Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đằng sau vụ người phụ nữ Trung Quốc bị chồng xích cổ

Vụ án về người phụ nữ bị xích trong nhà kho đã khơi dậy vấn đề nghiêm trọng nhưng đang bị lãng quên của xã hội Trung Quốc: Nạn "mua vợ" vì mất cân bằng giới tính.

Vào thời điểm người dân Trung Quốc chào đón Tết Nguyên đán và Olympic Bắc Kinh 2022, một video lan truyền trên mạng xã hội về người phụ nữ tâm thần bị chồng xích cổ và nhốt trong phòng tối đã khiến dư luận quốc gia tỷ dân phẫn nộ.

Chính quyền địa phương cho biết người phụ nữ trên họ Yang, từ tỉnh Vân Nam đến Giang Tô cùng với một phụ nữ cùng làng họ Sang vào năm 1996. Tuy nhiên, theo lời Sang, họ đã lạc nhau tại một ga đường sắt sau đó.

Đối với nhiều người dân Trung Quốc, hình ảnh người mẹ 8 con phải sống trong điều kiện tồi tàn ở Từ Châu, Giang Tô đã khơi lại một góc khuất đang dần bị lãng quên của xã hội nước này: Tình trạng buôn bán và ngược đãi phụ nữ, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.

Nguoi phu nu bi nhot trong nha kho he lo van de nhuc nhoi cua xa hoi Trung Quoc. anh 1

Hình ảnh người phụ nữ bị xích trong nhà kho lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc. Ảnh: Twitter.

Sự mất cân bằng giới tính

Các nhà nhân khẩu học cho biết Yang chỉ là một phần trong bức tranh rộng lớn hơn ở vùng nông thôn Trung Quốc, nơi các giá trị truyền thống như "trọng nam" và chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ đã dẫn đến sự mất cân bằng giới tính nghiêm trọng.

Chính sách một con của Trung Quốc được thi hành nghiêm ngặt trong giai đoạn 1979-2016, những người vi phạm sẽ bị phạt tiền hoặc thậm chí buộc phải phá thai. Chính sách này để lại di chứng đau thương cho hàng triệu gia đình, đặc biệt là những gia đình bị áp lực buộc phải bỏ thai vì không muốn sinh con gái.

Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, kể từ năm 1980, số lượng nam giới được sinh ra ở Trung Quốc nhiều hơn so với nữ giới là trên 30 triệu người.

Năm ngoái, số liệu từ cuộc điều tra dân số cấp quốc gia lần thứ 7 của Trung Quốc cho thấy trong độ tuổi 20-40, số lượng nam giới nhiều hơn 17,52 triệu so với nữ giới.

Jiang Quanbao, giáo sư nhân khẩu học tại Đại học Giao Thông Tây An, nói: “Trong điều kiện bình thường, tỷ số giới tính khi sinh ở Trung Quốc thường là 106 (bé trai trên 100 bé gái)". Vì vậy, khoảng 7 triệu người trong số 17,52 triệu được báo cáo trong cuộc điều tra dân số có thể là kết quả của phá thai lựa chọn giới tính, ông cho biết thêm.

Tư tưởng trọng nam đặc biệt mạnh mẽ ở vùng nông thôn, dẫn đến việc ngày càng có nhiều cô gái bị bắt cóc để làm vợ cho những người đàn ông không thể tìm được bạn đời.

Jin Yongai, giáo sư công tác tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết: “Tỷ số giới tính khi sinh bắt đầu tăng nhanh từ cuối thập niên 1980, vì vậy 20 năm sau, tác động của nó bắt đầu lan rộng đến thị trường hôn nhân". Vấn đề này bắt đầu gây chú ý từ năm 2010, giáo sư Jin nói thêm.

“Theo số liệu chính thức, trong độ tuổi 20-30, tỷ số nam trên nữ sẽ bắt đầu đạt mức 122/100 trong 10 năm tới”, Lu Ting, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura, bày tỏ góc nhìn kém lạc quan.

Nguoi phu nu bi nhot trong nha kho he lo van de nhuc nhoi cua xa hoi Trung Quoc. anh 2

Một người phụ nữ đang xem xét hồ sơ của các ứng viên tại một sự kiện mai mối ở Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Một yếu tố khác làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân bằng giới tính ở khu vực nông thôn là sự di cư của phụ nữ.

Kể từ khi chính phủ Trung Quốc nới lỏng các hạn chế đối với việc di cư giữa các vùng trong nước vào những năm 1980, một lượng lớn phụ nữ đã chọn chuyển đến các thành phố hoặc các khu vực giàu có hơn, thông qua việc đi học, đi làm, hoặc kết hôn.

Phụ nữ Trung Quốc có xu hướng kết hôn với nam giới có địa vị kinh tế, xã hội cao hơn họ. Hậu quả là, nhiều nam giới thuộc tầng lớp xã hội thấp hơn, hoặc ở các khu vực nghèo hơn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời.

“Khu vực nào càng nghèo và lạc hậu thì khả năng phụ nữ bỏ đi càng lớn và vấn đề mất cân bằng giới tính càng nghiêm trọng", giáo sư Jiang nói.

Hiện tượng phụ nữ “ế” - từ dùng để chỉ những phụ nữ có trình độ học vấn cao chưa chịu lập gia đình dù đã 27 tuổi - phổ biến ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, hiện tượng này hầu như không xảy ra ở vùng nông thôn.

Trong khi đó, những người vợ gặp phải vấn đề về nhận thức hoặc tâm lý rất phổ biến ở các làng quê trên khắp đất nước tỷ dân. Jiang cho biết nhiều người đàn ông nông thôn có địa vị kinh tế, xã hội tương đối thấp, do vậy họ không có nhiều lựa chọn.

"Con người còn thua cả các loài vật"

Tình trạng dư thừa đàn ông độc thân có thể gây ra các vấn đề cho xã hội vì họ có nguy cơ gặp các vấn đề về thể chất và tâm lý cao hơn, cũng như mức độ hòa nhập xã hội thấp. Sự mất cân bằng giới tính còn khiến thị trường buôn bán phụ nữ mở rộng.

Sau nhiều lần phủ nhận, hôm 10/2, chính quyền địa phương cuối cùng đã thừa nhận về khả năng xảy ra tình trạng buôn người trong vụ việc của Yang. Bà Sang và chồng đã bị bắt vì cáo buộc buôn bán người, trong khi chồng của Yang bị bắt vì tội giam giữ người trái phép.

South China Morning Post dẫn lời Luo Zhenzhong - cựu công tố viên từng tham gia một cuộc trấn áp tội phạm buôn người ở Giang Tô vào cuối những năm 1980: “Vào năm 1988, ở những nơi như huyện Phong (thuộc thành phố Từ Châu), mỗi ngôi làng có ít nhất hàng chục người vợ được mua từ các tỉnh phía nam".

“Dân làng không có kiến thức về luật pháp, họ thường nghĩ việc mua vợ là chuyện rất bình thường”, Luo Zhenzhong nói.

Ông Luo Zhenzhong cho biết thêm những người vợ cố gắng trốn thoát thường sẽ bị tra tấn sau khi bị bắt lại. "Họ sẽ bị đánh đập thậm tệ, tôi thực sự không muốn nhớ lại và mô tả những ký ức đó".

Từ năm 1997, mua vợ là hành vi bị cấm ở Trung Quốc. Người phạm tội có thể bị phạt tới 3 năm tù. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng hình phạt này không đủ tính răn đe.

Luo Xiang, giáo sư luật hình sự tại Đại học Chính Pháp Trung Quốc, cho biết việc mua bán động vật hoang dã nguy cấp và quý hiếm có thể bị phạt tù lên đến 5 năm. Theo ông, người dân sẽ không còn tin vào pháp luật nếu con người bị hạ thấp hơn so với các loài động vật như khỉ, chim.

Diễn biến mới vụ người phụ nữ Trung Quốc bị xích cổ trong nhà kho

Giới chức trách thành phố Từ Châu, Trung Quốc đã xác định người phụ nữ tâm thần bị xích quanh cổ xuất hiện trong video lan truyền trên mạng là nạn nhân của tội phạm buôn người.

Phát hiện nguồn gốc của người phụ nữ Trung Quốc bị xích trong nhà kho

Người phụ nữ bị xích ở nhà kho tại miền Đông Trung Quốc - trong video lan truyền dịp Tết Nguyên đán - được xác định đến từ ngôi làng miền Nam nước này và mất tích năm 1996. 

Nguyễn Thanh Hải

Bạn có thể quan tâm