Bạn có thể đổ lỗi cho kinh tế hay các thiết bị cạnh tranh như máy tính bảng. Nhưng điều cơ bản là trong những năm gần đây, nhiều người không còn thấy sự khác biệt nhiều giữa một chiếc laptop đã dùng 5 năm với model mới. Ai muốn bỏ ra một số tiền lớn trên chục triệu đồng để mua cái gì đó nhanh hơn một chút so với những gì chúng ta đang có?
Tuy nhiên trong năm 2017, nếu bạn thay thế laptop đã cũ khoảng 3 năm, bạn sẽ thấy khác biệt lớn không chỉ ở hiệu suất nhỉnh hơn mà độ phân giải màn hình cũng sẽ sắc nét hơn, có cổng kết nối USB Type C, CPU thế hệ thứ 7 Kaby Lake hay công nghệ mới từ VGA đồ họa tích hợp...
Dưới đây là 10 yếu tố nên có hoặc nên cân nhắc khi mua laptop trong năm 2017, theo tổng hợp của trang Laptopmag.
Cổng kết nối USB Type C, Thunder Bolt 3
Mọi người đều thích USB, cổng kết nối phổ biến nhất để sạc điện thoại và laptop, truyền dữ liệu đến bộ nhớ di động hay kết nối với một số dock khác. Các laptop hiện nay đều sử dụng Type A nhưng năm 2017 sẽ có rất nhiều laptop sử dụng cổng kết nối USB Type C đa năng, có thể dùng để sạc điện, chép dữ liệu hay xuất video sang màn hình lớn. Hơn nữa, cổng USB Type C không sợ cắm ngược đầu.
Một số dòng laptop cao cấp khác sử dụng chuẩn Thunderbolt 3 sử dụng kết nối USB type C và có thể tương thích với các thiết bị dùng Type C nhưng hỗ trợ phụ kiện Thunderbold tốc độ nhanh hơn. Với Thunderbold 3, bạn có thể kết nối 2 màn hình 4K qua một sợi cáp, truyền dữ liệu đến ổ lưu trữ di động với tốc của ổ SSD hay kết nối với card đồ hoạ bên ngoài để hỗ trợ chơi game.
Màn hình độ phân giải cao hơn
Vài năm trước, đa phần laptop phổ thông đều sở hữu màn hình độ phân giải 1.366 x 768 pixel. Ở độ phân giải này, không chỉ hình ảnh bị rạn mà màn hình không hiển thị được nhiều text, phải cuộn trang nhiều hơn khi đọc báo hay xử lý văn bản dài.
Hiện nay, bạn có thể dễ dàng tìm laptop màn hình Full HD hoặc thậm chí cao hơn với giá dễ chịu, khoảng 8-10 triệu đồng. Màn hình độ phân giải cao giúp hiển thị được nhiều nội dung và xem phim sắc nét hơn. Nếu đầu tư thêm chút nữa, bạn có thể tìm các laptop màn hình 4K như mẫu Dell XPS 15.
Màn hình OLED
Sau khi nhìn vào smartphone, bạn sẽ có cảm giác màn hình của laptop vừa mờ vừa đục. Các smartphone tốt trên thị trường hiện nay như dòng Galaxy S cao cấp của Samsung hay chiếc Google Pixel đều dùng màn hình OLED tạo ra dải màu rộng hơn cả dải màu sRGB tiêu chuẩn, khiến hình ảnh trên màn hình trông nịnh mắt và rực rỡ hơn thực tế.
Hiện tại, mới chỉ có vài laptop sử dụng màn hình OLED như Alienware 13 và Yoga Thinkpad X1. Hy vọng rằng trong năm 2017 tới đây sẽ có thêm nhiều dòng laptop sử dụng màn OLED.
Chip Intel thế hệ thứ 7: Kaby Lake
Intel, hãng sản xuất chip máy tính hàng đầu, vừa nâng cấp bộ vi xử lý thế hệ mới mang tên Kaby Lake, là thế hệ thứ 7 của dòng chip Core. Vi xử lý này không chỉ nhanh hơn chút so với vi xử lý SkyLake có trên laptop cách đây khoảng 3 năm mà còn hứa hẹn sẽ tiêu hao điện năng ít hơn và khả năng xử lý video 4K. Bạn có thể nhận biết laptop sử dụng chip Kaby Lake thông qua số series sử dụng số 7 ví dụ như Core i5-7200U.
SSD chuẩn PCIe x4
Cách đây vài năm khi ổ HDD vẫn thịnh hành thì SSD vẫn còn khá đắt. Ưu điểm của SSD là tốc độ vượt trội. Bạn có thể cảm nhận sự khác biệt rõ nhất khi khởi động máy tính với HDD truyền thống phải mất hơn một phút trong khi SSD chỉ vỏn vẹn 10 giây.
Ngày nay SSD đã có giá thành rẻ hơn, phổ biến hơn trước rất nhiều. Trên một số dòng laptop cao cấp còn được trang bị ổ SSD sử dụng giao tiếp PCIe X4, đôi khi được gọi là NVMe hoặc PCIe SSD với hiệu năng cao, tốc độ đọc và ghi tương ứng 1.400 MB/s và 1.000 MB/s. Nếu như khả năng tài chính cho phép, hãy lựa chọn loại ổ SSD này.
Card đồ họa Nvidia công nghệ Pascal
Nếu bạn muốn chơi game cấu hình cao hay các game VR sử dụng HTC Vive hay Oculus Rift thì các laptop đời cũ cách đây 3-4 năm không thể đáp ứng được nhu cầu. Bạn cần có laptop tích hợp chip đồ họa mạnh như chip đồ hoạ Pascal của Nvidia. Hãy tìm những laptop tích hợp đồ hoạ GTX của Nvidia có số 10 ở đầu số model: chẳng hạn như GTX1050 ở phân khúc thấp hay GTX 1080 ở phân khúc cao.
Các chip Pascal cho phép bạn chơi các tựa game AAA (game bom tấn) ở tốc độ khung hình ở cấp máy tính bàn. Thậm chí, các chip Pascal cấp thấp cũng có thể xử lý các ứng dụng VR cao cấp dễ dàng. Nói chung, nếu mua laptop chơi game thì Pascal là thứ cần có.
Laptop đa năng 2 trong 1
Khi bạn cần gửi email, làm việc trên Word hay xử lý công việc văn phòng thì không có gì tốt hơn laptop với bàn phím và bàn di cảm ứng. Tuy nhiên, khi đi máy bay muốn xem phim hay lướt Facebook thì chắc hẳn bạn muốn có một chiếc máy tính bảng. Thế hệ laptop 2 trong 1 mới hiện nay đáp ứng được cả 2 nhu cầu đó: laptop có thể gấp để trải nghiệm như máy tính bảng.
Chuẩn Wi-Fi 802. 11AC
Hiện nay, hầu hết laptop hỗ trợ Wi-Fi chuẩn 802.11ac, chuẩn kết nối không dây mới có tốc độ nhanh hơn từ 3 đến 10 lần với chuẩn cũ, nhất là khi bạn sử dụng cách xa router. Tuy vậy, để tận dụng tốc độ vượt trội của 802.11ac, bạn cần có router hỗ trợ băng tầng tương ứng. Các router này có giá khởi điểm khoảng 2 triệu đồng trở lên. Nếu bạn để ý thì đa phần smartphone ra mắt trong 12 năm gần đây đều hỗ trợ bắt Wi-Fi chuẩn 802. 11ac.
RAM 8 GB trở lên
Vài năm trước, mua laptop 4 GB RAM được coi là khủng thì bây giờ 8 GB đã trở nên phổ thông và thậm chí một số laptop 16 GB cũng có giá tương đối hợp lý.
Với 8 GB RAM, bạn có thể sử dụng đa nhiệm các chương trình rất tốt, mở hàng chục tab trình duyệt trong khi xem phim, chơi game và soạn email. Nếu bạn sử dụng quá nhiều tác vụ trên laptop ít RAM, máy tính sẽ chậm do nó phải dùng ổ cứng hoặc ổ SSD làm bộ nhớ ảo.
Camera hồng ngoại cho tính năng Windows Hello
Bây giờ bạn có thể đăng nhập máy tính Windows 10 chỉ đơn giản bằng cách nhìn vào màn hình. Tính năng này được gọi là Windows Hello và để sử dụng nó, bạn cần laptop có camera hồng ngoại như Intel RealSense 3D chẳng hạn. Bạn cũng có thể sử dụng Windows Hello với laptop hỗ trợ cảm biến vân tay.