Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đường hành quân mùa này đẹp lắm'

Chiến tranh có đáng sợ thế nào cũng không thể cướp đi tinh thần lạc quan trong lòng những anh lính trẻ. Tiếng đàn, khúc ca giúp họ nuôi hy vọng về ngày mai.

Cuốn hồi ký Đoàn binh Tây Tiến tái hiện rõ nét những năm tháng vào sinh ra tử của nhà thơ Quang Dũng cùng trung đoàn Tây Tiến (tiền thân là Đoàn Võ trang Tuyên truyền Biên khu Lào - Việt).

Được sự đồng ý của NXB Kim Đồng, đơn vị giữ bản quyền, Zing trích đăng một phần nội dung cuốn sách.

Châu Mai, mùa xuân êm đềm biết bao nhiêu!

Người lính miền Tây nào, khi trèo qua dốc Bãi Sang, qua cầu Cò Nòi, dừng lại ở cái dốc thoai thoải từ Bản Đậu trông về Chiềng Sại mà không cảm thấy như thế.

Suối êm êm trôi trên cỏ, trên đá rêu xanh mượt. Tiếng chày giã gạo chậm chạp ở máng nước giữa đồng, làm cho cảnh lại càng thêm hiền từ.

Đường hành quân đẹp như bức tranh

Rừng đang đổi màu áo. Lá đỏ non, lá vàng tươi của khúc mộc, lá xanh màu mạ của những cây vừa đổi lộc… Thấp thoáng những nhà bản trắng sân màu hoa mai rụng. Gió đưa từng cơn, cánh trắng bay lả tả.

Doan binh Tay Tien anh 1

Đoàn binh Tây Tiến là cuốn hồi ký chứa nhiều tư liệu quý về trung đoàn 52 Tây Tiến. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Dừng lại đầu dốc, thở mạnh hương thơm của những loài hoa thầm nở từ rừng sâu phảng phất bay ra, người ta có thể quên một phút cây súng đang cầm ở tay mà tưởng mình đang sống ở một đời thanh bình…

Lặng lẽ một em nhỏ khăn trắng, má đỏ hồng, cẩm thổ sặc sỡ, váy xanh lam, đang ngồi trên lưng bò đi qua đường cái rẽ về bản. Tiếng mõ ở cổ đàn bò theo sau lốc cốc một nhạc điệu bình thản.

Trần Quang ngắm nhìn em bé và đàn bò, thở mạnh hương rừng. Tâm hồn nghệ sĩ của anh dễ dàng tưởng tượng khiến anh lan man nghĩ đến một ngày kia, súng mortier của giặc sẽ nổ vào tới những bản này, sẽ phá cái im lặng của rừng xanh, sẽ át cái tiếng đều đều của cối gạo bên suối…

Rồi bóng thằng Pháp lông lá ẵm gọn em bé kia vào trong lòng; và em bé ngây thơ ấy cũng giãy giụa kêu khóc như trăm nghìn những em bé dưới đồng bằng mà anh vừa từ giã để lên đây. Bóng dáng thằng giặc xâm lăng chỗ nào cũng hiện ra để phá hoại, để giết, hiếp và cướp…

Khúc hát hành quân vang dậy núi rừng. Trần Quang bừng rứt những ý nghĩ lan man, cất giọng hát theo. Giọng anh hùng hồn hơn bao giờ hết. Đoàn Hải lim dim đôi mắt trong cặp kính nghĩ gì? Chiều mùa xuân lặng lẽ xuống.

Đồng bào Phố Vãng đứng đón đầy hai bên đường. Nỗi man mác của núi rừng xa lạ không kịp làm cho nghĩ ngợi nữa. Từng nụ cười mẹ hiền thăm hỏi, từng đôi mắt âu yếm của chị em săn sóc… Những câu nói, những bàn tay rắn chai của anh em tự vệ phố… Tất cả đã đem lại cho người bộ đội thấy gia đình mình là nơi đây, thấy thấm thía tình đồng bào.

Một đại biểu phố đứng nói chuyện với anh em: “Chúng tôi chỉ có tấm lòng thành thực tin tưởng vào chính phủ, tin tưởng ở quân đội. Chúng tôi xin hứa tích cực giúp đỡ anh em về mọi phương diện. Chúng tôi không học chiến đấu bao giờ, nhưng anh em ở phố đây tình nguyện có thể giúp quân đội về mặt thông tin, đưa đường…

Chúng tôi xin thú thật: Thời Pháp thuộc chúng tôi là những người tứ chiếng giang hồ, lên đây chỉ có hai bàn tay trắng; chúng tôi chỉ làm nghề buôn thuốc phiện lậu, đường ngang ngõ tắt ở biên giới, chúng tôi thuộc hơn cửa ngõ ở nhà…”.

Ngày tháng vui tươi sống trong tình quân dân

Đội tự vệ ở phố, thành lập từ ngày tổng khởi nghĩa, cũng có đủ súng trường và dao, mác. Họ thấy bộ đội đã tới, lại càng cần tỏ ra đội mình cũng rất quân sự; sự canh gác ở các ngả đường Phố Vãng vì thế lại càng tăng phần nghiêm mật.

Đoàn Võ trang trú quân ở ngay làng Chiềng Sại, cách phố độ 300 thước. Tổ Ấn loát ở sát ngay với ban chỉ huy. Trần Quang hì hục vẽ lên bản đá một bức tranh tượng trưng sự đoàn kết các dân tộc miền núi và miền xuôi.

Doan binh Tay Tien anh 2

Chiến tranh dẫu gian khổ, người lính vẫn nuôi giữ tinh thần lạc quan. Ảnh: Một cảnh trong phim Những người viết huyền thoại.

Tìm mãi mới được một câu chú thích bằng tiếng Thái: "Mán Mèo Kinh Thái cần đơ cần đơ si à Việt Nam mớ" (Mán Mèo Kinh Thái ai ai cũng là Việt Nam tất cả). Anh ta dán thử một bức lên cột nhà. Bà chủ nhà đang giã gạo chạy lên xem; bà nói tiếng Kinh không được sõi lắm, nhưng bà cứ nắm lấy tay Trần Quang mà lắc lắc mãi, miệng nói cười vui vẻ và mắt nhìn vào bức tranh.

Anh ta sướng quá lịm người đi. Không ngờ tài vẽ của mình lại kết quả nhanh thế. Thế là bức tranh đầu tiên được in ra 5.000 tờ. Đội viên sẽ chia nhau đi dán khắp các nhà trong bản.

Hoàng Diệu, Thụy Lan triệu tập toàn trung đội để bàn về lửa trại chiều nay, theo lệnh của đoàn trưởng. Tiểu đội trưởng Giang Sơn, to lớn nhất trung đội, đầu lúc nào cũng đội một cái bê rê mà anh nói là mua từ Thượng Hải, ngày anh đóng cai khố đỏ ở tô giới Pháp.

Tiểu đội trưởng Giang Sơn giơ tay phát biểu: “Như ý của tôi thì 'nàm' kịch như những vở đã diễn ở Vệ Binh không có 'nợi 'vì, đồng bào thiểu số ở đây ít hiểu tiếng Kinh. Bi giờ tôi có ý kiến 'nà' đặt một vở kịch mới hợp với hoàn cảnh địa phương đây 'nà' ổn nhất”.

Mỗi lần phát biểu, Giang Sơn mặt lại đỏ rừ; anh phải nói như gắt mới tả hết ý nghĩ của mình.

Tiểu đội trưởng Khoát đưa một vở kịch mà anh mới nghĩ ban sáng. Tất cả đều tán thành. Giang Sơn đồng ý trước tiên. Hoàng Diệu, Thụy Lan cũng đồng ý.

Tiểu đội phó Thập, mắt lác, miệng cười lúc nào cũng tinh nghịch thêm vào: “Tôi đề nghị thêm một vở kịch Bình dân học vụ nữa. Ta cứ thử đóng xem đồng bào có hiểu không rồi rút kinh nghiệm sau”.

Phúc tóc quăn trình bày về tổ hát của mình… Chương trình thế là đã bàn xong. Hoàng Diệu lên gặp đoàn trưởng. Tìm ở Ban chỉ huy không gặp, anh đi quặt ra phía vườn mận đang có nhiều tiếng trẻ hát, anh đã thấy Đoàn Hải đứng ở giữa bọn trẻ em Phố Vãng mới vào và hơn hai chục em thiếu nhi Thái.

Anh đang dạy các em múa một điệu Lào. Vốn là Đoàn Hải cũng băn khoăn cho buổi lửa trại chiều nay lắm. Trong khi Trần Quang và Văn Sinh đi gặp các ông nhà lang để nhờ các ông thông báo đi các bản lân cận cho dân biết tới lửa trại mà đến, thì Đoàn Hải ngồi nhà sáng tác ra được một bài hát dựa theo điệu “Tồm păng ca lô ti”, bài hát mà anh nhớ lại của những ngày đi Hướng đạo sinh.

Hồi ký 'Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh' của Quang Dũng Cuốn “Đoàn binh Tây Tiến” được nhà thơ Quang Dũng hoàn thành từ năm 1952. Đến năm 2019, bản thảo viết tay của tác giả mới được in và phát hành.

Đêm vui văn nghệ trong ký ức của người lính Tây Tiến

Trong gian khổ, người lính vẫn cố gắng giữ nụ cười trên môi. Giữa những giây phút bình yên, họ đàn hát cho nhau nghe để quên đi bao khó khăn, vất vả của đời trận mạc.

Trích "Đoàn binh Tây Tiến"

Bạn có thể quan tâm