Trong những ngày gần đây, sự ca tụng dành cho Eileen Gu (Cốc Ái Lăng) trên mạng xã hội Trung Quốc đã phần nào hạ nhiệt bởi một số luồng ý kiến trái chiều. Một số người chỉ trích vì Gu đã không ý thức được đặc quyền mình đang được hưởng khi cô đưa ra những bình luận liên quan đến vấn đề tự do Internet ở Trung Quốc.
Sau khi đoạt được một huy chương vàng tại Olympic mùa đông Bắc Kinh, Gu - vận động viên trượt tuyết 18 tuổi có bố là người Mỹ, mẹ là người gốc Hoa - đã trở thành ngôi sao nổi tiếng gần như chỉ qua một đêm ở Trung Quốc.
Cô chinh phục công chúng ở quốc gia tỷ dân bằng kỹ thuật thể thao vượt trội cùng với sự thông minh và ngoại hình chuẩn người mẫu.
Eileen Gu đã trở thành tâm điểm trên mạng xã hội ở Trung Quốc sau khi giành được huy chương vàng tại Olympic Bắc Kinh 2022. Ảnh: New York Times. |
Tuy nhiên, mọi chuyện bắt đầu khi một người dùng mạng vào bình luận trong một bài đăng trên trang Instagram cá nhân của Gu trước khi cô giành huy chương vàng nội dung Big Air - nhào lộn trên không với ván trượt tuyết - tại Olympic Bắc Kinh 2022.
“Tại sao cô có thể sử dụng Instagram trong khi hàng triệu người Trung Quốc đại lục lại không thể”, bình luận viết, theo ảnh chụp màn hình của cuộc trò chuyện hiện đã bị xóa. Người này đặt câu hỏi tại sao Gu lại được "đối xử đặc biệt" so với các công dân Trung Quốc khác.
“Bất kỳ ai cũng có thể tải VPN”, Gu trả lời, theo ảnh chụp màn hình. “Nó hoàn toàn miễn phí trên App Store”.
Các mạng xã hội lớn của phương Tây như Twitter, Facebook và Instagram đều bị chặn ở Trung Quốc đại lục. Một số người dân Trung Quốc, kể cả một vài vận động viên Olympic như Gu, sử dụng VPN (mạng riêng ảo) để vượt tường lửa hay "Vạn Lý Trường Thành trên Internet".
Tuy nhiên, điều này ngày càng khó thực hiện, và sẽ bị phạt nếu bị phát hiện. Tại Olympic Bắc Kinh 2022, chính quyền Trung Quốc đã dỡ bỏ một số hạn chế trong quyền tiếp cận Internet cho các vận động viên.
Chỉ trong vài ngày, ảnh chụp màn hình của đoạn trao đổi trên đã lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội ở Trung Quốc. Ngoài các ý kiến bảo vệ Gu, một số người chỉ trích vì cô đã không lên tiếng cho quyền tự do Internet ở Trung Quốc.
"Sự thật là tôi không giống 'ai kia'", một người dùng mạng viết. "Sự thật là tôi sẽ phạm luật nếu dùng VPN".
Vụ việc của Gu đã thúc đẩy các cuộc thảo luận về vấn đề bất bình đẳng dai dẳng trong xã hội Trung Quốc. Thậm chí, có bài viết đã so sánh Gu với hình ảnh của người phụ nữ bị xích cổ trong nhà kho vừa được phát hiện ở tỉnh Giang Tô để làm nổi bật bức tranh tương phản của xã hội Trung Quốc.