểu, Weibo đã kiểm duyệt các hashtag như #EileenGunationalanthem.
“Đây là cuộc sống ở Trung Quốc”, nhà văn Murong Xuecun đăng trên Twitter. “Một bên là nhà vô địch Thế vận hội mùa đông không có điểm gì để chê trách. Bên kia là người phụ nữ bị xiềng xích đang bị kiểm duyệt. Một người có tương lai tươi sáng. Người kia đã đi vào ngõ cụt”.