Trong những năm gần đây, căng thẳng giữa Moscow và Washington đã leo thang liên tục. Hai nước bất đồng với nhau trên nhiều lĩnh vực, từ tấn công mạng đến can thiệp bầu cử, từ xung đột ở Ukraine đến việc lắp đặt đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2).
Không chỉ vậy, hai bên còn liên tục ăn miếng trả miếng, bằng cách thay nhau trục xuất các nhà ngoại giao hay triệu tập đại sứ mỗi bên để tiến hành tham vấn, theo Foreign Policy.
“Chúng ta đang trao cho Putin đường ống dẫn dầu quý giá và hợp pháp hóa các hành động của ông ấy bằng một hội nghị thượng đỉnh", Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ben Sasse chỉ trích hồi tháng 5.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đáp lại: “Đây là cách ngoại giao diễn ra. Điều quan trọng là phải gặp gỡ các nhà lãnh đạo khi bất đồng nảy sinh. Đó là nỗ lực chúng ta đang làm với nhà lãnh đạo Nga".
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ bàn thảo về nhiều vấn đề trong cuộc gặp hôm 16/6. Ảnh: AFP/RIA Novosti. |
Kỳ vọng tối thiểu
Quan điểm của chính quyền Biden trong cách tiếp cận với Nga là đảm bảo “mối quan hệ ổn định và có thể đoán trước”.
Tuy nhiên, ông Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, nói rằng ông ít tin tưởng vào khả năng đó. “Điều tốt nhất có thể làm được sau cuộc gặp thượng đỉnh tại Geneva là làm rõ đâu là lằn ranh đỏ thực sự trong quan hệ hai bên", ông Trenin cho biết hôm 11/6.
Mặc dù Moscow và Washington nghi ngờ lẫn nhau, cả hai bên đều miễn cưỡng nhận ra sự cần thiết phải có quan hệ hợp tác nhằm ngăn chặn thảm họa có thể xảy ra, theo Foreign Policy.
“Nga cùng với Mỹ vẫn sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Nga còn là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Dù muốn hay không, Mỹ cũng phải làm việc với Nga về những thách thức chủ yếu đang chi phối thế giới”, Eric Green, chuyên gia nghiên cứu Nga của chính quyền Biden, cho biết vào tuần trước.
Ông Green nói rằng hai tổng thống sẽ nói về nhiều chủ đề, bao gồm vấn đề kiểm soát vũ khí, không gian mạng, các quy định về hạn chế ngoại giao và biến đổi khí hậu. Iran, Triều Tiên, Syria, Afghanistan và Bắc cực cũng là những chủ đề được quan tâm, ông cho biết.
Ông Biden có thể xoáy trọng tâm cuộc trao đổi vào vụ Belarus bắt giữ nhà báo đối lập trên chuyến bay Ryanair, cũng như tái khẳng định cam kết đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Ưu tiên trước mắt là xây dựng lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Vào tháng 5, để trả đũa việc Mỹ trừng phạt nước này can thiệp bầu cử, Nga đã cấm công dân làm việc cho các cơ quan ngoại giao của Mỹ.
Động thái trên buộc Đại sứ quán Mỹ ở Moscow phải cắt giảm nhiều dịch vụ lãnh sự cho công dân Mỹ và ngừng xử lý thị thực cho người Nga. Dù vậy, quyết định này đã được tạm dừng sau đó.
Bà Angela Stent, chuyên gia tại Đại học Georgetown, nhận định: “Các nhà lãnh đạo cần tìm cách tái lập quan hệ ngoại giao để Mỹ có thể làm tiếp việc cần làm tại Nga và ngược lại".
Hai bên cũng cần hợp tác cùng nhau để tạo ra sự ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí. Ông James Acton, thành viên của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận xét trong khi Mỹ lo sợ vũ khí công nghệ cao của Nga - như ngư lôi chạy bằng năng lượng hạt nhân và tên lửa hành trình - Nga thậm chí còn e ngại vũ khí thông thường của Mỹ hơn, như hệ thống phòng thủ tên lửa.
Kiểm soát vũ khí sẽ là một trong những nội dung quan trọng tại cuộc bàn thảo. Ảnh: Reuters. |
Bên cạnh đó, cả Moscow và Washington đều mong muốn thảo luận về lĩnh vực không gian mạng. Mỹ từng đổ lỗi cho các cơ quan tình báo Nga về các vụ tấn công cơ quan chính phủ Mỹ, nhưng Điện Kremlin cũng lo sợ về khả năng làm chủ không gian này của Washington.
Điều gì đang chờ đón?
Cuộc gặp thượng đỉnh có thể sẽ kéo dài và căng thẳng. Đồng thời, Tổng thống Putin được biết đến là người thường chuẩn bị kỹ lưỡng và luôn sẵn sàng thuyết phục những đối tác đồng cấp.
“Các nhà lãnh đạo đôi khi trì hoãn (đối thoại) với các chuyên gia. Nhưng ông Putin không trì hoãn với bất kỳ ai", cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul cho biết. Theo ông McFaul, nhiều khả năng hai nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về diễn biến ngày 6/1 ở Điện Capitol.
Giới chuyên gia Nga chưa rõ về khả năng tổ chức một cuộc họp báo trước thềm cuộc gặp chính, hay việc cả hai có đưa ra tuyên bố chung sau cuộc thảo luận hay không.
Từ khi nhậm chức vào tháng 1, chính quyền Biden đã cố gắng không can dự nhiều với Moscow, cũng như tránh làm leo thang mối quan hệ vốn đã căng thẳng.
Ngay trong những ngày đầu, ông Biden đã ra lệnh xem xét bốn lĩnh vực chính phủ Nga bị cáo buộc hoạt động. Các cuộc điều tra bao gồm tấn công mạng công ty SolarWinds, đầu độc thủ lĩnh đối lập Nga Alexei Navalny, ba lần can thiệp bầu cử (2016, 2018, 2020), và chi tiền cho chiến binh Afghanistan tấn công quân đội Mỹ.
Những vấn đề xung quanh thủ lĩnh phe đối lập ở Nga Alexei Navalny cũng là nguyên nhân khiến quan hệ Mỹ - Nga rạn nứt nghiêm trọng. Ảnh: Reuters. |
Sau khi quá trình điều tra hoàn tất vào tháng 4, Washington đã công bố một loạt các biện pháp trừng phạt và trục xuất ngoại giao đối với Nga, với lý do quốc gia này đã can thiệp vào cuộc đua tổng thống năm 2020.
Dù chính quyền Biden coi cạnh tranh với Trung Quốc là thách thức chiến lược lâu dài và lớn nhất, chính Nga mới là nguyên nhân gây ra những vấn đề đau đầu về đối ngoại trong những ngày đầu của chính quyền mới.
Bà Melinda Haring, chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết hôm 11/6 chính sách đối với Nga của ông Biden có vẻ "hơi ngây thơ".
Với quy mô nền kinh tế nhỏ hơn bang cả New York, Nga thường được xem là một cường quốc thất thế so với Mỹ hoặc Trung Quốc.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của Nga. Không có gì chứng tỏ Nga đang thất thế", ông McFaul nói. “Với bất cứ quân bài nào trong tay, ông ấy (Tổng thống Putin) sẵn sàng tận dụng theo cách triệt để hơn các lãnh đạo khác nhiều".