Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quang Dũng và một Tây Tiến không ở trong thơ

Những năm tháng nếm mật nằm gai cùng đoàn binh Tây Tiến để lại cho thi sĩ xứ Đoài nhiều ký ức không thể nào quên.


Nhắc đến Tây Tiến, người ta nhớ ngay đến thi phẩm nổi tiếng của nhà thơ Quang Dũng. Đèo dốc khúc khuỷu, những bản làng bồng bềnh trong sương sớm hay điệu xòe mềm mại của các cô gái Thái làm say lòng chàng trai Hà thành… những cung bậc cảm xúc đa dạng ấy đã được tái hiện một cách tinh tế, sống động, nhưng không làm mất đi cái hùng tráng của nhà binh. Đó chính là nét tài tình lớn trong thơ Quang Dũng.

Ít ai biết rằng, ngoài những vần thơ ấy, tác giả của tập Mây đầu ô còn có một cuốn hồi kí cùng tên viết về Đoàn binh Tây Tiến (tiền thân là Đoàn Võ trang Tuyên truyền Biên khu Lào-Việt). Những trang viết sinh động, tỉ mỉ và chứa chan tình cảm ấy, dường như không chỉ là kỷ niệm. Nhà thơ Quang Dũng đã nâng niu chúng như cái cách người ta gìn giữ một mảnh hồn mình.

Tác phẩm đưa chúng ta về với Hà Nội của những năm 1946, khi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa mới đưa ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”. Sự bình yên không còn nữa, tiếng súng đã bắt đầu nổ, đại bác xé vang bầu trời. Người Hà Nội nghĩ rằng họ sẽ không phải xa mảnh đất thanh lịch ấy quá lâu. Biết đâu, dăm hôm hay nửa tháng người ta lại có thể quay về.

Quang Dung va mot Tay Tien khong o trong tho anh 1
Cuốn hồi kí Đoàn binh Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng.  Ảnh: NXB Kim Đồng. 

Trong thời buổi bom rơi đạn lạc ấy, sự bi quan đồng nghĩa với cái chết. Ai cũng cố nuôi cho mình chút hy vọng. Những người lính trong binh đoàn Tây Tiến khi ấy ý thức rất rõ điều đó. Một vài người trong số họ đang chiến đấu ở Trung đoàn Thủ đô, được điều sang đoàn Võ trang Tuyên truyền Biên khu Lào-Việt để thực hiện nhiệm vụ mới.

Có chàng trai đang ngồi trên ghế nhà trường đành phải “xếp bút nghiên theo nghiệp binh đao”. Trong lồng ngực của những chàng trai hai mươi ấy là trái tim sục sôi nhiệt huyết. Mọi người đều cố gắng thu xếp việc nhà, để tạm yên lòng lo việc nước.

Đi hết đồng bằng, với ruộng lúa, bãi ngô quen thuộc, núi rừng Tây Bắc như một xứ sở kì bí, khiến cho những chàng lính trẻ không khỏi tò mò, háo hức. Những bản Đậu, làng Chiềng Hạ trước kia còn xa lạ, nay đã in dấu chân của họ. Đi đến đâu, những anh bộ đội Cụ Hồ cũng được dân bản yêu quý.

Những vị cao niên trong bản kể cho bộ đội nghe chuyện ngày trước cả làng đánh Tây ra sao, sống dưới ách đô hộ của thực dân khổ sở thế nào. Bởi vậy, dân bản mới một lòng theo Cụ Hồ, theo bộ đội. Khi hổ vào làng bắt mất lợn, mất trâu, những anh chiến sĩ trẻ hăng hái cùng đám trai bản đi bắt hổ. Tình quân dân cá nước được xây dựng từ những điều nhỏ nhặt như thế.

Trong đoàn binh Tây Tiến không chỉ có những mẩu chuyện trên đường hành quân, chuyện lính tráng hay trận mạc. Nhà thơ Quang Dũng đã cho người đọc một hình ảnh khác của người lính. Bên trong bộ quân phục xanh nghiêm nghị của nhà binh là những trái tim nghệ sĩ đầy hào hoa, lãng tử.

Đôi lúc, bạn đọc sẽ có cảm giác như mình đang dõi theo câu chuyện của một đoàn nghệ thuật tạp kĩ nào đó. Trong những chàng lính trẻ ấy, có người rất thích hát chèo, có người mê diễn kịch, múa đao dẻo ngang ngửa Trương Phi. Trên đường hành quân, có anh văn sinh yêu âm nhạc, tranh thủ lúc nghỉ ngơi lại lôi kèn harmonica ra thổi.

Quang Dung va mot Tay Tien khong o trong tho anh 2
Những người lính Tây Tiến ngày ấy. 

Những âm điệu réo rắt, vui tươi của tiếng khèn, hòa cùng tiếng suối chảy róc rách khiến cho những mệt mỏi trên đường hành quân vơi bớt. Ngày đón đơn vị Lào, những chiến sĩ trong đoàn binh Tây Tiến vui như mở hội. Mấy anh chàng năng nổ, hoạt bát như Hoàng Diệu, Đoàn Hải liền lên kế hoạch tổ chức một đêm văn nghệ thật sôi động, tươi vui để chào đón đơn vị nước bạn.

Bên cạnh bài thơ nổi tiếng được sáng tác vào năm 1948, cuốn hồi kí Đoàn binh Tây Tiến đã cho người đọc thấy một bức tranh trọn vẹn và sống động hơn về một đơn vị anh hùng. Nhà thơ Quang Dũng là một người mạnh về miêu tả, những cảnh sắc trên đường hành quân được ông khắc họa một cách sống động, chân thực và cuốn hút.

Những năm tháng sống và chiến đấu cùng Đoàn binh Tây Tiến đã cho nhà thơ Quang Dũng quá nhiều hồi ức và kỷ niệm đáng nhớ. Có lẽ, một bài thơ không giãi bày được hết nỗi lòng của ông. Không chỉ là một “phiên bản văn xuôi” của bài thơ nổi tiếng Tây Tiến, cuốn hồi kí này còn cung cấp cho bạn đọc nhiều tư liệu quý về hoạt động của một đơn vị vũ trang anh hùng trong kháng chiến chống thực dân xâm lược.

Cuốn hồi kí này được nhà thơ Quang Dũng hoàn thành từ năm 1952, bốn năm sau khi thi phẩm nổi tiếng Tây Tiến ra đời. Dù là trong văn xuôi hay trong thơ ca, chúng ta vẫn nhận ra người con của xứ Đoài hào hoa, tinh tế. Chặng đường hành quân thuở nào bỗng hiện lên thật sống động, chân thực. Ở đó, bao chàng trai không ngần ngại hiến dâng tuổi trẻ của mình, đúng như câu thơ nổi tiếng “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh (trích Tây Tiến).



Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm