Chiều 31/10, giải đua ghe ngo kết thúc đã khép lại lễ hội Ook Om Bok của đồng bào Khmer Nam Bộ kéo dài một tuần tại tỉnh Sóc Trăng.
Ông Ngô Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết hai ngày qua, trên 200.000 người khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh lân cân cận đã đến TP Sóc Trăng để xem, cổ vũ cho các đội đua ghe ngo ở đoạn sông Maspero.
Đương kim vô địch mùa giải 2019 là đội ghe ngo Pong Tứk Chắs (áo vàng) để thua đội Bưng Ton Sa tại vòng tứ kết. Ảnh: Việt Tường. |
Ngoài đua ghe ngo, lễ hội Ook Om Bok tại Sóc Trăng còn có nhiều hoạt động khác là: Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền; hội nghị kết nối cung cầu, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền; lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu Dù kê của đồng bào Khmer Nam Bộ; công bố 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của tỉnh Sóc Trăng là nghề làm bánh pía của người Hoa, nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc ngũ âm, múa Rom Vong của đồng bào Khmer…
Đối với giải ghe ngo, có 47 đội ghe (5 đội nữ) đến từ các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang và chủ nhà Sóc Trăng tranh tài ở cự ly 1.200 m nam và 1.000 m nữ. Ngoài tổng giải thưởng 856 triệu đồng cho các đội ghe đạt thứ hạng cao, ban tổ chức còn hỗ trợ 470 triệu đồng cho 47 đội dự giải (mỗi đội 10 triệu đồng).
Giải đua ghe ngo năm nay khiến khán giả “ngạt thở” tại vòng tứ kết của thể loại nam khi đương kim vô địch mùa giải 2019 là ghe ngo Pong Tứk Chắs (huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng) tranh tài với chiếc ghe vừa đóng mới của chùa Bưng Ton Sa (huyện Trần Đề, Sóc Trăng). Hai chiếc ghe ngo này chạy song song với nhau gần hết đường đua nhưng đến điểm đích đội Bưng Ton Sa đã vượt qua Pong Tứk Chắs.
Các chàng trai đội ghe ngo Tum Núp 2 của huyện Châu Thành (Sóc Trăng, áo xanh) đoạt chức vô địch giải đua ghe nam. Ảnh: Việt Tường. |
Dù thắng đương kim vô địch nhưng ghe ngo Bưng Ton Sa đã để thua đội Om Pu Year của huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Nửa giờ sau đó, ghe ngo Om Pu Year đã về sau đội ghe Tum Núp 2 (huyện Châu Thành, Sóc Trăng) trong gang tấc tại trận chung kết.
Kết quả, đội ghe Tum Núp 2 đoạt chức vô địch giải nam với phần thưởng 150 triệu đồng, hạng nhì là Om Pu Year (100 triệu), đội Wath Pich của thị xã Vĩnh Châu hạng ba (80 triệu) và đội Bưng Ton Sa hạng tư (60 triệu đồng).
Ở giải nữ, ghe chùa Cà Nhung của tỉnh Kiên Giang giành ngôi vô địch, nhận phần thưởng 100 triệu đồng. Đội Tum Núp của huyện Châu Thành và đội Ngã Năm nhận giải nhì, ba.