Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Đi đâu cũng nghe việc Thủ tướng sắp gặp gỡ doanh nghiệp’

Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã chia sẻ như vậy với Zing.vn trước thềm Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra ngày 29/4 tại TP HCM.

Vào ngày 29/4 tới, Thủ tướng sẽ chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp năm 2016 với tên gọi: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”.

Trước thềm sự kiện này, Zing.vn đã có cuộc trao đổi với ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) về những trăn trở của các doanh nghiệp hiện nay.

hoi nghi thu tuong voi doanh nghiep anh 1

Ông Tô Hoài Nam - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Ảnh: DNĐT


- Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của Hội nghị này với doanh nghiệp?

- Theo tôi, đây là sự kiện rất có ý nghĩa với cộng đồng doanh nghiệp. Việc Thủ tướng gặp gỡ các doanh nghiệp cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ đối với sự phát triển của cộng đồng người kinh doanh.

Ý nghĩa tác động đầu tiên của sự kiện đó là nó tạo nên sự tin tưởng, sự chú ý và sự động viên với cộng đồng doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh hiện nay. Đi đâu tôi cũng thấy cộng đồng doanh nghiệp thảo luận, trao đổi về việc này.

- Trước thềm sự kiện này, các doanh nghiệp Việt đang thảo luận những vấn đề gì, thưa ông?

- Những vấn đề như làm thế nào để bảo vệ sản xuất, kinh doanh, tài sản hợp pháp, giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh…đều đang là thách thức với doanh nghiệp Việt và các cơ quan quản lý nhà nước.

Khi được gặp Thủ tướng, cộng đồng doanh nghiệp chắc sẽ báo cáo với Chính phủ các khó khăn họ đang gặp phải, bày tỏ mong muốn Chính phủ sớm đưa ra các quyết sách, chính sách để giảm bớt khó khăn cho họ.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng muốn Chính phủ mới với quyết tâm phát triển kinh tế, quyết tâm cao trong việc thực thi định hướng sẽ có đổi mới về thể chế kinh tế để doanh nghiệp có được môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi hơn. Điều đó nhằm đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi trong giai đoạn mới – giai đoạn cạnh tranh, hội nhập.

- Ông đánh giá thế nào về điều kiện, môi trường kinh doanh hiện tại và những chính sách bảo vệ kinh doanh hiện có?

- Về mặt chính sách định hướng và mặt pháp lý, tôi thấy chúng ta theo tương đối kịp với thế giới và cũng tương đối hoàn chỉnh. Trong quá trình triển khai, đặc biệt giai đoạn gần đây, việc giảm thủ tục hành chính để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã có những chuyển biến.

Tuy nhiên, phần thực thi cụ thể vẫn còn có những trục trặc.

Sau hội nghị này, mong rằng Chính phủ sẽ có những biện pháp để chấn chỉnh, đảm bảo khâu thực thi pháp luật được nhanh, chuẩn mực hơn và ít hiện tượng gây khó khăn cho doanh nghiệp.

- Cụ thể là như thế nào và ông bình luận ra sao về cơ chế "xin - cho" nhiều người đang nhắc đến?

- Trong nền kinh tế thị trường đang hội nhập như Việt Nam, càng hạn chế được cơ chế "xin - cho" thì càng tạo nên môi trường kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp.

Nhưng tôi thấy nhiều khi thách thức, trở ngại không hẳn do cơ chế này mà do các yếu tố khác. Chẳng hạn, một số công chức, viên chức trong quá tiếp xúc với doanh nghiệp chưa nhận thức được việc phải cung cấp, phục vụ, lắng nghe, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc phát triển kinh doanh.

Chính điều đó tạo ra rào cản trong quá trình doanh nghiệp tiếp cận với các thủ tục hành chính, cơ hội kinh doanh, thủ tục điều kiện để được kinh doanh cái đó. Nói cách khác, đó là một trở ngại.

Cơ chế "xin – cho" không phải ngành nào cũng có, không phải bối cảnh nào cũng có. Có nơi đã giải quyết được cơ bản, nhưng nơi khác vẫn còn.

- Có ý kiến cho rằng, không thể nói con số 20.000 doanh nghiệp đóng cửa, phá sản trong 3 tháng đầu năm là bình thường được. Theo ông, đây có phải là thách thức lớn cho Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?

- Tôi không nghĩ vậy. Với thế giới, đó không phải con số lớn, nhưng ở Việt Nam – quốc gia đang có định hướng tăng tỷ lệ số lượng doanh nghiệp so với bình quân dân số hiện nay, với con số trên, chúng ta cần phải suy nghĩ lại về môi trường đầu tư, môi trường khởi nghiệp.

hoi nghi thu tuong voi doanh nghiep anh 2

Thủ tướng sắp chủ trì hội nghị với doanh nghiệp năm 2016. 

Ảnh: Hoàng Hà.

- Một số chuyên gia nói, trên cương vị mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cần nhanh chóng tỏ rõ quyết tâm cải cách và thu hút đầu tư. Theo ông đây có phải là hướng đi đúng?

- Không cứ ở cương vị nào, lãnh đạo Chính phủ luôn phải tìm mọi cách để thu hút đầu tư nhiều hơn trong toàn xã hội và cả quốc tế nữa. Đó là trách nhiệm, nhiệm vụ chung và sứ mệnh của người đứng đầu Chính phủ. Ở giai đoạn nào cũng cần phải làm điều đó.

- Nhưng cũng có luồng ý kiến băn khoăn chúng ta đang phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư nước ngoài?

- Không hẳn như thế! Bởi tôi thấy cả quá trình vừa qua các nhà đầu tư nước ngoài chưa khẳng định được vị trí, kỳ vọng về việc đầu tư tại Việt Nam. Chính phủ cũng thấy rõ điều đó.

Chúng ta cũng đang hướng tới việc tăng cường nội lực của các doanh nghiệp trong nước nên việc phụ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài theo tôi hiện không có gì thái quá cả.

- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được biết đến là chuyên gia giàu kinh nghiệm trong các vấn đề quản trị và kinh tế do từng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng ở cấp địa phương và trung ương. Ông có kỳ vọng điều gì ở Tân Thủ tướng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?

- Với hiểu biết của Thủ tướng về cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam từ tốc độ phát triển tới nhu cầu, đòi hỏi…, tôi tin rằng ông sẽ có những chỉ đạo rất quyết liệt và quan tâm nhiều tới các vấn đề thực tiễn. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn tới đây Thủ tướng sẽ khắc phục được các hạn chế, rào cản trước tiên là về thể chế kinh tế để có môi trường pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Chính điều này sẽ tạo động lực khích lệ người dân, nhà đầu tư phát huy những sáng tạo. Đồng thời, nền tảng pháp lý để các nhà đầu tư dễ dàng tìm kiếm các cơ hội về phát triển kinh tế đặc biệt trong sản xuất cũng được tạo ra. Từ đó, các loại hình tạo nên giá trị gia tăng cao nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như giá trị sản phẩm xuất hiện.

- Xin cảm ơn ông!

Ông Tô Hoài Nam - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trao đổi với Zing.vn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải bảo vệ và ủng hộ kinh doanh

"Các tờ báo lớn đều nêu quan điểm phải bảo vệ và ủng hộ sản xuất, kinh doanh", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết.



Kiều Vui (Thực hiện)

Bạn có thể quan tâm