HLV Park Hang-seo chịu nhiều ảnh hưởng từ "người thầy" Guus Hiddink. |
Dù U23 Việt Nam đã vào tới tứ kết Giải U23 châu Á, HLV Park Hang-seo vẫn phải nhận nhiều ý kiến trái chiều vì lối chơi phòng ngự thực dụng của đội bóng. Những người tinh ý sẽ nhận ra đây không phải là sản phẩm của một mình ông Park Hang-seo.
Hệ thống 3 trung vệ, chiến thuật phòng ngự “xe bus”, những đòn phản công sắc sảo và cả cách chiến thắng sát nút, tất cả đều là những di sản mà ông Park đã nhận được từ Guus Hiddink.
World Cup 2002 chứng kiến chiến công lịch sử của bóng đá Hàn Quốc khi đội tuyển nước này lọt vào tới bán kết. Dưới sự dẫn dắt của Hiddink, tuyển Hàn Quốc cho thấy hiệu quả bằng lối đá phòng ngự tiêu cực.
Từ vòng bảng tới bán kết, hàng thủ U23 Hàn Quốc chỉ thủng lưới đúng 3 lần. Thành tích ấy là điều phi thường khi Hàn Quốc liên tục đương đầu với 4 đại gia Bồ Đào Nha, Italy, Tây Ban Nha và Đức.
Hàn Quốc khi ấy cũng mang tới World Cup 2002 hệ thống 3 trung vệ (trong sơ đồ 3-5-2). Sơ đồ này giúp HLV Hiddink xây dựng những thế trận phòng ngự chặt chẽ. Tuyển Hàn Quốc khi ấy cực khó bị đánh bại với đặc sản là các chiến thắng sát nút (1-0 trước Bồ Đào Nha, 2-1 trước Italy).
Sau kỳ World Cup trên sân nhà, HLV Hiddink chia tay xứ sở kim chi. Ông Park Hang-seo tiếp quản U23 Hàn Quốc hành quân tới ASIAD 2002. Dấu ấn Hiddink đã thể hiện ngay lập tức khi U23 Hàn Quốc trải qua chuỗi 5 trận liên tiếp không để thủng lưới dù đối thủ có cả Iran và Bahrain.
Thời gian làm việc với Hiddink tại tuyển Hàn Quốc đã định hình phong cách của ông Park Hang-seo tới mãi sau này.
Cách truyền cảm hứng và giao tiếp với cầu thủ là điều ông Park học được từ HLV Guus Hiddink. Ảnh: Thanh Hà. |
Nhớ về những bài học của Hiddink, ông Park từng chia sẻ: “Thời gian ở cạnh ông ấy, tôi đã học được cách làm việc có tổ chức, có kế hoạch. Tôi cũng học được cách ông ấy truyền ảnh hưởng của mình thật chính xác tới từng cầu thủ.
Ông Hiddink từng nói khi đối mặt tình huống nguy hiểm, cách tốt nhất không phải là ngăn chặn nó mà là biến tình huống nguy hiểm ấy thành cơ hội phản công”.
Những trải nghiệm sau đấy tại K.League cũng góp phần củng cố phong cách thực dụng của HLV Park Hang-seo. Hơn 10 năm lăn lộn ở hạng đấu cao nhất Hàn Quốc, ông Park liên tục phải dẫn dắt các đội bóng yếu và trung bình. Ông đã quen với việc lấy yếu đánh mạnh, đã nhiều lần phải gồng mình trước các đối thủ khó.
Những đội bóng của ông Park không mạnh nhưng đều rất kỷ luật, khó bị đánh bại và luôn biết cách tận dụng lợi thế.
Thành tích của HLV Park Hang-seo sau 100 ngày gắn bó với bóng đá Việt Nam. Đồ họa: Quý Sáng. |
Nhìn U23 Việt Nam, chúng ta thấy dấu ấn của Hiddink là rất rõ ràng. Đội tuyển thích ứng với hệ thống 3 trung vệ (trong sơ đồ 3-4-3 và 5-4-1) dù trước đó chưa từng chơi tại V.League. U23 Việt Nam sở hữu hàng thủ vững chắc khi giữ trắng lưới 2 trận liên tiếp. Chiến thắng (và thất bại) của đội đều là các kết quả sát nút (1-2 trước Hàn Quốc, 1-0 trước Australia).
Đội bóng của ông Park có thể yếu hơn đối thủ nhưng luôn lì lợm. 270 phút trước U23 Hàn Quốc, Australia và Syria đã thể hiện rõ điều đó. Chiến thuật của ông Park cũng thích ứng và tỏ ra đặc biệt phù hợp với những cầu thủ phòng ngự (như Duy Mạnh, Văn Hậu) hay những cầu thủ đã quen với lối đá phản công (như Quang Hải, Đình Trọng tại U20 World Cup).
Truyền thông Hàn Quốc những ngày qua cũng nhiều lần nói tới sự tương đồng trong phong cách của 2 HLV này. Họ khẳng định ông Park Hang-seo chính là “Guus Hiddink của bóng đá Việt Nam”.
Sẽ không quá khi nói, bóng đá Việt Nam cũng phải cảm ơn HLV Guus Hiddink vì những "di sản" này.