TikTok, Instagram không phải là cách để thoát khỏi căng thẳng từ công việc. Ảnh: iStock. |
Văn hóa hối hả (hustle culture) đã hình thành một thói quen độc hại của nhiều người ngày nay: làm việc bán mạng, sẵn sàng thức khuya, làm thêm giờ, thúc ép bản thân hoàn thành công việc với tốc độ nhanh hơn, với khối lượng nhiều hơn và rồi dùng số thời gian nghỉ ít ỏi để lướt mạng xã hội.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thói quen này sẽ chỉ ngày càng kéo năng suất làm việc xuống thấp, hậu quả để lại là tình trạng kiệt sức, căng thẳng, mệt mỏi.
“Chúng ta không thể ép cơ thể nâng tạ cả ngày nên không thể đòi hỏi não bộ liên tục tập trung và làm việc suốt một thời gian dài”, giáo sư Gloria Mark của Đại học California, Irvine, nói.
Chuyên gia cho rằng làm việc bán mạng cả ngày dài sẽ dẫn đến tình trạng não kiệt sức (brain slump), khiến nhân viên dễ mệt mỏi, uể oải vào buổi chiều. Cuối cùng, bạn tìm đến smartphone, lướt TikTok, Instagram để thoát khỏi công việc.
Hãy để não nghỉ ngơi
Theo chuyên gia, lúc này, việc bạn cần làm là để não nghỉ ngơi. Sau khi được nghỉ ngơi, não bộ sẽ hồi phục, giúp chúng ta làm việc chất lượng hơn. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí PLoS ONE từng chỉ ra nghỉ ngơi dù chỉ 10 phút cũng giúp giảm trạng thái mệt mỏi về mặt tinh thần và nâng cao hiệu suất làm việc. Bên cạnh đó, khoảng nghỉ càng dài, chất lượng công việc sẽ càng được cải thiện.
Theo nhà tâm thần học Srini Pillay, khi con người ở trạng thái tập trung, não bộ sẽ kích hoạt vùng não chuyên làm việc (task-related network), tự động bỏ qua những cám dỗ, phân tâm xung quanh.
Đến khi hết tập trung, não bộ sẽ chuyển về trạng thái hoạt động mặc định (default mode network), tập hợp các vùng của não bộ được thiết lập khi chúng ta không nghĩ đến bất cứ điều gì cụ thể. Hiểu đơn giản, đó là trạng thái lơ đãng.
Nhiều người thích lướt mạng xã hội trong lúc nghỉ ngơi, mong thoát khỏi căng thẳng sau làm việc. Ảnh: New York Times. |
Với hầu hết mọi người, khi một vùng não hoạt động, vùng còn lại sẽ tạm ngừng. Trong đó, vùng não chuyên làm việc sẽ giúp chúng ta hoàn thành công việc nhưng chỉ có thể hoạt động trong một thời gian nhất định. Trong khi đó, để giải quyết các vấn đề hay liên tưởng sáng tạo, não cần kích hoạt vùng não hoạt động mặc định.
“Vùng não mặc định sẽ kích hoạt thông tin chi tiết từ những góc sâu nhất trong trí nhớ con người. Điều này vùng não logic không thể làm được”, nhà tâm thần học Pillay cho biết. Do đó, để kích hoạt tư duy sáng tạo, chúng ta cần nghỉ ngơi và để phần não mặc định hoạt động thay vì liên tục làm việc.
Mất tập trung vì mạng xã hội
Trên thực tế, lướt Instagram mỗi 2 phút/lần là một thói quen phổ biến. Cụ thể, trong quá trình nghiên cứu về một ngày làm việc của nhóm lao động tri thức từ những năm 2000 đến nay, Giáo sư Gloria Mark nhận thấy họ thường xuyên chuyển giữa các tab làm việc (email, bảng biểu, tài liệu…) sang các app mạng xã hội, nhắn tin.
Năm 2012, nghiên cứu của ông với 13 nhân viên đã cho thấy thời gian trung bình họ dừng lại ở mỗi tab là 75 giây. Tuy nhiên, con số này đã giảm qua từng năm. Đến năm 2020, một sinh viên của ông đã khảo sát 50 người và nhận thấy thời gian trung bình giảm xuống chỉ còn 44 giây.
Theo Johann Hari, tác giả cuốn Stolen Focus: Why You Can’t Pay Attention - and How to Think Deeply Again, giới hạn não bộ chỉ cho phép con người tập trung suy nghĩ vào 1-2 việc cùng một lúc.
“Đa nhiệm (multitasking) hay chuyển giữa các tab làm việc chỉ khiến chúng ta mắc thêm nhiều sai lầm, giảm khả năng sáng tạo và mệt mỏi hơn”, chuyên gia cho biết. Do đó, nếu công việc càng đòi hỏi đa nhiệm nhiều thì nhân viên càng cần phải kết hợp nghỉ ngơi thường xuyên.
Smartphone khiến bạn khó tập trung vào công việc và đạt năng suất cao. Ảnh: Pexels. |
Trong đó, một trong những cách tốt nhất để giải thoát khỏi công việc là đặt điện thoại sang một bên. “Mọi người thường hiểu sai về việc nghỉ ngơi. Thay vì đọc email trên laptop, họ chuyển sang đọc email trên điện thoại trong lúc dạo bộ, thư giãn”, Johann Hari chia sẻ.
Theo chuyên gia, việc đọc email cũng khiến não bộ hoạt động ở trạng thái làm việc, không thực sự nghỉ ngơi và thảnh thơi. Ngay cả việc lướt mạng xã hội cũng không phải là cách thư giãn như nhiều người nghĩ.
“Nếu bắt gặp một thông tin gây chú ý trên mạng xã hội, bạn sẽ mất tập trung vào công việc đang làm dở và nó sẽ kéo dài dù cho bạn chuyển sang tác vụ khác”, Mark nói. Khi đó, bạn sẽ không thể bắt đầu hay tập trung hoàn toàn cho công việc tiếp theo.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.