Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đường đua 'tam mã' của Mỹ, Nga và Trung Quốc ngoài vũ trụ

Mỹ, Nga và Trung Quốc đều có những kế hoạch đầy tham vọng trong lĩnh vực không gian khiến 3 cường quốc bị cuốn vào cuộc chạy đua nhằm thống trị vũ trụ.

Không gian, khoảng không vũ trụ bên ngoài Trái Đất, đem lại nhiều lợi thế trong việc chống lại đối thủ tiềm năng, nhưng nó bị chi phối bởi những quy tắc quốc tế. Mỹ, Nga và Trung Quốc đang bị cuốn vào cuộc chạy đua để nắm lợi thế trước đối thủ, Nikkei Asia Review cho biết.

Lần đầu tiên sau 7 năm, các quan chức Nga và Mỹ đã gặp nhau ở Vienna, Áo hôm 27/7 để thảo luận các vấn đề liên quan đến an ninh vũ trụ.

Vấn đề gây tranh cãi là việc quân sự hóa không gian và bảo vệ các vệ tinh cũng như tài sản khác trên quỹ đạo. Nga phản đối việc Mỹ xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa trên không gian. Mỹ bỏ qua điều này và muốn hai bên đưa ra một số quy tắc ứng xử trên quỹ đạo.

Cuộc hội đàm kết thúc mà không tìm được tiếng nói chung. Tuy vậy, hai bên đã thống nhất thiết lập đường dây nóng giữa các quan chức quân sự, cũng như xúc tiến cuộc hội đàm khác với sự tham gia của Trung Quốc.

Chay dua vu trang trong khong gian anh 1

Mỹ là quốc gia đầu tiên thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh. Ảnh: USAF.

“Không gian đã trở thành một phần của cuộc xung đột quân sự kể từ cuối những năm 1990. Nhưng khác biệt nằm ở tương lai, khi cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc có thể liên quan đến việc tấn công trực tiếp vào vệ tinh”, Brian Weeden, một chuyên gia từng tham gia hoạch định chính sách cho hoạt động không gian của quân đội Mỹ, nói.

Vệ tinh phục vụ với vai trò phòng thủ như trinh sát các cơ sở, mục tiêu quân sự, phát hiện các vụ phóng tên lửa, liên lạc giữa các đơn vị và dẫn đường cho vũ khí tấn công tầm xa. Việc phá hủy hoặc gây nhiễu mạng lưới vệ tinh có thể cho phép một quốc gia chiếm thế thượng phong trước đối phương.

Cáo buộc lẫn nhau

Bộ tư lệnh Vũ trụ Mỹ cáo buộc Nga thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh vào ngày 15/7. Vệ tinh Cosmos 2543 của Nga đã phóng một vật thể vào quỹ đạo nhắm vào một vệ tinh khác.

Bộ Ngoại giao Nga nói rằng vệ tinh này đang kiểm tra một phương tiện không gian và không vi phạm luật pháp quốc tế. Tuy vậy, Mỹ trích dẫn một trường hợp tương tự vào năm 2017, khi đó, một vật thể cũng được phóng ra từ vệ tinh của Nga.

Washington nghi ngờ Moscow đang thử nghiệm vệ tinh sát thủ ngoài không gian, có thể phá hủy tài sản của đối phương trên quỹ đạo.

Chay dua vu trang trong khong gian anh 2

Một tàu vũ trụ không người lái của Nga chuẩn bị tiếp tế hàng hóa cho Trạm Vũ trụ Quốc tế. Ảnh: NASA.

Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) năm 2019 dự báo Trung Quốc sẽ triển khai vũ khí laser trong năm 2020. Loại vũ khí này có thể làm mù cảm biến trên vệ tinh ở quỹ đạo thấp.

Mỹ cũng tố Trung Quốc lắp đặt thiết bị gây nhiễu điện tử trên các thực thể mà Bắc Kinh bồi lấp trái phép ở Biển Đông. Những thiết bị này có thể nhằm mục đích vô hiệu hóa hoạt động của máy bay không người lái Mỹ, bằng cách gây nhiễu tín hiệu GPS.

Trung Quốc đã đặt mục tiêu trở thành cường quốc vũ trụ vào năm 2030, chỉ đứng sau Mỹ và Nga. Tháng trước, Trung Quốc đã phóng vệ tinh cuối cùng trong hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu, nhằm cạnh tranh với hệ thống GPS của Mỹ.

Năm ngoái, Trung Quốc đã phóng thành công 32 tên lửa đẩy mang vệ tinh lên quỹ đạo, đưa Trung Quốc năm thứ 2 liên tiếp trở thành quốc gia phóng nhiều tên lửa đẩy nhất thế giới. Năm 2019, Mỹ chỉ thực hiện 21 lần phóng tên lửa đẩy lên không gian.

Hiệp ước vũ trụ còn nhiều hạn chế

Hiệp ước vũ trụ đa phương bắt đầu có hiệu lực vào năm 1967, cấm các vệ tinh được trang bị vũ khí. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng hiệp ước này bị hạn chế trong việc thúc đẩy kiểm soát vũ khí ngoài không gian.

Chay dua vu trang trong khong gian anh 3

2 phi hành gia của Mỹ trong buồng mô phỏng kết nối tàu vũ trụ Dragon với Trạm vũ trụ quốc tế. Ảnh: NASA.

Năm 2007, Trung Quốc đã bắn hạ một vệ tinh bằng tên lửa phóng lên từ Trái Đất. Các mảnh vỡ từ vệ tinh có nguy cơ gây hỏng hóc cho các vệ tinh của quốc gia khác. Hiện tại, thế giới chưa có cơ chế để giải quyết tranh chấp liên quan đến nghĩa vụ của các bên tham gia hiệp ước.

Các nước khác chỉ có thể bày tỏ lo ngại đối với Trung Quốc về hậu quả của việc phá hủy vệ tinh. Ấn Độ cũng đã bắn hạ một vệ tinh trong thử nghiệm vào năm ngoái. New Delhi trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới, sau Mỹ, Nga và Trung Quốc có khả năng bắn hạ vệ tinh.

Ấn Độ cho biết họ không có ý định thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh, nhưng vụ bắn hạ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc và Pakistan leo thang.

Mỹ cũng đang đẩy nhanh việc khai thác không gian vũ trụ cho mục đích quân sự. Lầu Năm Góc đã lên kế hoạch xây dựng mạng lưới vệ tinh được trang bị cảm biến tinh vi, có thể phát hiện vụ phóng tên lửa trên khắp hành tinh, cũng như phát triển hệ thống đánh chặn tên lửa từ không gian.

Các chuyên gia cho rằng rất khó để xây dựng một bộ quy tắc mang tính quốc tế, khi Washington đẩy mạnh việc khai thác không gian cho mục đích quân sự. Trung Quốc nối gót Mỹ và Nga trong cuộc đua chiếm ưu thế trên không gian.

Chuyến bay lịch sử của tàu SpaceX bị hoãn 17 phút trước giờ đếm ngược

Vụ phóng tàu vũ trụ của SpaceX đưa 2 phi hành gia NASA lên quỹ đạo, sự kiện được xem là lịch sử, đã bị hoãn lại khi còn chưa đầy 17 phút vì mây dông và nguy cơ sét đánh ở Florida.

NASA vung tiền cho Boeing để lên vũ trụ nhưng có thể phải 'đi nhờ' Nga

Cơ quan Hàng Không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã trả thêm cho Boeing gần 300 triệu USD so với dự kiến ban đầu để nhà thầu tiếp tục chương trình phi hành đoàn thương mại bất chấp giá cao.

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm