Cuốn hồi ký Đoàn binh Tây Tiến, tái hiện rõ nét những năm tháng vào sinh ra tử của nhà thơ Quang Dũng cùng trung đoàn Tây Tiến (tiền thân là Đoàn Võ trang Tuyên truyền Biên khu Lào - Việt).
Được sự đồng ý của NXB Kim Đồng, đơn vị giữ bản quyền, Zing trích đăng một phần nội dung cuốn sách.
Một phút sau, họ đã tập hợp tề tựu ở trước sân trung đội bộ. Ông Liên đằng hắng vài cái: “Các anh em! Tôi báo để các anh em rõ là chiều nay, khu trưởng sẽ tới thăm đội nhạc chúng ta. Cùng đi với ông sẽ có ban chỉ huy Đoàn Võ trang mà chúng ta sắp sáp nhập.
Quần áo, chiều nay sẽ tề chỉnh. Các anh em sẽ lấy bộ quần áo may ở Bắc Bộ phủ, đeo găng tay, đi ghệt trắng. Những điệu kèn nào thổi lúc ông khu trưởng đến, các anh em đã rõ, bất tất tôi phải nhắc. Chắc chắn là khu trưởng đến sẽ huấn thị anh em chúng ta. Anh em sẽ cử một người thay mặt để đáp lại lời của ông. Ý tôi, tôi muốn chỉ định bác Điển nhiều tuổi nhất trong anh em chúng ta”.
“Đồng ý! Đồng ý...”, toàn trung đội hét to.
Hồi ký Đoàn binh Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng. Ảnh:NXB Kim Đồng. |
Chuyện của những anh lính trẻ
Ông Liên nói đến đó, đứng nghiêm chào giải tán. Anh em trở về, rì rào câu chuyện đón khu trưởng và ban chỉ huy Đoàn Võ trang.
Đoàn Hải cưỡi một con ngựa trắng. Văn Sinh cao lênh khênh, ngồi ngật ngưỡng trên yên một chú ngựa nhỏ xíu, giống ngựa thồ. Con lừa của Trần Quang chốc chốc lại cúi xuống ngoạm một nắm cỏ. Khu trưởng dừng cương đợi bọn họ. Ông đi với một tùy tùng đeo khẩu tôm sông.
- Anh em đội Nhạc này, các anh đã biết họ từ Hà Nội chứ? Lời Khu trưởng hỏi bọn Hải.
- Những ngày đón tiếp tân khách ở dinh Chủ tịch Chính phủ, chúng tôi cũng đã gặp họ luôn.
- Họ được “cưng” lắm đấy nhá. Các anh lãnh đạo phải chú ý đến tuổi tác của họ mới được. Cũng không cần phải gò vào kỷ luật chặt chẽ ngay lúc đầu. Anh em còn nhiều điểm mà chúng ta phải mềm dẻo giác ngộ dần dần. Như thế này, họ cũng đã tiến bộ lắm.
- Vâng, thưa anh, phần nhiều là những người đã 40 hoặc hơn cả rồi. Chỉ có độ mươi người ít tuổi.
- Phải rồi, họ có người đã ở trong quân đội Pháp tới hai mươi năm. Cả đội kèn nhà binh của Bắc kỳ ngày trước đó. Kể về tài nghệ thì cũng công phu lắm, phải không?
Có tiếng kèn thổi trầm bổng vẳng đến. Những nốt cao thấp không đều nhau của mấy thứ kèn đang thử…
- Sắp tới rồi. Khu trưởng giật cương đi nước kiệu.
Cả đoàn người ngựa vừa rẽ lên cái dốc đi vào bản thì hồi kèn chào nổi lên.
Khu trưởng xuống ngựa. Ông Liên ra đón vào trước hàng quân đã sắp hàng ở trước sân. Nếu không có núi và rừng vây quanh, nếu không có những đồng bào vây lấy sân, nếu không có những nhà sàn lưa thưa của bản, người ta có thể tưởng đây là ở trước cửa Nhà hát lớn Hà Nội một ngày duyệt binh tưng bừng.
Đêm văn nghệ mùa xuân
Ánh sáng của mặt trời mùa xuân cũng đủ làm sáng chói những đai trống sặc sỡ, đồng bóng nhoáng. Ánh kèn rực rỡ, găng trắng đều một loạt, những bộ quần áo đồng loạt màu dạ tím, mũ ca lô lấp lánh huy hiệu sao vàng của quân đội… Một bài kèn nữa nổi lên chào mừng tân khách.
Khu trưởng ra trước hàng quân hỏi thăm sức khỏe của đội. Ông già Điển lên đáp lời cảm ơn sự săn sóc của Bộ chỉ huy và hứa đem hết khả năng để phục vụ công tác.
Những kỷ niệm với trung đoàn 52 Tây Tiến luôn sống mãi trong lòng nhà thơ Quang Dũng. Ảnh: Gia đình cung cấp. |
Khu trưởng giới thiệu Đoàn Hải, Đoàn trưởng Đoàn Võ trang. Lời Khu trưởng: “Từ nay, đội nhạc binh sẽ trực tiếp thuộc quyền điều khiển của Ban chỉ huy Đoàn Võ trang tuyên truyền. Nó sẽ làm nhiệm vụ đi tới những bản, những chòm, những mường của khu vực quân ta hoạt động để tuyên truyền chính sách đoàn kết của Chính phủ, tuyên truyền ý chí kháng chiến của dân tộc, tuyên truyền cái tinh thần của quân đội Việt Nam.
Các anh em sẽ phải vất vả - tôi nói trước. Khu chúng ta mới thành lập. Miền chúng ta chiến đấu là miền núi từ đây cho tới biên giới. Dân chúng đối với chúng ta còn xa lạ. Làm cho các dân tộc miền núi hẻo lánh cũng đồng với chúng ta một ý nguyện đánh giặc, giúp đỡ cho quân đội ta, hiểu được giá trị của chính sách đại đoàn kết của Hồ Chủ tịch đã nêu ra, đó là nhiệm vụ rất vinh dự cho Đoàn Võ trang cũng như là cho mỗi anh em chúng ta đây”.
Tiếng vỗ tay ran lên. Ông Sử nhấc cái kèn trước tiên, cả đội tung kèn lên và bài: “Việt Nam Đoàn kết” nổi vang lên, hùng hồn đáp lại lời của Khu trưởng. Trần Quang thấy tê tê người. Khu trưởng cũng rung rung mi mắt cảm động. Mấy con ngựa buộc ở gốc mít đập chân và hí lên những hồi dài… Gió bay tung lá cờ đỏ sao vàng và lá cờ có tua kim tuyến của đội Nhạc.
Buổi tối hôm đó, khu trưởng và Đoàn Hải, Trần Quang, Văn Sinh ở lại dự bữa “tiệc liên hoan” với trung đội Nhạc. Ông Ký mở bi đông rượu, mời khu trưởng một chén lớn và nói: “Tuy rằng có lệnh cấm rượu và nhất là quân đội, buổi này là đặc biệt, anh em được gặp khu trưởng. Vả lại tôi cũng tuổi tác, xin khu trưởng cho phép được mời ngài một chén. Đặc biệt chỉ có hôm nay thôi đấy ạ. Xin phép khu trưởng”.
Ở chiếu bên cạnh nhao nhao: “Thưa khu trưởng, cụ Ký nói thế đấy. Ngày mai cụ lại vẫn uống và như thế đã gần 30 năm nay rồi…”.
Tất cả cười vang. Khu trưởng cầm lấy chén rượu và cười lớn: “Ông cụ Ký uống rượu, bộ chỉ huy cũng đã biết”. Mọi người lại cười ầm…
Mãi tới 9h khuya, khi trăng đã lên cao, đoàn người ngựa mới về qua suối. Sương trắng bọc đỉnh núi. Dòng suối lấp lánh nước bắn tóe dưới chân ngựa. Con lừa của Trần Quang mỗi khi qua suối, lại cúi xuống uống một thôi nước.
Có tiếng Đoàn Hải: “Thưa anh có tin gì ở Chiềng Cồng chưa? 212 đã đánh chưa?”.
Tiếng khu trưởng trả lời: “Các cậu ấy hành quân đã đến nơi đâu, nhiều cầu còn đang phải bắc. Có tin một đơn vị Lào cũng sắp tới. Các anh chuẩn bị đón tiếp họ nhé. Đoàn Võ trang sẽ có thêm đơn vị Lào đó nữa. Các anh tương lai sẽ vào tới Sầm Nưa. Ấn loát làm việc có khá không? Trần Quang có vẽ thêm được bức tranh nào chưa?”
Trần Quang không nghe tiếng. Anh ta ở tít đằng sau đang giằng co với con lừa nhất định đứng lại ở bờ suối, không chịu đi.