Anh, Pháp và Đức nằm trong danh sách ít nhất 9 nước trong năm 2020 ra tuyên bố bác bỏ lập trường của Trung Quốc trên Biển Đông.
Dù không có tranh chấp trên biển với Trung Quốc, nhiều nước đang gia tăng sức ép về yêu sách "đường 9 đoạn" trên Biển Đông bất chấp các mối quan hệ kinh tế với cường quốc này, theo Nikkei Asia.
Tàu chiến Mỹ và Australia cùng diễn tập trên Biển Đông vào tháng 4 với chủ trương bảo vệ tự do hàng hải ở khu vực. Ảnh: Reuters. |
Hồi tháng 9, cả 3 cường quốc châu Âu đã gửi công hàm chung bác bỏ cái gọi là "quyền lịch sử" của Trung Quốc trên vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn" mà nước này tự vẽ ra cho Biển Đông. Chính phủ Anh, Pháp và Đức nhận định những tuyên bố của Trung Quốc "không phù hợp với luật pháp quốc tế và các nội dung" trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Công hàm nhấn mạnh "không có bất kỳ cơ sở pháp lý" nào để các nước lục địa nhìn nhận quần đảo và cấu trúc ở biển như một thực thể thống nhất mà không tôn trọng các điều khoản liên quan trong phần II của UNCLOS, hay nhìn nhận bằng cách áp dụng các điều khoản trong phần IV - vốn chỉ có thể áp dụng cho các quốc gia quần đảo.
"Mọi tuyên bố biển ở Biển Đông cần được đưa ra và giải quyết một cách hòa bình theo đúng những nguyên tắc và luật lệ của UNCLOS", nhóm 3 quốc gia châu Âu kêu gọi.
Các nước châu Âu trước đây vẫn hạn chế thể hiện lập trường cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, một phần vì mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc và khoảng cách xa về mặt địa lý đối với điểm nóng địa chính trị.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, họ bắt đầu gia tăng sức ép không chỉ với vấn đề Biển Đông, mà còn nhiều vấn đề khác như mức độ minh bạch của Bắc Kinh trong ứng phó đại dịch Covid-19 hay luật an ninh quốc gia cho Hong Kong.
Trong hội nghị thượng đỉnh vào tháng 9, Liên minh châu Âu (EU) công khai kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Indonesia cũng gửi một công hàm tương tự về vấn đề Biển Đông đến Liên Hợp Quốc vào tháng 5. Australia và Mỹ, đều không có tranh chấp trên biển với Trung Quốc, cũng gửi công hàm phản đối lập trường của Bắc Kinh tại vùng biển.
Vào tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công khai nhận định những tuyên bố của Bắc Kinh ở Biển Đông là "hoàn toàn trái pháp luật". Tổng thống đắc cử Joe Biden thời gian qua cũng khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ cùng đồng minh và đối tác trên phương diện an ninh để đối phó thách thức từ Trung Quốc.
Theo Awani Irewati, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học Indonesia, việc các nước ngày một quan ngại về Trung Quốc có thể ngăn cản dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường của nước này, vốn đặt tham vọng xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng xuyên Á - Âu với Bắc Kinh giữ vị trí trung tâm.
Irewati đánh giá việc nhiều nước không có tranh chấp biển với Trung Quốc lên tiếng mạnh mẽ sẽ kiềm tỏa Trung Quốc hiệu quả hơn cả sức ép quân sự từ Mỹ.