Tâm lý chung của số đông luôn muốn chọn máy tính trang bị vi xử lý mạnh nhất. Intel Core i5 và i7 trở thành ưu tiên hàng đầu. Nhưng nên nhớ, mức giá giữa hai dòng này chênh lệch khá lớn, trong khi nhiều người chưa chắc đã sử dụng hết công suất.
Nên chọn vi xử lý i7 hay i5?
|
Tờ Gizmodo vừa đăng tải bài viết so sánh giữa hai bộ vi xử lý i7-7700K xung nhịp 4,5 GHz và i5-7600K 4,2 GHz với thông số kỹ thuật máy tính giống nhau. Kết quả thu được khá bất ngờ. Hầu hết người dùng phổ thông không thể sử dụng hết công suất của i7.
Intel đã định hình phân khúc rõ ràng ngay thời điểm giới thiệu Core i7 và i5 vào năm 2007. Trong khi i5 hướng tới tập khách hàng bình dân thì i7 lại là dòng sản phẩm cao cấp. Dành thêm ít tiền, người dùng có được bộ xử lý nhanh, mạnh hơn.
Sự vượt trội của i7 không nằm ở chỉ số xung nhịp mà ở khả năng siêu phân luồng hiệu quả. Thời kỳ đầu phát triển máy tính cá nhân, nếu muốn tăng tốc máy tính, người dùng phải thêm CPU bổ sung.
Chip của Intel có cấu tạo đa lõi nên khả năng xử lý hiệu quả như có thêm CPU vậy. Hệ thống sẽ xử lý song song các tác vụ thay vì tuần tự. Thiết kế siêu phân luồng của Core i7 cho phép nó làm việc nhanh gấp 2 lần i5.
Nhưng với những tác vụ thông thường, i7 chẳng hơn i5 là mấy ngoại trừ các công việc mang tính chuyên biệt như thiết kế đồ họa 3D, dựng phim hay xử lý kỹ thuật cao.
Các công việc chuyên môn
Thiết kế đồ họa dựng đối tượng ba chiều (render) trở thành thử thách lớn cho bất kỳ bộ vi xử lý máy tính nào. Chuyển đổi tập tin, dự án 3D hoặc sản xuất video độ phân giải cao có thể khiến hệ thống huy động hết công suất làm việc, qua đó đánh giá đúng chất lượng của phần cứng.
So sánh khả năng xử lý 3D.
|
Với khả năng siêu phân luồng, i7 tỏ ra vượt trội hơn so với i5 về khoản này. Khi dựng đối tượng 3D bằng phần mềm Blender, i7 nhanh hơn người anh em của mình những 4 phút 39 giây. Còn nếu xử lý tập tin 4K bằng Handbrake, i7 hoàn thành xong trước i5 tới 4 phút 5 giây.
Công việc thường ngày
Nhưng không phải ai cũng xử lý hàng gigabyte dữ liệu mỗi ngày. Thay vào đó, họ lướt web, xem phim, chỉnh sửa ảnh đơn giản hoặc làm việc trên bảng tính.
Với những công việc thường ngày, giữa i5 và i7 không có nhiều khác biệt.
|
Với các hoạt động thường ngày như vậy, i7 chẳng khác mấy so với i5. WebXPRT là công cụ giả lập tác vụ lướt web nổi tiếng. Nó mô phỏng lại các đối trượng trực tuyến, thực hiện các phép tính, sửa ảnh hoặc tải trang. Thử nghiệm bằng WebXPRT cho thấy, i7 đạt 564 điểm, không hơn nhiều mức 553 của i5. Có nghĩa rằng, hai bộ vi xử lý khá ngang sức ở tác vụ duyệt web và các công việc cơ bản trên máy tính.
Thử nghiệm cũng bao gồm việc thay đổi kích thước ảnh RAW và chuyển sang định dạng JPEG. Nếu xử lý 20 ảnh RAW, i7 chỉ nhanh hơn vỏn vẹn 3 giây, trong khi chi phí khách hàng phải bỏ ra hơn 100 USD so với i5.
Chơi game
Trong bài thử nghiệm chơi game, i7 thêm một lần nữa cho thấy, khách hàng không cần cần phí thêm tiền để nâng cấp lên dòng sản phẩm này. Tốc độ xung nhịp chỉ giúp ích ở phần xử lý ảnh 3D, nhưng máy tính chơi game thường sử dụng card đồ họa rời.
Thử nghiệm khả năng chơi game giữa i5 và i7.
|
Core i7 không đảm nhiệm tất cả công việc xử lý đối tượng 3D mà chuyển cho GPU. Trong game Civilization VI, thời gian chuyển khung hình chỉ chênh nhau 1,4 giây. Trong khi điểm số phần trí thông minh nhân tạo có khoảng cách không đáng kể.
Thử nghiệm với trò chơi Rise of the Tomb Raider, tốc độ chuyển đổi trên i5 là 18,43 khung hình/giây, còn ở i7 là 18,33 khung hình/giây. Chênh lệch nhỏ như vậy không thể nhận thấy bằng mắt thường. Điều đó càng chứng minh, game thủ không cần tới i7.
Từ những so sánh kể trên, có thể kết luận rằng, i7 chỉ phù hợp với một nhóm người dùng nhỏ như nhà biên tập phim, kỹ sư, kiến trúc sư, thiết kế 3D. Nếu chỉ lướt web, chơi game và làm việc văn phòng, bạn chỉ cần i5 là đủ.