Vụ việc ông chủ quán cà phê tại huyện Bình Chánh (TP HCM) - Nguyễn Văn Tấn bị truy tố vì vi phạm hành chính do kinh doanh buôn bán cà phê giải khát, ăn sáng... khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã gây bức xúc trong dư luận.
Hồ sơ sau đó đã được trả lại để tiếp tục điều tra, sau tác động của nhiều cấp, trong đó có lãnh đạo Chính phủ.
Tuy nhiên, sau vụ việc này, khảo sát của Zing.vn đối với nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ ăn uống ở TP HCM cho thấy, phần lớn các đơn vị đều nhận ra có thể bất cứ lúc nào họ cũng gặp trường hợp như ông Tấn.
Nhiều hộ kinh doanh đang giật mình về việc đảm bảo kinh doanh của mình. Ảnh: Hải An. |
Một số chủ hộ kinh doanh cho hay, trước đây, những sai phạm như chậm hoàn thành giấy phép kinh doanh, thiếu giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm khi bán hàng ăn uống đều bị phạt hành chính chứ không nghiêm trọng đến mức phải khởi tố.
Chị Nguyễn Quỳnh Vân, chủ một quán cà phê trên đường Dương Quảng Hàm (Gò Vấp, TP HCM) cho hay, khi mở quán, chị chỉ lên quận đăng ký cấp phép kinh doanh. Nội dung bao gồm việc kê khai loại hình, địa chỉ kinh doanh. Sau 7 ngày, chị Vân có được giấy phép.
Đối với việc xin giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, chị Vân cho rằng, đó là giấy phép con, sẽ được bổ sung sau khi giấy phép đăng ký kinh doanh có hiệu lực. "Nếu chỉ có sai sót hay có lý do nào đó chậm trễ vài ngày thì cũng chỉ phạt hành chính chứ tôi không nghĩ đến mức khởi tố”, chị chia sẻ.
Nhiều người cũng không đồng tình việc cơ quan thi hành pháp luật viện dẫn nhiều lý do để cho rằng quán ông Tấn vẫn còn vi phạm lỗi chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, kinh doanh sai địa điểm, nước thải chưa qua xử lý...
Ông Trần Công Nguyện, bán quán cơm bình dân tại Đại học Công nghiệp TP HCM cho biết, trước đây, ông từng bị phạt 5 triệu đồng do đăng ký kinh doanh nhưng chưa kịp bổ sung giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Sau đó, vài ngày, quán của ông Nguyện bị đình chỉ khi có đoàn kiểm tra và chỉ hoạt động trở lại khi hoàn thành thủ tục.
"Chúng tôi hoàn thiện xong các thủ tục trên là được tiếp tục kinh doanh. Tôi khẳng định là đình chỉ chứ không thu hồi hay khởi tố như sự việc trên”, ông Nguyện chia sẻ.
Chủ hộ kinh doanh này cũng cho biết, nếu căn cứ vào nội dung biên bản xử phạt của công an huyện Bình Chánh đưa ra, ông cam đoan rằng tất cả cơ sở kinh doanh hộ cá thể đều bị khởi tố.
"Bởi lẽ, đối với quy mô kinh doanh quán xá nhỏ như tôi thì việc nước thải phải qua xử lý là điều không khả thi. Nhưng tôi nghĩ kinh doanh nhỏ thì nước thải đó là nước thải sinh hoạt, đâu cần phải đầu tư hệ thống xử lý”, ông Nguyện cho biết thêm.
Nhiều hộ kinh doanh cho rằng việc thiếu giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm chỉ nên dừng lại ở phạt hành chính, khi nào bổ sung đủ sẽ cho phép kinh doanh trở lại. Ảnh minh hoạ: Lê Hiếu. |
Trong khi đó, đại biểu HĐND TP HCM Lâm Thiếu Quân nêu quan điểm: “Tôi nghĩ kiểm tra xử phạt các sai phạm về thủ tục hành chính trong kinh doanh hộ cá thể trách nhiệm phần lớn thuộc về quản lý thị trường. Việc hình sự hoá các sai phạm này là không nên vì không tạo động lực cho tinh thần khởi nghiệp". Theo ông Quân, sau sự việc trên, việc dấn thân khởi nghiệp của người trẻ cũng bị ngăn cản bởi tâm lý e ngại rào cản từ thủ tục nhập nhằng, dễ sai phạm.
Nhiều hộ kinh doanh ở TP HCM đồng ý là chủ quán Xin Chào đã vi phạm pháp luật, bao gồm việc không có giấy phép kinh doanh cũng như Chứng nhận ATTP. Tuy nhiên, hầu hết cho rằng lỗi này có thể lập biên bản vi phạm và nhắc nhở, quá 3 lần thì có thể khởi tố. Mới một lần nhắc nhở mà đã đem lên tòa hình sự, theo một số chủ hộ, là điều khá khó hiểu.
Luật sư Lê Trung Phát, đoàn luật sư TP HCM cho biết, nhận thấy tội “kinh doanh trái phép” không còn nguy hiểm cho xã hội nên BLHS mới năm 2015, có hiệu lực vào ngày 1/7/2016 không còn tội này. Trong khi đó, cơ quan pháp luật huyện Bình Chánh lại “cố" xử lý hình sự ông Tấn về tội này, theo luật sư Phát, là "không thể chấp nhận".
“Vụ xử lý này đã đi ngược với chủ trương của Nhà nước là tạo điều kiện cho mọi cá nhân, thành phần kinh tế tự do kinh doanh, phát động tinh thần khởi nghiệp trong nhân dân, đã kìm hãm sự phát triển của xã hội, triệt đường mưu sinh của rất nhiều người. Tôi chắc chắn rằng sau quyết định khởi tố với chủ quán cà phê Xin Chào sẽ có rất nhiều hộ kinh doanh cá thể giật mình nhìn lại hoạt động của mình”, ông Phát chia sẻ.
Theo Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2015, thời gian chờ đăng ký và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã được đánh giá là “rút ngắn ở mức kỷ lục trong vòng 11 năm điều tra PCI".
Hiện nay, kể cả thời gian chuẩn bị hồ sơ và đi lại, một doanh nghiệp trung bình chỉ mất 8 ngày để có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong tay, thay vì 10-12 ngày như trước đây.
Chỉ số gia nhập thị trường được đánh giá là tốt nhất, vượt xa các điểm thành phần khác của chỉ số PCI, với 8,47 điểm. Tuy nhiên, ở TP HCM, con số là 7,57, thuộc nhóm cuối bảng. TP HCM cũng là địa phương có chỉ số thấp nhất trong gia nhập thị trường là Hà Nội, 7,56 điểm, cách địa phương tốt nhất là Hậu Giang khá xa (tỉnh này được 9,23 điểm).