Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2002, khi một người câu cá ở Crofton bang Maryland tình cờ bắt được dưới hồ nước sinh vật có chiều dài khoảng 50 cm. Cả anh và người bạn đồng hành đều không thể nhận ra đây là loài vật nào, vì vậy họ chụp ảnh rồi thả nó trở lại hồ.
Đến tháng sau, một trong hai người mang bức ảnh tới Sở Tài nguyên bang Maryland. Ngay lập tức, các chuyên gia xác định đây chính là cá chuối có nguồn gốc châu Á, nhưng ở Mỹ chúng được gọi là cá đầu rắn (snakehead) do có hình dáng thuôn dài và vân trên cơ thể như da rắn.
Mỹ coi cá chuối là động vật xâm lấn nguy hiểm, có khả năng gây mất cân bằng sinh thái và tận diệt các loài cá nước ngọt khác. Ảnh: AFP. |
Đổ thuốc trừ sâu xuống hồ để diệt cá chuối
Cũng tại cái hồ này ở Crofton, một người câu cá khác tiếp tục bắt được cá chuối vào tháng sau đó, và sự kiện này trở thành tin tức nóng hổi tầm quốc gia. Báo chí và các kênh truyền hình mô tả cá chuối là loại săn mồi hung ác, sẽ ăn hết các loài động vật trong hồ, sau đó di chuyển trên cạn đến một vùng nước khác và làm điều tương tự.
Tuy nhiên, thông tin thu hút sự chú ý nhiều nhất - rằng cá chuối có thể di chuyển trên cạn - hóa ra lại là một thông tin không chính xác. Đúng là cá chuối có thể trườn trên cạn, nhưng chỉ trong điều kiện ẩm ướt hoặc khi một cơn mưa rào xảy ra.
Dù sao thì việc cá chuối ăn tạp và ăn thịt những con vật khác là có thật, và chúng vẫn là một mối đe dọa tiềm tàng cho hệ sinh thái ở bang Maryland. Để loại bỏ loài vật ngoại lai này, cơ quan quản lý môi trường bang quyết định sử dụng biện pháp cực mạnh là đổ thuốc trừ sâu rotenone xuống hồ.
Toàn bộ cá trong hồ chết nổi bụng, trong đó có 6 con cá chuối trưởng thành và hơn 1.000 con cá chuối non. Vấn đề đã được giải quyết, hoặc có lẽ là đã được giải quyết.
Nhưng chỉ 2 năm sau, cơn ác mộng của những cơ quan quản lý môi trường lại trở thành sự thật. Cá chuối được phát hiện ở sông Potomac và các chuyên gia nhận định chúng có khả năng ăn hết thức ăn của những loài khác như cá trích và cá vược sông, khiến số lượng những loài này sụt giảm.
Và vấn đề là nếu như có thể đổ chất độc vào một cái hồ để tiêu diệt cá chuối, thì lại không thể làm vậy với một vùng nước mở như sông Potomac.
Con sông này bắt nguồn từ bang West Virginia và trải dài hơn 600 km ra tới vịnh Chesapeake - khu vực đóng vai trò quan trọng với ngành công nghiệp đánh bắt cá của vùng. Cá chuối không thể sống trong vùng nước lợ của vịnh Chesapeake, nhưng có thể ăn hết trứng của những loài cá biển sinh sản ở vùng nước ngọt hoặc các nhánh sông nước ngọt khác.
Những lo ngại này không phải là không có cơ sở. Cá chuối là loại ăn tạp, khi còn nhỏ chúng sẽ ăn động vật phù du, ấu trùng, cá nhỏ và động vật giáp xác. Khi lớn lên, cá chuối có thể ăn thịt các loài cá lớn hơn, giáp xác, động vật lưỡng cư nhỏ, bò sát hay thậm chí là một số loài chim và động vật có vú.
Một con cá chuối cỡ lớn bắt được trên sông Potomac, bang Virginia hồi năm 2013. Ảnh: Reuters. |
Khả năng sinh sản của cá chuối cũng rất ấn tượng, con cái có thể đẻ hàng nghìn trứng một lúc, và cả con đực và con cái đều bảo vệ đàn con của mình rất mãnh liệt. Thêm vào đó, một đặc điểm khác khiến cá chuối trở nên đáng sợ là những túi nhỏ phía trên mang của chúng.
Chiếc túi này đóng vai trò như một lá phổi, giúp cá chuối có thể nổi lên, hút không khí vào đó, rồi lặn xuống và sử dụng số oxy này như một chiếc tàu ngầm. Khả năng này giúp chúng có thể sống sót trong vùng nước sâu ít oxy, và cũng cho phép chúng sống sót mà không có nước tới vài ngày, miễn là trong điều kiện ẩm ướt.
Món ngon ở Trung Quốc, nỗi sợ hãi ở Mỹ
Những con cá chuối ở Crofton cuối cùng được xác định bắt nguồn từ một người đàn ông ở bang Maryland. Người này mua những con cá chuối từ thành phố New York để tặng cho chị mình làm món ăn. Sau khi bà ấy từ chối, người này mang những con cá về nuôi tại bể cảnh nhà mình trước khi thả xuống hồ nước vì chúng quá to.
Tại châu Á, đặc biệt Trung Quốc, cá chuối có thể chế biến nhiều món ăn rất được ưa chuộng. Loài này được nhân giống và nuôi rất nhiều ở khu vực sông Dương Tử, và món súp từ cá chuối được cho là rất bổ dưỡng.
Điều này dẫn tới một giả thiết rằng cá chuối xuất hiện ở Mỹ để phục vụ nhu cầu của cộng đồng người gốc Á, và không phải ngẫu nhiên khi trường hợp đầu tiên ghi nhận cá chuối ở Mỹ là vào năm 1997 tại phía nam bang California, nơi có cộng đồng gốc Á đông đúc.
Chính quyền Mỹ đã cấm buôn bán, nhập khẩu cá chuối kể từ năm 2012, nhưng việc nhập khẩu thịt để chế biến món ăn vẫn được cho phép. Ảnh: New York Times. |
Cũng trong năm 2002, chính quyền Mỹ đưa cá chuối vào danh sách những loài động vật ngoại lai cấm buôn bán và vận chuyển theo Đạo luật Lacey. Bộ trưởng Nội vụ khi đó là bà Gale Norton cũng đưa ra lệnh cấm nhập khẩu và vận chuyển liên bang với loài vật này.
Nhưng lệnh cấm này vẫn bị vi phạm bởi nhu cầu về mặt ẩm thực. Tháng 5 năm 2005, một chủ cửa hàng tạp hóa ở Los Angeles đã bị bắt giữ vì buôn lậu cá chuối còn sống vào Mỹ từ Hàn Quốc.
Đến năm 2010, một người gốc Hoa đã bị hải quan Mỹ bắt giữ khi đang cố buôn lậu 353 con cá chuối còn sống vào nước này qua Sân bay Quốc tế Kennedy ở thành phố New York. Số cá này được cho là để phục vụ nhu cầu của cộng đồng gốc Hoa đông đúc ở thành phố này.