Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dưới thời Mohammed Bin Salman, mỗi bộ trưởng sẽ phải đạt KPI

Mohammed yêu thích ý tưởng tạo ra các chỉ số đánh giá hiệu suất trọng yếu, mà chẳng bao lâu sau đã được nhiều bộ và các công ty liên kết với chính phủ biết đến với tên gọi là KPI.

Việc bán đi một phần Aramco là một bước ngoặt lớn so với đường lối trước nay của Ả-rập Xê-út, và chỉ là bước đầu tiên trong chiến lược của Mohammed nhằm tách nền kinh tế vương quốc khỏi dầu mỏ và đa dạng hóa nó, tạo việc làm mới cũng như tự do xã hội cho thế hệ trẻ đang phát triển nhanh chóng.

Chìa khóa để thuyết phục vua cha và nhóm lãnh đạo già nua của gia tộc Al Saud về kế hoạch này là phải chứng minh được rằng nếu không tái thiết thì một cuộc khủng hoảng kinh tế không thể tránh khỏi sẽ xảy ra và đe dọa vị thế kiểm soát đất nước của hoàng tộc.

Điều đó đòi hỏi Mohammed phải biến tầm nhìn thành một kế hoạch cụ thể đi kèm những con số để chứng minh nó sẽ hoạt động như thế nào, cùng với sự đầu tư của cộng đồng quốc tế sẽ giúp nâng cao vị thế toàn cầu của vương quốc. Và ông biết mình phải tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu.

Trong hơn hai năm kể từ khi Vua Abdullah cho phép Mohammed nghiên cứu cải cách kinh tế, MBS [Mohammed Bin Salman] đã tìm thấy một đối tác luôn trong tư thế sẵn sàng, công ty McKinsey & Company. Công ty tư vấn xuất sắc hàng đầu thế giới này bắt đầu hoạt động tại Ả-rập Xê-út từ năm 1974 với nhiệm vụ khiêm tốn là lập kế hoạch đặt trụ sở chính cho một công ty dầu mỏ mới thành lập.

Các chuyên gia tư vấn Mỹ đã may mắn được làm việc với một kỹ sư trẻ người Ả-rập Xê-út, Ali al-Naimi, người sau này trở thành Bộ trưởng Dầu mỏ vào năm 1995 - vị trí quyền lực nhất vương quốc ngoài hoàng tộc.

Từ Aramco, McKinsey mở rộng hoạt động sang bộ máy chính quyền Ả-rập Xê-út. Trong những năm gần đây, họ đã củng cố mối quan hệ với vương quốc bằng cách thuê những người Ả-rập trẻ tuổi. Một số trong đó là họ hàng của các quan chức chính phủ, bao gồm hai con trai của Khalid al-Falih, chủ tịch Aramco kiêm Bộ trưởng Năng lượng và Công nghiệp.

Mohammed Bin Salman anh 1

Thái tử Arab Saudi Mohammed Bin Salman. Nguồn: salon.

Tháng 12 năm 2015, Viện Toàn cầu McKinsey, chi nhánh nghiên cứu của công ty tư vấn, đã xuất bản bài báo có tựa đề “Saudi Arabia Beyond Oil” (Ả-rập Xê-út vượt lên giếng dầu), trong đó trình bày kế hoạch tái tạo nền kinh tế của vương quốc. Báo cáo của McKinsey phân tích: từ năm 2015 đến năm 2030, Ả-rập Xê-út có thể tăng gấp đôi GDP và “tạo ra sáu triệu việc làm”.

McKinsey cho biết công trình này là nghiên cứu độc lập dùng tiền tài trợ của chính họ, không phải của Ả-rập Xê-út. Tuy nhiên, tác giả chính của bản báo cáo, Gassan al- Kibsi, lại chính là chuyên gia của McKinsey chuyên cố vấn cho chính phủ Ả-rập.

Bản báo cáo chẳng khác gì một nỗ lực tiếp thị khổng lồ của McKinsey thay mặt cho khách hàng quan trọng nhất của mình. Con dấu xác thực do đội ngũ chuyên gia tư vấn từng làm việc cho các tập đoàn và chính phủ lớn nhất thế giới trao tặng đã mang lại uy tín quốc tế mới cho Mohammed.

Vào thời điểm công bố IPO, tháng 1 năm 2016, Mohammed đã có đủ sự ủng hộ từ Tòa án Hoàng gia và đủ quyền lực từ vua cha đến nỗi ngay cả sự hoài nghi của Falih, Bộ trưởng Dầu mỏ kiêm chủ tịch Aramco, cũng không thể ngăn cản kế hoạch này.

Mohammed bin Salman dần có hứng thú đặc biệt với các chuyên gia tư vấn khi ông thành lập công ty riêng và quỹ MiSK trước thời điểm cha ông lên ngôi. Ông rất yêu thích ý tưởng tạo ra các chỉ số đánh giá hiệu suất trọng yếu, mà chẳng bao lâu sau đã được nhiều Bộ và các công ty liên kết với chính phủ biết đến với tên gọi là “KPI”.

Mohammed không tán thành các chiến lược không được chứng thực bằng con số. Ông có một trí nhớ ấn tượng đối với các con số và thường nhắc lại cho cấp dưới những dự báo mà họ đã trình ông xem từ trước đó hàng tháng để chứng minh bản thân hiểu biết sâu sắc về các vấn đề cơ bản. McKinsey và một loạt các chuyên gia tư vấn khác sẵn sàng đáp ứng bất kỳ yêu cầu quan trọng nào mà Mohammed đưa ra đối với kế hoạch chuyển đổi nền kinh tế của mình.

[…]

Trong nỗ lực cải cách chính phủ, Mohammed đã bắt đầu sử dụng KPI. Các bộ trưởng như Falih và những người phụ trách chuyển đổi nền kinh tế, thậm chí cả lĩnh vực giải trí, đều phải đáp ứng KPI trước các cuộc đánh giá định kỳ. Nếu không đạt, họ có nguy cơ bị sa thải.

Để tạo thêm động lực cho các bộ trưởng tập trung sức lực vào việc quản trị, thay vì như thói quen cũ là vơ vét tiền của từ các công ty đã ký hợp đồng với chính phủ, Mohammed đã thay đổi cơ cấu trả lương cho các bộ trưởng. Trước đây, ngoài khoản tiền lương 10.000 đô-la mỗi tháng, họ còn được hưởng các khoản trợ cấp hay tiền thưởng và các khoản lót tay mà nhà vua thường nhắm mắt làm ngơ.

Dưới thời Mohammed, mỗi bộ trưởng sẽ nhận được vài triệu đô-la một năm. Nhưng họ sẽ phải đạt KPI, và chính phủ sẽ không bỏ qua các mưu đồ nhận hối lộ. Các bộ có văn hóa lười biếng và cách làm việc cứng nhắc cũng bị ông đặt vào tầm ngắm, chẳng hạn như Bộ Tài chính, nơi mà dường như mọi người đều đang làm việc cho cóđợi vài năm nữa là sẽ nghỉ hưu.

Mohammed al-Jadaan, một luật sư doanh nghiệp kỳ cựu đã sát cánh với MBS trong nhiều công việc liên quan tới quyền lực, được ông trao quyền để chuyển đổi Bộ Tài chính từ bên trong và thay thế người của Bộ bằng những nhân viên trẻ hơn có kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng. Đã qua rồi thời của những giờ làm việc nhàn hạ, công việc ổn định và lương hưu được đảm bảo.

Sự thay đổi cách thức hoạt động của chính phủ thể hiện rõ ràng nhất trong cuộc họp hàng tuần của Hội đồng các Vấn đề Kinh tế và Phát triển (CEDA), cơ quan do Mohammed sáng lập nhằm thay thế hệ thống tiền nhiệm quan liêu hơn, cũ kỹ hơn.

Thay vì gửi lên các thông tin cập nhật khô khan, tự khen mình và ca ngợi tầm nhìn của các lãnh đạo tuyệt vời, các bộ trưởng phải trình bày tầm nhìn cho cơ quan của họ theo từng giai đoạn, chiến lược để đạt được nó và cuối cùng là cập nhật về tiến trình cụ thể. Trước khi được trình bày, họ còn phải trình bài thuyết trình lên một nhóm đặc biệt trong hội đồng để họ hiệu chỉnh và đánh giá.

Mohammed khi ấy mới 30 tuổi hay đặt câu hỏi và đôi khi còn quát mắng một vị bộ trưởng cố chấp có số tuổi gấp đôi mình. Trong khi một vị bộ trưởng vừa đi lại trong phòng họp vừa thuyết trình một bản báo cáo dài 70 trang, Mohammed thường sẽ xới tung đống giấy tờ lên để đọc xong toàn bộ tập tài liệu trước nhất và bắt đầu viết câu hỏi. Bộ trưởng Văn hóa lúc bấy giờ là Adel al-Toraifi cũng có mặt tại buổi sát hạch, ông cho biết: “Ban đầu ai nấy đều gặp khó khăn. Mọi người chưa quen với điều này”.

Bradley Hope - Justin Scheck / Alpha Books - NXB Thế giới

SÁCH HAY