Những con cá chuối (cá lóc, cá quả) này còn được đặt tên là "xe tăng nước ngọt" khi chúng cắn câu ở khu Harlem Meer thuộc New York. Tại Mỹ, chúng được gọi chung là cá đầu rắn (snakehead fish).
Theo New York Times, Cơ quan động vật hoang dã bang Georgia, Mỹ đang cảnh báo người dân, cho rằng loài động vật xâm lấn này có thể phá hủy hệ sinh thái của bang.
Loài cá này được nuôi lấy thịt tại Arkansas cho đến tận năm 2002. Ở New York, chúng được nuôi để làm nhiều món ăn cho các nhà hàng tại khu phố Tàu.
Tuy nhiên cá chuối hoa đã có mặt ở 14 bang của Mỹ và được coi là loài động vật xâm lấn nguy hại.
"Những con cá này giống như là thứ gì đó xuất hiện trong một bộ phim kinh dị", Bộ trưởng Nội vụ Mỹ Gale Norton nói vào năm 2002 khi bà đề xuất lệnh cấm nhập khẩu và vận chuyển liên bang đối với loài động vật phàm ăn này.
Một con cá chuối được phát hiện ở bang Maryland vào năm 2002. Ảnh: AP. |
Cơ quan động vật hoang dã bang Georgia kêu gọi "Hãy giết ngay!" nếu phát hiện chúng trong môi trường tự nhiên. Đồng thời, họ kêu gọi sau khi giết những con cá này, người dân hãy bỏ chúng vào tủ đá và nhắc nhở mọi người: "Hãy nhớ là chúng có thể tồn tại trên cạn".
Theo các dữ liệu liên bang, loại cá này có nguồn gốc từ một số khu vực ở Trung Quốc - nơi chúng được nuôi lấy thịt trong các trang trại, và từ một số nơi khác như Nga và Hàn Quốc.
Theo Cơ quan động vật hoang dã bang Georgia, loài cá được gọi cá đầu rắn ở Mỹ này có thể đạt chiều dài gần một mét. Chúng cũng có khả năng hô hấp trên cạn trong nhiều ngày, trườn như rắn và sống trong những môi trường ít khí oxy.
Với hàm răng nhỏ nhưng dày đặc, cá chuối ăn tạp và có thể ăn nhiều loại động vật khác nhau, từ những con cá khác cho đến động vật lưỡng cư, thậm chí cả cóc và thằn lằn. Không chỉ vậy, chúng cũng sở hữu khả năng sinh sản ấn tượng và có thể làm mất cân bằng sinh thái ở cả dưới nước và trên đất liền.
"Chúng có có thể gây thiệt hại khổng lồ với ngành đánh bắt cá thương mại và giải trí của chúng ta. Phải làm mọi cách có thể để ngăn chúng xâm nhập vào những vùng nước của chúng ta", bà Norton nói hồi năm 2002.
Tiến sĩ Lynne Parenti, người phụ trách bộ phận cá của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ, cho biết những con cá này vẫn xuất hiện nhỏ lẻ ở nhiều nơi sau khi lệnh cấm hồi năm 2002 được ban hành. Mỗi khi xuất hiện ở một vùng nước ngọt tự nhiên, cá chuối nhanh chóng phá hủy chuỗi thức ăn do tập tính của chúng.
"Bất cứ những gì chúng ăn cũng sẽ biến đổi. Vì vậy chúng ta không thể dự đoán nguy hiểm là gì, nhưng hầu hết là những điều tiêu cực", bà Parenti cho biết.