Dịch giả Hoàng Anh (sinh năm 1981) là cái tên quen thuộc với nhiều độc giả của dòng văn học trinh thám hay những tác phẩm giàu tính nhân văn như Kẻ nhắc tuồng, Người đàn ông mang tên Ove, Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi, Britt-Marie đã ở đây…
Chọn dịch thuật như một cách để thoát khỏi áp lực công việc hàng ngày và tìm ra sự đồng điệu về cảm xúc trong những thế giới khác, dịch giả Hoàng Anh chia sẻ với Zing về những điều thú vị trong việc dịch, như cách anh không chỉ đề cao tính chuẩn xác theo thói quen của một người làm khoa học, mà còn đặt mục tiêu phải truyền tải được cảm xúc qua những bản dịch của mình.
Người dịch cũng cần truyền tải cảm xúc
- Điều gì đã đưa anh từ một người làm trong ngành dược trở thành một dịch giả?
- Câu chuyện bắt đầu từ khoảng thời gian tôi sang Pháp du học, đọc được một số quyển sách hay và cũng dịch thử. Sau khi về đến Việt Nam thì tôi mới đề xuất với nhà xuất bản, sau khoảng 3, 4 năm để nhà xuất bản liên hệ bản quyền, biên tập thì bản dịch tác phẩm ấy được ra đời.
Mỗi khi bắt đầu dịch sách, tôi như được đắm chìm vào một thế giới khác và những câu chuyện khác, những câu chuyện có thể giúp ta chữa lành tâm hồn.
Dịch giả Hoàng Anh
Thật ra tôi đến với công việc dịch thuật hoàn toàn từ sự yêu thích. Đó là khi mình vừa đọc được những quyển sách hay và cảm thấy cần chia sẻ những câu chuyện đó đến với mọi người. Đến bây giờ tôi vẫn làm công việc này với tất cả sự hồn nhiên và vô tư như thuở ban đầu. Đây cũng là một công việc cho phép tôi thoát khỏi những áp lực thường nhật của cuộc sống, trong công việc chăm sóc khỏe của mình.
- Đó có phải lý do mà nhiều tác phẩm anh chọn dịch có yếu tố chữa lành không?
- Đúng vậy. Sách mang lại cho tôi trước hết là sự thoát ly khỏi thực tại. Có thể là trong cuộc sống thực tại, ai cũng phải đối mặt với rất nhiều áp lực và khó khăn. Và mỗi khi bắt đầu dịch sách, tôi như được đắm chìm vào một thế giới khác và những câu chuyện khác, những câu chuyện có thể giúp ta chữa lành tâm hồn. Đa phần tác phẩm tôi dịch đều là những cuốn sách mình đã đọc rồi và cảm thấy thích, rồi mới liên hệ với nhà xuất bản để dịch lại cho mọi người cùng đọc.
- Những mục tiêu hoặc tiêu chuẩn anh đặt ra cho bản dịch của mình là gì?
- Đối với tôi điều đầu tiên là sự tự nhiên của văn phong, trong cách dùng từ. Nó phải thật tự nhiên để khi đọc mình không cảm thấy nó là một cái gì đó xa lạ, khác với cách nói của người Việt Nam.
Dịch giả Hoàng Anh trong một buổi gặp mặt cùng hội thích truyện trinh thám. Ảnh: NVCC. |
Yếu tố thứ hai là sự chuẩn xác. Có lẽ bởi vì tôi là một người xuất phát từ dân khoa học, cho nên tôi rất đề cao sự chuẩn xác về mặt ngữ nghĩa. Không thể dịch A thành B mà cũng không thể dịch trắng thành đen, chẳng hạn.
Thứ ba là cảm xúc mà bản dịch mang lại. Sau khi dịch xong một tác phẩm, thói quen của tôi là đọc thành tiếng. Việc đọc lại bản dịch thành tiếng thứ nhất là để soát lỗi, thứ hai là để xem khi đọc lên như vậy thì câu chữ, ngôn ngữ mà mình sử dụng có khơi lên được cảm xúc bên trong mình giống như cái lúc mình đọc tác phẩm gốc hay không. Điều này rất quan trọng, nên dù đôi lúc người trong nhà thấy hơi mắc cười nhưng mình vẫn cứ phải đọc thành tiếng để xem cảm xúc như thế nào, văn phong đã tự nhiên chưa.
- Yếu tố cảm xúc rất đặc biệt, như vậy dịch giả không chỉ là người chuyển ngữ, mà còn là người truyền tải những cảm xúc giữa bản gốc và bản dịch. Đây có phải là yếu tố giúp dịch giả trở thành “người kể chuyện” mà anh thường nói?
- Đối với tôi thì dịch giả là một người kể chuyện. Họ không sáng tác ra câu chuyện mà họ kể lại nó sau khi đã được đọc câu chuyện đấy từ một ngôn ngữ khác. Vì thế, họ sẽ phải khơi gợi được những cảm xúc nơi người nghe và những cảm xúc đó phải chân thực, gắn với cảm xúc ban đầu của người kể chuyện.
Có rất nhiều khoảnh khắc mà khi dịch tôi đã rơi nước mắt, bởi vì thấy nhân vật trải qua biến cố hoặc những điều bất hạnh khiến cảm xúc bị đẩy lên cao trào, rồi rơi nước mắt. Cũng có những lúc mình vỗ đùi bởi vì nó quá đã, cảm thấy sung sướng cho nhân vật của mình.
- Có bao giờ anh gặp khó khăn trong việc diễn tả lại cảm xúc của mình chưa? Chẳng hạn khi cảm xúc đang ở cao trào mà mình không biết phải diễn tả nó như thế nào?
- Tôi ít khi nào gặp phải những bế tắc như vậy. Khó khăn thường nằm ở chỗ mình gia giảm cảm xúc đó như thế nào. Những cảm xúc ban đầu mình cảm nhận được ở tác phẩm gốc thì khi chuyển ngữ sang tiếng Việt sẽ phải có sự điều chỉnh nhất định. Bởi vì còn phải tùy thuộc vào nhiều cái yếu tố khác nữa, chẳng hạn yếu tố về về văn hóa, chứ không chỉ đơn thuần là tác giả viết như thế nào thì mình chuyển sang tiếng Việt như thế.
- Tức là đôi khi ta dịch đúng về mặt ngữ nghĩa, nhưng lại khác về mặt cảm xúc khi người đọc cảm nhận từ những nền văn hóa khác nhau?
- Đúng vậy, có nhiều khác biệt văn hóa. Có thể những ngôn ngữ này ở nước ngoài thì người ta chấp nhận được, nhưng mà khi đưa về Việt Nam, nếu mà bê nguyên cách diễn đạt ấy thì nhiều khi lại quá sốc với độc giả Việt Nam. Vì thế mình sẽ phải giảm bớt.
Dịch giả Hoàng Anh. Ảnh: NVCC. |
Dịch thuật là một quá trình nhập vai
- Sau nhiều tác phẩm đã được ra mắt, anh kỳ vọng bản dịch của mình sẽ đem lại điều gì cho độc giả?
- Điều tôi hy vọng nhiều nhất đó là những bản dịch của mình sẽ mang lại sự đồng cảm. Những cảm xúc mà tôi cảm nhận được khi đọc một tác phẩm, tôi mong rằng các độc giả của mình cũng cùng chia sẻ những cảm xúc đó.
- Nói về sự đồng cảm, hẳn khi chọn một tác phẩm để dịch anh cũng có sự đồng cảm với chính tác giả, anh có thể chia sẻ thêm về điều này không?
- Lấy ví dụ về Fredrik Backman, điều đầu tiên dẫn tôi đến với tác giả này là chúng tôi sinh cùng năm. Nó như một điểm bắt đầu khi tôi muốn đọc tác phẩm của một người cùng thế hệ, để xem họ có những suy nghĩ, những kinh nghiệm như thế nào về cuộc đời này. Tác phẩm đầu tiên tôi đọc là Người đàn ông mang tên Ove và cảm nhận được nhiều ý tứ hay, với những chiêm nghiệm về cuộc đời khá tương đồng với những gì mình đã đúc kết nơi bản thân, nơi cuộc đời mình.
Sau đó thì tôi đề xuất với nhà xuất bản để mua tác quyền của tác giả Fredrik Backman. Nhưng thay vì chỉ mua một quyển thì họ mua luôn 3 quyển, thế là từ đấy tôi mới bắt tay vào theo đuổi các tác phẩm của Fredrik Backman cho đến thời điểm này.
- Series của tác giả Fredrik Backman thường có những nhân vật trẻ con, hoặc những nhân vật có cá tính rất rõ ràng, làm sao để anh khắc họa được nét ngây ngô hay những tính cách đặc biệt của nhân vật qua dịch thuật?
- Thật ra dịch thuật là một quá trình nhập vai, có nghĩa là khi dịch, tôi sẽ nhập vào vai của nhân vật ở trong truyện, có khi là một ông già, có khi là một bà già, có khi là một cô bé, có khi là một thanh niên. Việc tìm cách nhập vai giúp tôi nói lên bằng giọng nói của của mình ở độ tuổi ấy.
Đây cũng chính là một trong những điểm thú vị của công việc dịch thuật. Nó cho phép tôi được nhập vai giống một người diễn viên. Nhưng dịch giả trong một tác phẩm có thể hóa thân thành tất cả vai diễn trong một tác phẩm chứ không chỉ một vai diễn nhất định.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng