Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Loay hoay giữa 'ma trận' 7.000 giấy phép con

Xuất khẩu gạo phải lập công ty ở Singapore, hai ngày lại phải đi xin giấy phép... là hai trong số nhiều ví dụ cho thấy doanh nghiệp đang thực sự khổ vì đủ các loại "giấy phép con".

Chỉ còn gần 2 tháng nữa là đến thời điểm khoảng 3.000 điều kiện đầu tư, kinh doanh trong các thông tư, quyết định sẽ hết hiệu lực theo Điều 7, Luật Đầu tư 2014 (ngày 1/7/2016).

Nhưng ngay cả khi thời điểm đó đã cận kề thì vì lý do nào đó, những “giấy phép con” vẫn tiếp tục ra đời. Điều này đã đi ngược chiều cải cách của các bộ ngành khi việc rà soát các giấy phép con phải thực hiện xong trước ngày 30/5.

Một số đại biểu QH đã lên tiếng mong chờ Thủ tướng kiên quyết chỉ đạo dọn dẹp "ma trận" 7.000 giấy phép con hiện nay.

Nếu việc một hộ kinh doanh cá thể vướng phải rào cản với quá nhiều giấy phép thì các doanh nghiệp kinh doanh phức tạp hơn có thể sẽ vướng số lượng giấy phép lớn hơn gấp bội. Đặc biệt các điều kiện kinh doanh này đang chồng chéo nhau tạo ra tình trạng dở khóc dở cười cho doanh nghiệp.

hoi nghi thu tuong voi doanh nghiep anh 1
Câu chuyện doanh nghiệp phải mở công ty con ở nước khác mới xuất khẩu được hàng hóa cho thấy những bất cập của quy định kinh doanh. Ảnh minh họa: Bloomberg.

Câu chuyện 1: Xuất khẩu gạo, doanh nghiệp phải lập công ty ở Singapore

Đơn cử, một doanh nghiệp xuất khẩu gạo Cỏ May tại Đồng Tháp phải thành lập một công ty con tại nước ngoài để nhập khẩu hàng của chính mình.

Nguyên do của quyết đinh này đến từ Nghị định 109. Theo đó, để được cấp phép xuất khẩu gạo, doanh nghiệp phải có kho chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc và một cơ sở xay xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn/giờ. Chỉ khi đáp ứng được điều kiện này, doanh nghiệp mới được cấp phép bán gạo sang các nước.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của doanh nghiệp thì tiêu chuẩn này là quá cao để có thể có thể đáp ứng được. Bó tay trước điều kiện oái ăm, doanh nghiệp phải đi đường vòng để xuất khẩu hàng. Cỏ May đã lập một công ty lấy tên Cỏ May Singapore tại đảo quốc sư tử để nhập gạo của chính mình từ quê nhà qua một đối tác được ủy thác xuất khẩu.

Ông Phạm Hải Bằng, Giám đốc Cỏ May Singapore, cho biết:  “Đây là bước đi tốn nhiều thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Chúng tôi vừa tốn thời gian soạn thảo hợp đồng ký kết với đối tác xuất khẩu gạo, vừa tốn chi phí thêm 2 đôla Sing cho mỗi tấn gạo xuất đi, chưa kể vô số các chi phí hành chính khác và chi phí vận hành của Công ty Cỏ May bên Singapore. Tôi mong rằng cơ quan quản lý cần xem doanh nghiệp như đối tác chứ không phải là đối tượng điều chỉnh”.

Câu chuyện 2: Mỗi tuần, thậm chí vài ngày lại đi xin giấy phép một lần

Giấy phép con không chỉ hoành hành với các doanh nghiệp xuất khẩu mà tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp nhập khẩu cũng tương đối rườm rà.  Không ít doanh nghiệp phản ánh tình trạng trên luật thông thoáng dưới nhiêu khê vì quá nhiều giấy phép con đang xoay họ như chóng chóng.

Đại diện Công ty nhựa Bình Minh cho biết, nhiều năm qua công ty nhập một số hóa chất làm keo dán sản phẩm, đây là hóa chất cơ bản, trong danh mục cho phép. Thế nhưng, lô hàng nào nhập cũng phải lên Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) xin giấy phép. Hầu như hằng tuần, thậm chí vài ngày, đơn vị này lại phải đi xin giấy phép một lần. Việc này khiến DN mất rất nhiều thời gian, công sức.

“Liệu có cách cho chúng tôi xin giấy phép nhập trong thời gian 6 tháng - 1 năm không, chứ cứ xin giấy phép hằng tuần, có khi hàng nhập liên tục, hai ngày lại đi xin giấy phép con này một lần thấy quá vô lý”, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc công ty chia sẻ.

hoi nghi thu tuong voi doanh nghiep anh 2
Hai ngày xin giấy phép một lần khiến doanh nghiệp cảm thấy mệt mỏi. Ảnh minh họa: KT.

Chờ hành động quyết liệt của Chính phủ

Những điều kiện kinh doanh nực cười ở trên chỉ là ví dụ rất nhỏ, không thể mô phỏng được mức độ của việc ban hành các "giấy phép con".

Theo một báo cáo cuối năm ngoái của bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có 5.826 điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng đối với 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của luật Đầu tư 2014. Trong số đó, có tới gần một nửa số điều kiện được ban hành trái thẩm quyền.

Một chuyên gia kinh tế nhận định, ở Việt Nam, môi trường đầu tư kinh doanh đang thiếu an toàn, khi bất cứ một cơ sở kinh doanh hay doanh nghiệp nào cũng có thể đối mặt với nguy cơ thiệt hại vì thiếu một vài loại giấy phép.

"Vấn đề về các thủ tục kinh doanh rắc rối và phiền hà một cách không cần thiết. Ngay cả kinh doanh một mô hình đơn giản nhất cũng phải phục tùng theo nhiều giấy phép và điều kiện kinh doanh", ông chia sẻ. 

hoi nghi thu tuong voi doanh nghiep anh 3
Bảo vệ và ủng hộ kinh doanh là quan điểm được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra trước thềm hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Theo vị này, một góc độ nào đó, thách thức với Chính phủ mới chính là các điều kiện kinh doanh nhiêu khê đang làm rối tung thị trường. Điều cần thiết lúc này chính là việc tuyên chiến với với hàng nghìn giấy phép con để hồi sinh môi trường kinh doanh đang bị hủy hoại hàng ngày.

Hai bộ luật Đầu tư 2014 và luật Doanh nghiệp 2014 được kỳ vọng sẽ dẹp được vấn nạn “giấy phép con” nhưng cũng chẳng ngăn được việc ban hành ngày một nhiều.

Theo ông, không phải từ bây giờ, cuộc chiến bãi bỏ “giấy phép con”, tức là những điều kiện kinh doanh bất hợp lý được khởi động kể từ khi luật Doanh nghiệp 1999 có hiệu lực. Tuy nhiên đến nay việc đã hơn 16 năm trôi qua, việc chấm dứt tình trạng này vẫn chưa thể triệt để. 

"Ở  một góc độ nào đó, phải nói rằng thách thức lớn nhất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính là hàng nghìn điều kiện đang tàn phá môi trường đầu tư kinh doanh.

Nếu vượt qua được thách thức này, chắc chắn Chính phủ sẽ thu được nhiều tiền hơn từ thuế doanh nghiệp và kinh tế vĩ mô sẽ được cải thiện. Không những vậy, đây sẽ là Thủ tướng đầu tiên chiến thắng trong cuộc chiến 'giấy phép con', điều mà các vị tiền nhiệm chưa làm được", chuyên gia này cho hay.

Ngay trong bài phát biểu sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát đi thông điệp với quyết tâm tập trung cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra tại TP HCM ngày 29/4 sắp tới sẽ là cơ hội để thể hiện quyết tâm và hành động nhiều hơn. Đây cũng là điều được nhiều doanh nghiệp mong mỏi gửi đến Thủ tướng trong Hội nghị sắp tới.  

Doanh nghiệp Nhật ở Sài Gòn kêu khổ vì thủ tục

Trả đúng phí quy định 150.000 đồng, thời gian chờ thủ tục đăng ký sản phẩm của DN Nhật ở TP HCM là 3 tuần đến 1 tháng. Nếu trả 180-250 USD, thời gian rút ngắn còn 1-2 tuần.

 



Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm