Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đừng nghĩ là Thủ tướng không biết, cưa đôi tôi cũng biết'

Gỡ bỏ các rào cản, giải phóng sức sản xuất, thống nhất ý chí phát triển đất nước... là những điểm chính toát lên từ Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016.

  • * Thủ tướng: "Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế" 

  • VCCI đề nghị 5 năm quốc gia khởi nghiệp

  • Ông Trần Bắc Hà: Dưới luật chỉ nên có 1 nghị định, bỏ thông tư

  • Saigon Coop xúc tiến mua lại Big C

  • Cho hàng không tư nhân tham gia quy hoạch hạ tầng sân bay

     

Kết luận Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam - động lực phát triển của kinh tế đất nước”, hôm nay 29/4, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc thanh kiểm tra cần hướng đến mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không phải chỉ cứ nhằm nhằm vào sai phạm. “Đừng nghĩ là Thủ tướng không biết, cưa đôi chúng tôi cũng biết", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho rằng cần nhìn nhận thực chất bức tranh hiện tại là chúng ta đã nỗ lực nhiều, hành động nhiều, nhưng môi trường đầu tư kinh doanh hiện tại của chúng ta vẫn chưa thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ra đời và phát triển. 

Không sớm nắng chiều mưa về chính sách

Nhà nước kiến tạo, cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp, lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng lưu ý DN phải xây dựng được chiến lược hội nhập của mình, xây dựng văn hóa hội nhập, văn hóa doanh nhân, gìn giữ liêm chính trong phát triển. DN phải chủ động, sáng tạo, "phải tự cứu mình trước khi trời cứu".

Thủ tướng nhấn mạnh, Nhà nước sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng, bảo đảm quyền kinh doanh của DN theo quy định của pháp luật. DN được hoạt động kinh doanh tất cả các loại hình, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. 

Tất cả các DN không phân biệt quy mô, loại hình (ngoại trừ một số DN an ninh, quốc phòng), thành phần kinh tế đều bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai, thị trường và cơ hội kinh doanh. Đồng thời, Nhà nước bảo đảm sự ổn định lâu dài của chính sách, để DN yên tâm bỏ vốn đầu tư, “không sớm nắng chiều mưa về chính sách”.

Hoi nghi thu tuong va doanh nghiep anh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại diện các doanh nghiệp dự Hội nghị. Ảnh: VG

P.

Coi doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển kinh tế

Đặc biệt, Chính phủ sẽ bảo đảm kinh tế vĩ mô, môi trường hòa bình, thuận lợi cho DN phát triển. Các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành chính sách phải quy định rõ ràng. Người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm đến cùng quyết định của mình. Các quy định về điều kiện phải minh bạch, lượng hóa được, dễ hiểu để nhà đầu tư, DN tự đánh giá được để tuân thủ.

Các quy định phải nhận khó khăn về cơ quan nhà nước, tạo ưu tiên cho người dân và DN, theo tinh thần Nhà nước kiến tạo, cung cấp dịch vụ cho người dân và DN, lấy người dân và DN làm đối tượng phục vụ.

Thủ tướng nêu rõ, DNNVV có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập của xã hội, khơi nguồn đổi mới, sáng tạo trong kinh doanh nên cần có chính sách riêng để nhóm DN này phát triển hội nhập. Đảng, Nhà nước “coi DN tư nhân là động lực phát triển kinh tế”.

Ngăn chặn việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ ngăn chặn việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư sản xuất kinh doanh.

Chính phủ luôn bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hội nhập, tạo nên niềm tự hào “Made in Việt Nam”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Nhà nước sẽ giảm dần, tiến tới loại bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý. Phải bỏ hết những quy định cũ trái với quy định của luật đã được Quốc hội thông qua...

Doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế đất nước. Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Thủ tướng khẳng định: Chính phủ luôn bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hội nhập, tạo nên niềm tự hào “Made in Việt Nam”.

Hội nghị diễn ra ngày 29/4, tại Hội trường Thống Nhất, TP HCM theo hai hình thức, trực tiếp (khoảng 500 đại biểu tham dự) và trực tuyến với 63 điểm cầu.

Dự hội nghị có các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng;

Cùng dự hội nghị còn có: Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm; các đại biểu: Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương... và đại diện hàng trăm doanh nghiệp trong cả nước…

Sau phiên làm việc buổi sáng, buổi chiều Thủ tướng sẽ họp với các Bộ, ngành, địa phương để giải quyết các kiến nghị chưa được giải quyết trước hội nghị và ngay tại hội nghị. Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề về doanh nghiệp với tên gọi “Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trở thành động lực phát triển kinh tế của đất nước”.

 

  • Hội nghị bắt đầu lúc 8h, Thủ tướng chủ trì. 4 Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng tham dự.

    Cùng dự hội nghị còn có Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm; các đại biểu: Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương... và đại diện hàng trăm doanh nghiệp trong cả nước… 

  • "Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế" 

    Đây là thông điệp được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ngay trong bài phát biểu đầu hội nghị. "Tinh thần của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là thực hiện đúng Hiến pháp, đổi mới cách lãnh đạo. Chính phủ và các cơ quan bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của doanh nghiệp, của công dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu chiếm lĩnh thị trường quốc tế.

    Vì vậy phải tháo gỡ mọi rào cản, chống tiêu cực, chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước và tinh thần lớn nhất là 'không hình sự hóa các quan hệ kinh tế'", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

  • Những phát ngôn ấn tượng về kinh doanh của Thủ tướng:

    http://news.zing.vn/thu-tuong-cua-quyen-can-tro-san-xuat-ghe-lam-post645813.html

  • 500 doanh nghiệp tham dự cuộc gặp với Thủ tướng

    300 doanh nghiệp tham dự

    Cuộc gặp giữa Thủ tướng với doanh nghiệp được truyền hình vừa trực tiếp vừa trực tuyến, tại điểm cầu Hội trường Thống nhất TP HCM.

    Số doanh nghiệp dân doanh tham dự là 300, 50 doanh nghiệp FDI và 20 hiệp hội doanh nghiệp như AmCham, Eurocham, Phòng Thương mại Hàn Quốc, Nhật Bản… tham dự.

    Mỗi điểm cầu tại 62 tỉnh thành có 50-100 đại diện doanh nghiệp tham dự. 

  • Hoi nghi thu tuong va doanh nghiep anh 2

    Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc, trò chuyện với các đại biểu trước giờ khai mạc Hội nghị. Ảnh: VGP.
  •  5 năm quốc gia khởi nghiệp

    "5 năm tới nên được xác định là 5 năm quốc gia khởi nghiệp. 5 năm cả nước tập trung toàn lực phát triển doanh nghiệp", Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu. Ông cho biết trước hội nghị, VCCI có báo cáo gần 200 trang về thực trạng, giải pháp kiến nghị với Thủ tướng, các Bộ ngành.  

    Các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp được ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, tóm tắt: 

    -          Giảm thiểu các rủi ro và chi phí về hành chính

    -          Giảm lãi suất thực, giải quyết nợ xấu thực chất

    -          Đẩy mạnh cải cách, minh bạch hệ thống thu chi

    -          Cắt giảm thuế, phí, bỏ thuế khoán thay vào đó là thuế TNDN, TNCN, miễn thuế môn bài

    -          Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường

    -          Ban hành chương trình thúc đẩy khởi nghiệp, chuyển hoạt động kinh tế phi chính thức sang chính thức

    -          Xóa chế độ chủ quản của các bộ ngành, chính quyền địa phương với DNNN

    Hoi nghi thu tuong va doanh nghiep anh 3

  • Đề nghị Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

    Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đề nghị Chính phủ 8 nội dung:

    Triển khai xây dựng trình Quốc hội ban hành Luật hỗ trợ DNNVV, kiện toàn tổ chức chỉ đạo hỗ trợ DNNVV

    Xây dựng Luật về hội; xây dựng chương trình khởi nghiệp quốc gia

    Tạo cơ chế khuyến khích các hiệp hội, nhà đầu tư xây dựng kho ngoại quan cho DNNVV, tạo hậu thuẫn bằng cơ chế: giảm thuế, lãi suất tái cấp vốn

    Có chương trình ưu đãi DNNVV tham gia chuỗi sản xuất; tạo cơ chế phát triển kênh phân phối

    Tạo cơ chế khuyến khích phát triển các khu cụm công nghiệp đủ cơ sở hạ tầng cho DNNVV

    Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT trong cung cấp dịch vụ công… 

  • Doanh nghiệp Mỹ lo ô nhiễm

    Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmchamVietnam) đánh giá cao việc Việt Nam đã tham gia TPP, đại diện AmchamVietnam bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục tiến trình cải cách hành chính để thực thi TPP trong thời gian tới. Chỉ ra vấn đề giao dịch tiền mặt và những phiền hà về thủ tục, giấy tờ là nguyên nhân dẫn tới tham nhũng, AmchamVietnam đề nghị hợp tác với Chính phủ để thúc đẩy tiến trình minh bạch hóa các thủ tục hành chính. Hơn nữa, AmchamVietnam cũng mong muốn Việt Nam tiếp tục áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu về kế toán, để doanh nghiệp VN tiến tới các chuẩn mực kế toán quốc tế; cải cách thủ tục thuế và hải quan, thúc đẩy minh bạch để giúp doanh nghiệp phát triển. Bày tỏ lo ngại về hệ quả của biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng, Amcham Vietnam hoan nghênh Quốc hội Việt Nam đã thông qua luật về môi trường, cũng như việc Chính phủ có kế hoạch phát triển năng lượng và tiết kiệm năng lượng. Cuối cùng, đại diện Amcham Vietnam mong muốn Chính phủ sẽ tạo hành lang để giảm chi phí, rủi ro cho doanh nghiệp để đảm bảo kinh tế tư nhân và toàn bộ nền kinh tế VN khởi sắc..
  • Dưới luật chỉ nên có 1 nghị định, bỏ thông tư

    "Dưới luật chỉ nên có 1 nghị định, bỏ thông tư. Chính thông tư đẻ ra giấy phép con", Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà đề xuất. Ông Hà cho rằng phải xử lý nghiêm tình trạng cán bộ nhũng nhiễu. Ý kiến này nhận được sự hưởng ứng của các đại biểu doanh nghiệp tham dự.

    Đánh giá sức khoẻ doanh nghiệp hiện nay ông Hà nói: "Doanh nghiệp xác sống của Việt Nam rất nhiều". Sau khi được đề nghị nói ngắn gọn hơn, ông Hà nói:"Doanh nghiệp chúng em chờ hơn 3 năm chưa có thị trường mua bán nợ, đề nghị anh Huệ (Phó thủ tướng Vương Đình Huệ) tạo điều kiện".

    Kết thúc bài phát biểu ông Hà nói: "Tôi rất mong muốn tổng quan chính sách nhà nước như một dàn nhạc, mà trong đó thủ tướng là nhạc trưởng, các bộ ngành là nhạc công và doanh nghiệp chúng tôi là ca sĩ. Tôi hi vọng trong những năm tới chúng ta sẽ phối hợp nhuần nhuyễn để chơi một bản nhạc bất hủ.

    Hoi nghi thu tuong va doanh nghiep anh 4

  • Hoi nghi thu tuong va doanh nghiep anh 5


    Các doanh nghiệp xếp hàng chờ qua cổng an ninh trước hội nghị. Ảnh: Lê Quân.
  • Sau ý kiến của ông Trần Bắc Hà, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: " Trình bày quá thời gian nhưng anh Hà lại tuyên bố ngân hàng có thể giảm 50 điểm % lãi suất ngắn hạn cho các DN, chúng ta hoan nghênh ý kiến này".

  • Hoi nghi thu tuong va doanh nghiep anh 6
  • Đề nghị Chính phủ hỗ trợ những doanh nghiệp làm ăn chân chính

    Một cộng đồng doanh nghiệp mạnh, một nền kinh tế mạnh

    Ông Trần Bá Dương- Chủ tịch HĐQT Công ty ôtô Trường Hải đề nghị Chính phủ hỗ trợ những doanh nghiệp làm ăn chân chính nhưng gặp khó khăn do yếu tố khách quan. “Hiện, hội nhập đã cận kề, thế hệ cộng đồng và doanh nghiệp đang gánh vác sứ mệnh trong bối cảnh hội nhập nhiều khó khăn thách thức. Nếu chúng ta không hoàn thành thì thế hệ sau rất khó khăn tiếp nối sự nghiệp” – ông Dương nói.

    Từ đề nghị trên, Chủ tịch HĐQT Công ty ôtô Trường Hải bày tỏ mong muốn Chính phủ phát huy vai trò, định hướng, kiến tạo và điều hành nền kinh tế tạo thuận lợi để doanh nghiệp là động lực phát triển nền kinh tế, để có một cộng đồng doanh nghiệp mạnh, một nền kinh tế mạnh.

  • Trước đề nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, khi chúng ta hội nhập sâu thì chúng ta chấp nhận những hạn ngạch, dòng thuế giảm...

    Vì vậy ôtô Trường Hải nên chủ động đầu tư 30 nhà máy ôtô các loại, tỷ lệ nội địa hóa cao. 

  • "Chúng ta làm sao cứ buôn bán ôtô mãi được. Nếu không chủ động chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

  • Hoi nghi thu tuong va doanh nghiep anh 7
    Giới doanh nhân hào hứng với cuộc gặp mặt. Ảnh: Lê Quân.

  • Saigon Coop xác nhận muốn mua lại Big C

    Saigon Coop đã muốn mua lại Big C

    Nhấn mạnh vai trò quan trọng của thị trường bán lẻ, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, ông Diệp Dũng - đại diện Hợp tác xã Thương Mại Saigon Coop đề nghị Chính phủ có giải pháp hỗ trợ, bảo vệ thị phần, DN bán lẻ trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế; xây dựng chiến lược quốc gia phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam; xây dựng phát triển nhóm 20 DN bán lẻ Việt Nam có thực lực, sẵn sàng cạnh tránh; cải tiến quy định về mua bán sáp nhập;…

    “Vừa rồi, Saigon Coop đã muốn mua lại Big C Việt Nam và dã vào vòng đàm phán cuối cùng với một đơn vị của Thái Lan. Nhưng phía bán cũng nêu khó khăn là thương vụ này được mua bán bởi công ty nước ngoài đặt ở Châu Âu, họ lo ngại liệu Sài Gòn Coop có xin được giấy phép hay không? Chúng tôi nghĩ rằng sẽ được ủng hộ, nhưng phía bạn lo âu và đã đặt chúng tôi vào tình thế khó khăn hơn đối thủ cạnh tranh” – ông Diệp Dũng nói.

  • Ngay sau đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông tin, không nơi nào như TP HCM, một đại diện hợp tác xã lại là thành ủy viên.

    “Tôi nói thế để các tỉnh quan tâm tới vấn đề này, đại diện hợp tác xã ở các tỉnh có được vào cấp ủy không? Không nên coi nhẹ hợp tác xã. Đối với kiến nghị của anh Diệp Dũng, tôi giao cho Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư xử lý, nhanh chóng để doanh nghiệp triển khai thuận lợi thương vụ”, Thủ tướng nói.

  • Cho hàng không tư nhân tham gia quy hoạch hạ tầng sân bay

    Tổng giám đốc Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, sau khi liệt kê những thành công của doanh nghiệp, thì kêu khó và đề xuất một số ý kiến.

    - Ngành hàng không mới mở cửa còn nhiều rào cản, vướng mắc trong cơ chế độc quyền, mong được giải tỏa ở các cấp, tháo gỡ khúc mắc trong cơ chế điều hành, vận hành…từ cảng sân bay, xuất nhập cảnh tới kiểm dịch…

    - Toàn bộ cơ sở hạ tầng như nhà ga, dịch vụ mặt đất, sửa chữa tàu bay…hiện các hãng hàng không như Vietjet đều phải đi thuê hoặc mượn dịch vụ của các đơn vị khác. Đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông thúc đẩy việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về vấn đề này, tạo điều kiện cho các hãng hàng hàng không tư nhân được tham gia vào việc quy hoạch hạ tầng sân bay, nhà ga, cho phép hàng không tư nhân được góp sức nhiều hơn vào các dự án cải tạo hạ tầng, các chương trình cổ phần hóa, tư nhân hóa trong lĩnh vực giao thông vận tải, tham gia các chương trình đào tạo nhân lực cho ngành hàng không…

    - Xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh để các doanh nghiệp tư nhân phát huy tốt hơn nữa, từ đó có nhiều đóng góp cho xã hội. 

    - Tạo điều kiện, có cơ chế để các doanh nghiệp tư nhân như Vietjet được sử dụng lao động nước ngoài.

    Hoi nghi thu tuong va doanh nghiep anh 8

    Bà Nguyễn Phương Thảo, tổng giám đốc Vietjet Air.

  • Hãy coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ

    Bà Mai Kiều Liên, tổng giám đốc Vinamilk, kiến nghị nâng cao tính liên thông, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, hạn chế ban hành nghị định để bổ sung giấy tờ cho doanh nghiệp. 

    Về hải quan, bà cho biết cần rà soát hải quan, có liên kết khi xử lý hồ sơ, hạn chế 2 cơ quan cùng xử lý 1 đầu việc. 

    Với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, CEO Vinamilk kiến nghị cần xem xét quy định về xử lý chất thải trong chăn nuôi. Ngoài ra, những quy định quy chế, thông tư là làm DN tốt thì nên giữ nguyên, tránh bất ổn. 

    Bà Mai Kiều Liên gửi gắm đến các cơ quan chức năng: "Hãy coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, chứ không phải đối tượng quản lý. Nếu có môi trường tốt, cạnh tranh bình đẳng thì doanh nghiệp Việt Nam phát triển không kém doanh nghiệp trên thế giới". 

    Hoi nghi thu tuong va doanh nghiep anh 9

    Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk.
  • "Quy hoạch ngành dệt may đến 2020 đã lỗi thời"

    Nếu không điều chỉnh mức đóng bảo hiểm xã hội khó cạnh tranh với các nước 

    Nêu lên áp lực và thách thức trước quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, đại diện Hiệp hội dệt may Việt Nam kiến nghị Chính phủ nên triển khai giải pháp điều chỉnh quy hoạch ngành dệt may may tới 2035-2040 vì quy hoạch ngành tới 2020 đã lỗi thời. 

    Xây dựng quy hoạch ngành gắn với các khu công nghiệp tập trung để gắn với xử lý nước thải để gắn với sự phát triển bền vững. 

    “Trong ngành dệt may, không nên đưa ra cùng một chỉ tiêu xử lý môi trường giống nhau. Có doanh nghiệp chỉ có 400 công nhân nhưng phải đầu tư một nhà máy xử lý lên tới vài tỷ bạc, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Trong khi đó doanh nghiệp may không giống như các doanh nghiệp dệt, họ chỉ sử dụng nước sinh hoạt bình thường” – đại diện Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết. 

    Cuối năm 2016, hàng loạt khách hàng của chúng tôi đã chuyển đơn hàng đi Lào và Myanmar khi họ được ưu đãi về thuế. Nhiều đơn hàng của chúng ta đã bị chuyển, vì thế lương tăng tối thiếu là áp lực nặng nề với nền dệt may Việt Nam. 

    Ngay Trung Quốc từ 1/5 họ đã điều chỉnh lương bảo hiểm xã hội từ 22% xuống 19%, nếu không điều chỉnh khó có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực, nhất là Trung Quốc.

  • "Cộng đồng doanh nghiệp rất ức chế về việc kiểm tra liên tục của các đoàn từ môi trường, thuế, bảo hiểm… Đề nghị nên gom lại việc kiểm tra thành 1-2 đợt trong một năm để đoanh nghiệp chuẩn bị", đại diện Hiệp hội Dệt may.

  • Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM đề nghị thận trọng khi sửa đổi Thông tư 36, giảm 50% thôi đừng giảm xuống 40%, vẫn giữ hệ số rủi ro như hiện nay.

    Đề nghị sửa đổi từ “đất ở” thành “đất” trong luật nhà ở. Ông cho rằng cần công bằng với doanh nghiệp bất động sản vì hầu hết ngành nghề được phép bù trừ còn kinh doanh bất động sản thì không. Doanh nghiệp không được lấy lợi nhuận trong kinh doanh bất động sản để xử lý các hoạt động khác bị thua lỗ. Quy định này theo ông Châu là lỗi thời, chưa phù hợp với các điều ước quốc tế.

  •  

    Video Phần 1 Hội nghị Doanh nghiệp Việt Nam năm 2016.

  • 'Sẽ xem xét phản ánh thuế 'ăn' 40% lợi nhuận doanh nghiệp'

    'Sẽ xem xét phản ánh thuế 'ăn' 40% lợi nhuận doanh nghiệp'

    Sau giờ giải lao, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là người phát biểu đầu tiên. Lãnh đạo Bộ Tài chính cam kết sẽ cải thiện quy trình thuế, hải quan, cơ chế 1 cửa và nhấn mạnh việc đào tạo cán bộ về năng lực, đạo đức. “Quy định tốt, cán bộ không tốt thì tổ chức thực hiện vẫn nhiều ách tắc”, ông Dũng phát biểu. Tuy nhiên, theo ông, các bộ ngành cũng cần đồng bộ với Bộ Tài chính. Vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, theo ông là quan trọng nhất.Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ sẽ nghiên cứu phản ánh “thuế ăn 40,7% lợi nhuận doanh nghiệp” và có đề xuất đảm bảo mức nộp thuế của Việt Nam công bằng, bình đẳng, phù hợp các nước trong khu vực.

    “Mọi khó khăn đều kêu do thuế liệu có công bằng không. Thuế cơ bản hiện nay về 0% sao chúng ta không xuất khẩu được thì cần nhìn lại các giải pháp. Không thể cứ kinh doanh lỗ, không xuất khẩu được là đổ cho thuế, cần có đánh giá công bằng”, ông Dũng phát biểu.

    Cuối cùng, tư lệnh ngành Tài chính đề nghị cần có sự minh bạch, kiểm tra giám sát công tác cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan. Đây là động lực để ngành thuế, tài chính, hải quan nhìn nhận lại. Ông cam kết sẽ lắng nghe đầy đủ ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để điều chỉnh.

  • Các ngân hàng sẽ đồng loạt giảm lãi suất

    Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cam kết hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN nhằm tạo ra hiệu quả sản xuất kinh doanh cao nhất.

    Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay, thời gian tới NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Mới đây, NHNN đã họp với các ngân hàng thương mại lớn, yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa chi phí quản lý để giảm lãi suất cho vay. Nhiều ngân hàng lớn đã cam kết giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, trung hạn trong thời gian tới...

    “Sau cuộc họp ngày hôm nay, các ngân hàng thương mại cổ phần lớn sẽ công bố chương trình giảm lãi suất để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn. NHNN cũng sẽ điều hành tỉ giá linh hoạt, ổn định tỉ giá và thị trường ngoại tệ. Đồng thời đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống...” – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho hay.

  • Từ địa chỉ email trandan..., một độc giả Zing.vn cho biết, cả doanh nghiệp và nhiều Bộ ngành khá thẳng thắn trong cuộc gặp gỡ, đối thoại đang diễn ra. Là chủ một doanh nghiệp nhỏ, độc giả này cho biết kỳ vọng sau cuộc họp này, các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính trong kinh doanh được giảm thiểu.

  • Hoi nghi thu tuong va doanh nghiep anh 10
    Đầu cầu Thái Nguyên. 
  • Giúp người dân có thể dễ dàng đăng ký kinh doanh qua mạng

    Các cam kết của Bộ Công Thương được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ:

    - Trong năm 2016, Bộ Công Thương sẽ đưa 52 dịch vụ hành chính công lên cấp độ 3 – 4 để người dân có thể dễ dàng đăng ký kinh doanh qua mạng. 

    - Về hội nhập, trong năm 2016, Bộ Công Thương sẽ tổ chức lại các chương trình giới thiệu, cung cấp thông tin để các doanh nhân, người dân có điều kiện nắm bắt kịp thời các cơ hội từ đó có chiến lược cạnh tranh, khai thác hiệu quả cơ hội việc hội nhập mang lại. 

    - Về bán buôn, bán lẻ, Bộ trưởng cho hay Bộ Công Thương đang phối hợp với các Bộ xây dựng chiến lược bán lẻ. Chính phủ cũng ưu tiên, quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước trong bối cảnh chúng ta mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường. 

    “Chúng ta sẽ có cơ chế để xem xét cấp phép cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam”, Bộ trưởng khẳng định.

    - Với việc phát triển thị trường ôtô, tới đây, Bộ Công thương sẽ có cơ chế phù hợp để phát triển thị trường nhiên liệu.

    - Về ngành dệt may, trong năm 2016 Bộ sẽ xây dựng, quy hoạch lại. Thông tư 37 được xây dựng nhằm ngăn chặn các hàng dệt, sản phẩm sợi có chất lượng kém, có hóa chất độc hại ở thị trường Việt, nhưng chưa phù hợp với thực tiễn. 

  • Sau phần phát biểu của Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, những cam kết của Bộ Xây dựng là rất tốt, hướng đến tháo gỡ những khó khăn và chồng chéo trong quá trình áp dụng các luật và văn bản dưới luật mà đối tượng ảnh hưởng trực tiếp là doanh nghiệp. 

    "Không chỉ đối với Bộ Xây dựng mà yêu cầu các Bộ trưởng khác phải phát huy vai trò cá nhân của mình trong diều hành, kết nối tháo gỡ những khó khăn bất cập cho doanh nghiệp, từ đó đưa doanh nghiệp đồng hành cùng nền kinh tế của đất nước.Vai trò của bộ trưởng là rất quan trọng", ông nói.

  • “Điều quan trọng nhất, chúng tôi muốn các Bộ ngành, cấp chính quyền cam kết thực hiện, đề nghị doanh nghiệp đồng hành, không chỉ là ‘đi cùng nhau’ mà phải ‘cùng nhau tháo gỡ’, doanh nghiệp không chỉ ‘kêu’ mà cần kiến nghị giải pháp, nghiên cứu pháp luật, có tình lý. Mong các doanh nghiệp sát cánh với chúng tôi như vậy”, phát biểu của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận được tràng pháo tay từ các đại biểu tham dự.

    Hoi nghi thu tuong va doanh nghiep anh 11
  • Bộ trưởng Công an khẳng định không có khái niệm và chủ trương hình sự hóa

    Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, sắp tới sẽ chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. 

    Cụ thể, sẽ tham mưu với Chính phủ bổ sung sửa đổi quy định pháp luật theo hướng tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đồng thời tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Trước hết là sửa điều kiện về an ninh trật tự đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quy định cụ thể hơn về điều kiện, thời điểm thẩm định, hình thức nộp hồ sơ. 

    Đồng thời tiếp tục cải cách hành chính trong quản lý nhà nước về an ninh trật tự; bảo đảm an ninh kinh tế, đẩy mạnh cung cấp thông tin cho DN khi lựa chọn đối tác đầu tư; tiếp tục đấu tranh có hiệu quả với tội phạm kinh tế nhất là đối tượng buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. 

    Bộ tập trung đấu tranh tội phạm hình sự gây mất an toàn kinh doanh. Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định không có khái niệm và chủ trương hình sự hóa. Tuy nhiên, còn tình trạng một số cán bộ do thoái hóa biến hất, không nắm vững pháp luật, không thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ… nên có hành vi vi phạm pháp luật, để xảy ra oan sai, ảnh hưởng tới DN và người dân. 

    Bộ trưởng đề nghị DN tiếp tục phát hiện, cung cấp thông tin để ngăn ngừa, xử lý kịp thời sai phạm của cán bộ, chiến sĩ.

    Hoi nghi thu tuong va doanh nghiep anh 12

    Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

  • Sau phần phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Chính phủ và Bộ Công an không chủ trương hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Hoạt động của lực lượng công an là để phục vụ phát triển, phục vụ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tất cả những vi phạm pháp luật dù là của cá nhân, doanh nghiệp hay của cán bộ, chiến sĩ cũng sẽ được xử lý nghiêm minh".

  • Ký cam kết phục vụ doanh nghiệp

    Tại hội nghị, UBND thành phố Hà Nội, UBND TP HCM và VCCI ký cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng Chính phủ và Bí thư Thành ủy TP HCM. 

    Hai thành phố đã có những cam kết mạnh mẽ, cụ thể về cải thiện môi trường đầu tư với những chỉ tiêu mang tính định lượng.  

    Theo đó, Hà Nội cam kết đi đầu trong xây dựng chính quyền điện tử; 100% hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng sẽ được giải quyết trong vòng 2 ngày (giảm 1 ngày so với quy định); duy trì tỉ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử 95%, nộp thuế điện tử là 90%; cắt giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư so với quy định; giảm 20% thủ tục hành chính trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng, thu hồi đất... 

    TP HCM cũng cam kết tích cực xây dựng chính quyền điện tử; phấn đấu 98% DN kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử là 90%; về thủ tục hải quan phấn đấu giảm 50% so với quy định; thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư giảm 30%;...

  • Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói:

    Chúng ta có truyền thống tôn vinh doanh nghiệp, tôn trọng doanh nhân. Ngay sau ngày giành độc lập, Bác Hồ đã gặp các doanh nhân. Lúc khó khăn, doanh nghiệp đã sẵn sàng dành cả nghìn lượng vàng để cứu đói. Còn giờ tôi tin là họ sẵn sàng xây dựng đất nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta.

    Bước vào giai đoạn mới, chúng ta phải thừa nhận còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Luật ban hành, chỉnh sửa còn chậm so với thực tế. Có nghị định, thông tư quá chậm, không rõ ràng, tính tương tác không cao, thiếu định lượng dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau về cùng một vấn đề. Đó là khuyết điểm chúng tôi đã thấy được. Tinh thần là không để luật pháp trì trệ, lạc hậu. Chưa có giải pháp để phát triển đồng bộ doanh nghiệp dựa trên khoa học, công nghệ tiên tiến từ đó tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu. Thực trạng các doanh nghiệp ngày càng nhỏ đi về quy mô, chỉ số về khả năng thanh toán ít được cải thiện, hiệu quả sản xuất còn thấp, khả năng kết nối DN vừa và nhỏ với DN lớn như FDI còn hạn chế.

    Tình trạng phí chồng phí, một bộ phận cán bộ, Đảng viên tiêu cực gây phiền hà cho doanh nghiệp ở nhiều cấp, nhiều ngành. Dù Việt Nam có nhiều tiến bộ về cải cách, nhưng cải cách chưa đạt được mục tiêu đã đề ra. Tình hình khó khăn trong hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam bị hụt hơi đã phản ánh rõ tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Chúng ta phải nhìn thẳng vào vấn đề này để có giải pháp phát triển.

    Doanh nghiệp cũng phải chủ động “phải tự cứu mình trước khi trời cứu”... Doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược phát triển trong hội nhập, vấn đề văn hóa doanh nhân, giảm chi phí, liêm chính trong phát triển. Phải tự cứu mình trước khi trời cứu. Rất nhiều người chưa tự cứu mình.

    Hoi nghi thu tuong va doanh nghiep anh 13
  • 10 giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển 

    Thủ tướng cũng chỉ rõ 10 giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới như sau: 

    1/ Nhà nước bảo vệ quyền lợi chính đáng, bảo đảm quyền kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định pháp luật, doanh nghiệp được kinh doanh những gì không cấm. 

    2/ Tất cả doanh nghiệp ko phân biệt quy mô, loại hình, thành phần kinh tế bình đẳng về vốn, đất, quy định kinh doanh, trừ trường hợp đặc biệt

    3/ Nhà nước đảm bảo sự ổn định lâu dài của chính sách, không sớm nắng chiều mưa, để doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn đầu tư.

    4/ Ổn định kinh tế vĩ mô, cơ quan quản lý Nhà nước khi ban hành chính sách quy định rõ 1 cơ quan chịu trách nhiệm.

    5/ Quy định về điều kiện kinh doanh cần được lượng hóa, minh bạch, dễ hiểu, tạo điều kiện người dân doanh nghiệp hiểu, lấy người dân, DN là đối tượng phục vụ.

    6/ Coi doanh nghiệp tư nhân là động lực để phát triển kinh tế, khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ vì các loại hình này có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập của xã hội. 

    7/ Ngăn chặn hình sự hóa quan hệ kinh tế nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Nhà nước, Bộ Công an không có chủ trương hình sự hóa, trừ trường hợp vi phạm

    8/ Có cơ chế quản lý phù hợp với doanh nghiệp hoạt động có tính rủi ro lớn, an ninh quốc phòng, công ích

    9/ Giảm, tiến tới loại bỏ các loại phí, phụ phí bất hợp lý

    10/ Yêu cầu đến 1/7/2016 bỏ hết quy định cũ, thực hiện đúng nghị định, thông tư, theo tinh thần luật đã được Quốc hội thông qua.

  • Đừng nghĩ là Thủ tướng không biết

    Nhấn mạnh việc thanh kiểm tra cần hướng đến mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không phải chỉ cứ nhằm nhằm vào sai phạm. “Đừng nghĩ là Thủ tướng không biết...", Thủ tướng nói.

    Ông đề nghị ngân hàng cần giảm 1% lãi suất trung, dài hạn và các lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ cho doanh nghiệp. “Doanh nghiệp chúng ta chịu lãi suất cao quá”, ông bày tỏ. Đề xuất trên của người đứng đầu Chính phủ nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của cộng đồng doanh nghiệp tham gia hội nghị. Chính phủ sẽ có một nghị quyết chuyên đề về doanh nghiệp.

    Hội nghị kết thúc lúc 13h20. Chiều nay, Thủ tướng sẽ họp với các Bộ trưởng để xử lý các vấn đề doanh nghiệp nêu.


Nhóm phóng viên

Bạn có thể quan tâm