Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Đừng thấy kết quả xét nghiệm âm tính mà vội yên tâm

"Nhiều người có tâm lý xét nghiệm cả khu phố một lần là yên tâm, khu vực này sạch rồi nhưng không đúng", Giám đốc Trung tâm Y tế Gò Vấp Nguyễn Trung Hòa nói.

Buổi sáng đầu tiên triển khai Chỉ thị 10 ở TP.HCM, ngành y tế thành phố tung quân lấy 150.000 mẫu xét nghiệm ở quận Bình Tân và 100.000 mẫu tại huyện Hóc Môn.

Nhìn con số 250.000 mẫu/ngày, bác sĩ Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, bày tỏ niềm vui khi TP.HCM đang cải thiện năng lực xét nghiệm.

Nhìn nhận khó khăn Gò Vấp từng trải qua, ông Hòa nhận định Bình Tân và Hóc Môn có thể yên ổn sau 2 tuần nếu người dân tuân thủ nghiêm các biện pháp chống dịch.

Nhìn nhận về "chiến trường"

Sau gần một tháng chỉ đạo dập dịch tại quận Gò Vấp, bác sĩ Nguyễn Trung Hòa nhận định mật độ dân số và sự di biến động dân cư khiến TP.HCM chống dịch vất vả hơn các nơi khác.

Phong tỏa là cấp độ cao hơn cả Chỉ thị 16, tức là bất di bất dịch.

Bác sĩ Nguyễn Trung Hòa.

"Người từ các tỉnh, thành khác về TP.HCM ở trọ, mưu sinh rồi bị nhiễm bệnh. Các khu nhà trọ lây thành từng chùm ca. Số ca của TP.HCM nhiều là ở chỗ đó, còn cộng đồng cơ hữu sống lâu dài ở đây thì chỉ bị một phần nhỏ thôi", ông Hòa nhận định.

Như Gò Vấp có dân số cơ hữu là 700.000 dân nhưng số dân di biến động lớn hơn rất nhiều. Với diện tích 19,75 km2, đây là một trong những quận có mật độ dân số cao nhất TP.HCM.

Quận Bình Tân có mật độ dân số không bằng Gò Vấp nhưng tổng dân số lại đông hơn. Đặc điểm của quận này là có nhiều khu công nghiệp, lượng dân vãng lai, di biến động lớn.

"Nó trở thành một cuộc sinh hoạt lớn với chợ tự phát, người dân đi lại, mưu sinh, tiếp xúc nhiều người... thành ra yếu tố dịch tễ của Bình Tân rất phức tạp", ông Hòa nhận định.

Do đó, bác sĩ Hòa cho rằng vai trò giám sát trong cộng đồng là rất lớn. Trong nhà phải luôn nhắc nhau phòng dịch, trong khu phố có tổ Covid-19 cộng đồng, trong phân xưởng có các đội chống dịch.

kinh nghiem chong dich o Go Vap anh 2

Khu vực phong tỏa tại quận Bình Tân, TP.HCM. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Sau khi nổi lên các ổ dịch tại Bình Tân và Hóc Môn, lãnh đạo TP.HCM đã ban hành Chỉ thị 10 thay thế cho việc áp dụng Chỉ thị 15, 16. Trong đó, TP.HCM yêu cầu đóng cửa chợ tự phát, không tụ tập quá 3 người. Đặc biệt, TP nhấn mạnh nguyên tắc cách ly, phong tỏa với các khu vực có nguy cơ cao và rất cao.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Hòa, phong tỏa là khác biệt lớn nhất so với các chỉ thị trước.

"Phong tỏa là cấp độ cao hơn cả Chỉ thị 16, tức là bất di bất dịch, kể cả trong gia đình cũng hạn chế tiếp xúc. Khi thực hiện lệnh phong tỏa, nếu người dân sang nhà nhau chơi, tụ tập là rất nguy hiểm", ông Hòa chia sẻ.

Ông Hòa nhận định nếu việc phong tỏa thực hiện nghiêm, khi gỡ phong tỏa dần dần tức là chúng ta đã an lành từng chỗ. Dẹp dần từng chuỗi lây nhiễm và cộng đồng sẽ sạch dịch.

Hiện, TP.HCM áp dụng phong tỏa "nội bất xuất, ngoại bất nhập" đối với 3 khu phố ở quận Bình Tân và 3 ấp ở huyện Hóc Môn.

"Phải chà đi xát lại"

Trong giai đoạn chống dịch ở Gò Vấp, bác sĩ Nguyễn Trung Hòa nhớ rất rõ sự cố xảy ra tại phường 15 ngày 7/6. Một phụ nữ bán bánh mỳ trên đường Thống Nhất nhập viện và tử vong. Mẫu bệnh phẩm dương tính với SARS-CoV-2.

Chỉ cần một đốm lửa nhỏ mà mình không kiểm soát được sẽ trở thành ngọn lửa lớn, bùng lên cả khu vực.

Bác sĩ Nguyễn Trung Hòa

"Ngày 30/5, bà ấy và cả hẻm có kết quả xét nghiệm âm tính. Tôi thấy kết quả đó ngọt ngào lắm rồi nhưng không ngờ ca này đang ủ bệnh. Đến ngày 2/6, bệnh nhân có triệu chứng, đi mua thuốc tự chữa ở nhà", ông Hòa kể.

Ngày 8/6, Trạm Y tế phường 15 đưa lực lượng về tầm soát tại nhà của F0. Từ nữ bệnh nhân này đã phát sinh thêm 3 F0 nữa là người chồng và 2 hàng xóm.

"Nhiều người có tâm lý xét nghiệm cả khu phố một lần là yên tâm, khu vực này sạch rồi nhưng không đúng. Thời gian ủ bệnh 5-7 ngày mới phát ra", Giám đốc Trung tâm Y tế Gò Vấp nói.

kinh nghiem chong dich o Go Vap anh 3

Người dân hẻm 778 (phường 15, Gò Vấp) phải xét nghiệm lại sau khi phát hiện ca mắc Covid-19 tử vong. Ảnh: Ngọc Tân.

Ông Hòa cho rằng việc tầm soát F0 phải thực hiện theo hướng xét nghiệm diện rộng, đồng thời "chà đi, xát lại" xem trong cộng đồng còn sót ai nữa không. Chỉ cần một đốm lửa nhỏ mà mình không kiểm soát được sẽ trở thành ngọn lửa lớn, bùng lên cả khu vực.

"Trong tình hình này, dù dịch đang bùng ra ở nhiều khu vực nhưng nếu quyết tâm, áp dụng những giải pháp đang làm thì trong 2 tuần chúng ta sẽ cắt được các chuỗi lây nhiễm, cơ bản khống chế được dịch", Giám đốc Trung tâm Y tế Gò Vấp nhận định.

Qua thời khủng hoảng phòng xét nghiệm

Trong cuộc họp báo tối 19/6, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết TP sẽ nâng năng lực xét nghiệm lên đến 500.000 mẫu/ngày, hơn gấp đôi thời gian qua.

Chúng tôi phải chấp nhận và tự xoay xở.

Bác sĩ Nguyễn Trung Hòa

Ông Đức nhận định việc nâng công suất xét nghiệm là cần thiết để quét F0 ở khu vực có nguy cơ cao. Với tốc độ 500.000 mẫu/ngày thì sau một tuần, thành phố có thể nhìn rõ và xác định đầy đủ nguy cơ còn tiềm ẩn.

Khẳng định của ông Đức cho thấy TP.HCM đã qua thời quá tải phòng xét nghiệm. Đối với các nhân viên y tế quận Gò Vấp, việc lấy mẫu xét nghiệm xong không biết gửi đi đâu từng là nỗi ám ảnh giai đoạn cao điểm chống dịch.

"Như một cái chợ, các phòng xét nghiệm nói ví von là lính Gò Vấp đi bỏ hải sản. Một phần vì cái thùng xốp đựng mẫu xét nghiệm giống thùng chứa hải sản. Nhân viên y tế mang thùng chứa mẫu đến phòng xét nghiệm, họ lắc đầu bảo qua chỗ khác vì quá tải", chị H., một nhân viên y tế cấp phường ở Gò Vấp nhớ lại.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Hòa, thời điểm căng thẳng đó là những ngày cuối tháng 5, khi F0 phát sinh liên tiếp từ nhóm sinh hoạt tôn giáo ở phường 3. Nguy cơ F0 lẩn khuất trong cộng đồng khiến Gò Vấp phải chuyển chiến thuật từ đánh lẻ tẻ từng hẻm sang truy vết rộng cả phường.

kinh nghiem chong dich o Go Vap anh 4

Trong một buổi giao ban tại Trung tâm Y tế Gò Vấp, bác sĩ Nguyễn Trung Hòa phổ biến cách vẽ sơ đồ chuỗi ca mắc Covid-19 để tiện cho việc truy vết. Ảnh: Duy Hiệu.

"Nóng nhất là hôm 30/5, cả quận lấy mẫu cho 95.000 người trong một ngày. Không có một phòng xét nghiệm nào chịu đựng nổi Gò Vấp vào thời điểm đó. Chúng tôi phải chấp nhận và tự xoay xở, mình khó thì ở trên cũng khó", ông Hòa nhớ lại.

Các phòng xét nghiệm thường được đặt tại các bệnh viện lớn của TP.HCM. Các quận không thể tự ý mang mẫu đến các phòng xét nghiệm này mà phải dựa trên định mức được phân bổ từ Sở Y tế. Ví dụ, hôm nay toàn quận lấy 100.000 mẫu thì Bệnh viện Lê Văn Thịnh được giao nhận 1.000, Viện Pasteur TP.HCM nhận 2.000, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới nhận 500 mẫu...

Trải qua giai đoạn "chỉ biết ra trận là đánh, đánh bằng tất cả nguồn lực đang có", ông Hòa nhận định các địa phương đang căng thẳng như Bình Tân và Hóc Môn sẽ bớt vất vả hơn khi năng lực xét nghiệm của thành phố được tăng lên.

"Năng lực xét nghiệm của TP.HCM đang dần dần được đẩy lên. Không phải như giai đoạn đầu là mấy chục nghìn mẫu/ngày mà đang lên đến 250.000-300.000 mẫu mỗi ngày", ông Hòa nói và cho biết việc tăng năng lực xét nghiệm rất quan trọng để thực hiện được chiến thuật truy vết "chà đi, xát lại".

Hỗ trợ đồng đội để bảo vệ mình

"Khi Gò Vấp đang nóng thì các quận, huyện khác phải chuẩn bị tâm thế rằng dịch có thể lan tới địa phương mình. Tất nhiên, ai cũng có chuẩn bị, nhưng như Bình Tân, Hóc Môn là chưa tính tới mức độ như thế", bác sĩ Nguyễn Trung Hòa nhận xét.

Mình phải hỗ trợ đồng đội ở kế bên để bảo vệ cho chính mình.

Bác sĩ Nguyễn Trung Hòa

Khi dịch còn nhỏ lẻ thì quận Gò Vấp có đội lấy mẫu chuyên nghiệp khoảng 12 người. Trước khi đợt dịch thứ tư bùng phát, Trung tâm Y tế quận đã thấy khả năng cần nguồn nhân lực lớn hơn. Do đó, 16 người đến từ 16 phường và 4 người từ 2 phòng khám đa khoa đã được tập trung và đào tạo thêm.

Khi đợt dịch thứ 4 bùng lên và Gò Vấp phải thực hiện tầm soát lớn, hơn 30 nhân viên lấy mẫu đã qua đào tạo này mới phát huy vai trò của họ.

Trong đó, lực lượng 12 người tinh nhuệ "đánh" thẳng vào các ổ F0, F1. 20 nhân viên y tế các phường thì "đánh" các điểm cộng đồng. Vì họ ở các phường khác nhau nên người phường này phải sang phường kia chi viện với tinh thần “nay phường anh, mai đến phường tôi”.

kinh nghiem chong dich o Go Vap anh 5

Bác sĩ Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp. Ảnh: Ngọc Tân.

Quận Gò Vấp, sau khi tạm yên ổn trước làn sóng dịch bệnh, đã cử nhân lực y tế sang Hóc Môn giúp huyện bạn lấy 10.000 mẫu xét nghiệm ngày 20/6.

"Mình phải hỗ trợ đồng đội ở kế bên để bảo vệ cho chính mình. Trong đợt dịch này phải nhớ kỹ một câu là hàng xóm bệnh thì chuẩn bị đến mình đấy”, bác sĩ Hòa chia sẻ.

Gò Vấp đã tạm ổn nhưng vẫn ghi nhận F0 từ ngoài vào. Ví dụ phường Thạnh Xuân (quận 12) nằm giáp Gò Vấp vừa phát hiện gần 30 ca F0, truy vết thì phát hiện 3 ca liên quan đến Gò Vấp.

TP.HCM lập 22 chốt, phong tỏa gần 56.000 dân ở quận Bình Tân
00:00
/
Có lỗi xảy ra!.
Error code: 4
Video sẽ chạy sau3
TP.HCM lập 22 chốt, phong tỏa gần 56.000 dân ở quận Bình Tân Rạng ngày 20/6, 22 chốt được thiết lập tại các khu phố 2,3,4 phường An Lạc, quận Bình Tân để phong tỏa trong 14 ngày. Nơi đây phát hiện 127 ca mắc Covid-19.
Bài liên quan

Người Gò Vấp trong cuộc chiến với Covid-19

Người Gò Vấp trong cuộc chiến với Covid-19

Ổ dịch "Hội thánh" tạm bình yên khi chưa có thêm ca mắc mới. Nhưng số F0 phát sinh từ đó đã vượt 200 ca, kéo người dân TP.HCM vào cuộc chiến với Covid-19 chưa đi đến hồi kết.

Ngọc Tân