"Xin chúa đón nhận linh hồn Maria", bà Lan chắp tay và cầu nguyện trong lúc ngó ra con hẻm có đông người đang xếp hàng. Sáng 8/6, Giáo xứ Tử Đình nơi bà Lan ở xôn xao với thông tin một giáo dân tử vong có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Lực lượng y tế phường 15, quận Gò Vấp, TP.HCM, được triển khai tại con hẻm ngay buổi sáng mưa tầm tã. Họ đặt barie, phong tỏa và lấy hàng trăm mẫu xét nghiệm.
"Ban đầu chúng tôi rất sốc, vì kết quả xét nghiệm trước đó 10 ngày không phát hiện ca dương tính nào tại hẻm 778", bà Ngô Thị Oanh, Trưởng trạm Y tế phường 15, chia sẻ. Đến hôm nay, người dân ở nhiều ngõ hẻm trên địa bàn quận Gò Vấp phải xét nghiệm tầm soát đến lần thứ 2 sau khi phát sinh F0 mới.
"Không kịp đến là rắc rối to"
Chiều 26/5, ổ dịch từ một nhóm sinh hoạt tôn giáo tại phường 3 được phát hiện. Kết quả truy vết đã khiến loạt phường khác của Gò Vấp trở thành nơi có F0.
21h cùng ngày, chị Tạ Kiều Trang, Trưởng trạm Y tế phường 9, phải ra lệnh phong tỏa tạm thời một phòng khám do có F1 ở nhóm sinh hoạt tôn giáo từng bước vào trong tình trạng sốt. Ngày 27/5, phòng khám được lấy mẫu xét nghiệm, trong đó có rất nhiều kết quả dương tính.
Trận "đánh hẻm" của lực lượng y tế phường 15, quận Gò Vấp. Ảnh: Ngọc Tân. |
16h ngày 27/5, vị trưởng trạm y tế cùng các đồng nghiệp tức tốc xuống kho hàng của Công ty Nàng Khô - doanh nghiệp chuyên cung cấp khô gà và các đồ ăn vặt - sau khi nhận thông tin ở đó có F1 từ ổ dịch điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, ở phường 9.
"Kho hàng khi đó có 10 người, 2 người đang sốt được đưa đi cách ly trước. Sau này tất cả nhóm đó dương tính hết. Nếu chúng tôi không kịp đến phong tỏa, để họ tan ca ai về nhà nấy là rắc rối to", chị Trang tần ngần nhớ lại, đôi mắt chị trũng sâu vì thiếu ngủ nhiều ngày liền.
Nếu chúng tôi không kịp đến phong tỏa, để họ tan ca ai về nhà nấy là rắc rối to
Chị Tạ Kiều Trang, Trưởng trạm Y tế phường 9, quận Gò Vấp
Ngoài 10 người ở Công ty Nàng Khô, phường 9 ghi nhận nhiều công nhân, người lao động là F1 chuyển thành F0. Ngày và đêm 28/5, lực lượng y tế phường 9 phải dành toàn bộ thời gian để truy vết, xét nghiệm trong cộng đồng.
Trưa 29/5, chị Trang lại xuống hẻm lấy mẫu xét nghiệm trong cái nắng oi ả. Nữ y sĩ đi cùng một đội nhân viên y tế từ nhiều phường đến chi viện cho địa phương. Đến chiều, trời dứt nắng và chuyển sang mưa dông tầm tã. Cả đội tắm mưa. Những đôi giày ướt sũng vì nước mưa từ đồ bảo hộ dòng dòng chảy xuống.
"Trận đánh hẻm đó có bạn Ngọc từ phường 13, bạn Sơn khoa chẩn đoán hình ảnh, chị Hằng từ khoa xét nghiệm... chiều tối có thêm nhiều đồng nghiệp nữa đến hỗ trợ. Tôi rất day dứt và xót xa khi thấy họ dầm mưa vì giúp đỡ phường mình", chị Trang nhớ lại.
Nếu ngành y tế có một cuốn từ điển Covid-19, "đánh hẻm" sẽ trở thành thuật ngữ mới được bổ sung. Chị K.N., cán bộ y tế phường 13, quận Gò Vấp, đã tham gia "đánh" tất thảy 16 con hẻm ở các phường trên địa bàn quận.
"Đánh hẻm" là tập hợp các thao tác gồm xác định nơi ở của F0, xác định ranh giới phong tỏa, đặt barie để ngăn người ra vào và lấy mẫu xét nghiệm của tất cả người dân bên trong. Bất kể trong hẻm khi đó có bao nhiêu người, đi đâu, làm gì đều không thể ra ngoài khi "đội quân đánh hẻm" đã có mặt.
Các lệnh phong tỏa chớp nhoáng khiến nhịp sống trong hẻm của người dân Gò Vấp đảo lộn. Nhân viên y tế trở thành lực lượng truy vết, xét nghiệm, dọn vệ sinh kiêm luôn bảo đảm trật tự khi có người gây rối.
Khoanh vùng không dễ dàng
Kết quả truy vết F0 ngày càng cho thấy nguy cơ dịch lan rộng ở phường 9. Dựa vào dữ liệu được trạm y tế phường báo về, Sở Y tế TP.HCM quyết định "đánh mở rộng" toàn bộ phường 9 ngay đêm 29/5 thay vì đánh lẻ tẻ từng hẻm.
Trải qua 2 đêm không ngủ, chị Trang và các đồng nghiệp tiếp tục chuỗi thức trắng sau mệnh lệnh của sở. Phường 9 "đỏ rực" trên bản đồ F0 của quận Gò Vấp. Cả ngày 30/5, họ lấy hơn 3.000 mẫu xét nghiệm trong cộng đồng.
Kết quả sau 5 đêm thức trắng, 9 khu phố với 14.000 dân được lấy mẫu xét nghiệm. Những ngõ hẻm có F0 được phong tỏa kịp thời.
Trong 10 ngày, người dân ngõ 778 đường Thống Nhất trải qua 2 lần xét nghiệm tầm soát Covid-19. Ảnh: Ngọc Tân. |
Tại phường 15, cuộc tầm soát diện rộng được thực hiện với việc lấy mẫu xét nghiệm cho 50.000 cư dân trong 2 ngày 28 và 29/5. Khi đó, bà L.T.T.L., người bán bánh mỳ sống trong hẻm 778 đường Thống Nhất, có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
10 ngày sau, cả hẻm 778 và Giáo xứ Tử Đình bàng hoàng trước thông tin bà L. tử vong trên đường chuyển từ Bệnh viện quận Gò Vấp sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Mẫu xét nghiệm của bà L. có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
"Đội quân đánh hẻm" do bà Ngô Thị Oanh, Trưởng trạm Y tế phường 15, dẫn đầu có mặt ngay lập tức tại hẻm 778. Họ căng dây, phong tỏa các dãy nhà mặt đường nơi bà L. từng bán bánh mỳ. Trong hẻm, người dân được thông báo chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm lần 2.
Không có lễ xức dầu thánh, cũng không có buổi đọc kinh cuối cùng tại nhà thờ, người Công giáo trong hẻm 778 tiễn biệt tín hữu bằng lời cầu nguyện tại nhà. Họ mang nhiều ưu tư khi thấy cuộc chiến phía trước với dịch bệnh còn phức tạp.
Dẫu biết kết quả xét nghiệm nCoV chỉ mang tính thời điểm, việc các nhân viên y tế phải kéo quân trở lại một con hẻm, lặp lại quy trình xét nghiệm tầm soát cộng đồng chỉ sau hơn 10 ngày, khiến nhiều người hụt hẫng và cả lo lắng.
Văn hóa "Hẻm Sài Gòn", nơi đường ngang ngõ tắt chằng chịt cộng với tần suất đi lại như con thoi của người dân, khiến cho việc khoanh vùng chống dịch gặp vô vàn khó khăn, thành quả tầm soát F0 đôi khi như "dã tràng xe cát".
Niềm tin ở an toàn khu
"Phường 13 đến nay chưa có ca dương tính à chị?", Zing hỏi thăm bà Hoàng Oanh, Trưởng trạm Y tế phường 13, quận Gò Vấp, khi cán bộ y tế này đang chỉ huy lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng chiều 5/6.
Nữ bác sĩ giật mình, đưa tay lên miệng ra dấu hiệu im lặng, như sợ một thế lực vô hình nào đó sẽ phá hỏng đặc ân của phường mình. Ngập ngừng mãi, bà mới xác nhận thông tin trên.
Lực lượng y tế phường 13 trải qua những ngày vất vả nhưng vẫn lạc quan khi chưa phát hiện F0 trên địa bàn. Ảnh: Quỳnh Danh. |
"Phường 6 vừa có F0 rồi này", một nhân viên y tế xem điện thoại rồi nói lớn. Vậy là cả quận Gò Vấp đã có 14 phường ghi nhận ca F0, riêng phường 13 chưa có trường hợp nào. Điều kỳ diệu đó khiến các nhân viên y tế vui mừng nhưng cũng thấp thỏm lo âu.
"Mình chỉ cố gắng hết sức, truy vết, khoanh vùng để không bỏ sót F1, F2. Giờ tứ phía đều là các phường đã có F0 rồi. Bảo phường 13 không có F0 thì sợ nói trước bước không qua", nữ bác sĩ chia sẻ.
Mấy hôm trước, cả trạm y tế phường trải qua phen thót tim khi một công nhân trọ ở phường 13 có kết quả mẫu gộp dương tính. Bà Oanh lập tức điều động lực lượng đến khu trọ và phong tỏa cả con hẻm.
"Rất may sau đó, công nhân này được xét nghiệm mẫu đơn và có kết quả âm tính. Mọi người mừng như xem đá banh mà Việt Nam chiến thắng vậy đó", nữ trạm trưởng nở nụ cười.
Giờ tứ phía là các phường đã có F0. Bảo phường 13 không có F0 thì sợ nói trước bước không qua
Bác sĩ Hoàng Oanh, Trưởng trạm Y tế phường 13, quận Gò Vấp
Giai đoạn F0 tăng nhanh, lực lượng y tế của phường nào phải giam chân ở phường đó để truy vết F0. Nhân viên y tế của phường 13 trở thành lực lượng cơ động, chi viện cho các phường bạn.
"Giúp phường 3 xong, chuẩn bị dắt xe về lại nghe lệnh điều động sang phường 15, chúng tôi không ai nề hà khi nhận việc, bất kể ngày đêm", bác sĩ Oanh nói.
Với việc chưa có F0, phường 13 trở thành "an toàn khu" của quận Gò Vấp. Trung tâm Văn Hóa đặt tại phường này được trưng dụng làm nơi xét nghiệm diện rộng cho cộng đồng.
"Chiến lược của bác Hòa (Bác sĩ Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp - PV) là đánh rộng, đánh bao phủ, lấy mẫu tầm soát tìm F0 và tiếp tục truy vết triệt để", trạm trưởng Hoàng Oanh chia sẻ.
Theo nữ bác sĩ, việc áp dụng chiến lược này đang gặp phải khó khăn là số lượng mẫu cần lấy quá nhiều, khiến khâu xét nghiệm và trả kết quả bị quá tải. "Thời gian đợi kết quả kéo dài, người dân nóng lòng nên mọi người hỏi, nhưng quá nhiều mẫu nên chưa đáp ứng kịp", bà Oanh chia sẻ.
Trong muôn vàn khó khăn, thiếu thốn thời dịch bệnh, việc phường 13 chưa có F0 là niềm cổ vũ tinh thần quý giá cho bà Oanh và các đồng nghiệp.
"Đêm nào chúng tôi cũng thức, chỉ ngủ chừng 2-3 giờ nhưng tinh thần vẫn rất thoải mái, sẵn sàng nhận lệnh chi viện cho phường bạn", nữ bác sĩ bật cười chia sẻ.
Bình luận