Nhóm nghiên cứu từ Đại học Nakhon Ratchasima Rajabhat (NRRU), Thái Lan, và Đại học tỉnh Fukui (FPU), Nhật Bản, tin rằng loài khủng long mà họ đặt tên là Siamraptor suwati là loài săn mồi sống vào khoảng 115 triệu năm trước.
Nghiên cứu công bố trên tạp chí PLOS ONE viết loài khủng long mới này được cho có chiều dài từ 8 m trở lên.
Reuters dẫn lời Soki Hattori, nhà cổ sinh vật học tại FPU, cho biết: "Siamraptor là loài săn mồi lớn nhất trong tự nhiên và do vậy có thể là một kẻ săn mồi nguy hiểm bậc nhất tại thời điểm đó".
Hóa thạch khủng long mới được phát hiện ở Thái Lan cho thấy loài khủng long ăn thịt mới. Ảnh: Chokchaloemwong. |
Các nhà khoa học tìm được hóa thạch của ít nhất bốn cá thể khủng long khác nhau bao gồm hộp sọ, xương sống, chân, tay, hông và răng. Những hóa thạch này cung cấp bằng chứng về sự phát triển của nhóm khủng long có tên là carcharodontizards, trong đó Siamraptor đại diện cho sự tiến hóa rất sớm, các nhà nghiên cứu giải thích.
Loài khủng long nổi tiếng nhất của nhóm này là Carcharodontosaurus, còn được gi là "thằn lằn răng cá mập". Carcharodontosaurus sống ở phía bắc châu Phi khoảng 94-98 triệu năm trước và dài khoảng 15 m, theo Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Anh.
Nói về các hóa thạch khủng long, Hattori cho biết: "Răng của các loài cararodontizards, bao gồm cả Carcharodontosaurus, có sóng gợn đặc trưng trên bề mặt dọc theo rìa của 'răng cá mập' mỏng như lưỡi dao".
"Đặc điểm này cũng có ở răng của Siamraptor", nhà cổ sinh vật học nói thêm, theo Reuters.
Hattori nói với CNN rằng Siamraptor có thể từng sống ở nhiều nơi trên thế giới.
Hóa thạch đầu tiên của nhóm khủng long này được phát hiện ở châu Phi và châu Âu. Bất ngờ là các nhà khoa học cũng tìm thấy chúng ở Đông Nam Á.
Nói với CNN, Hattori ca ngợi phát hiện "quan trọng" này, giúp làm sáng tỏ "lịch sử tiến hóa ban đầu của nhóm khủng long".