Trong khi nhiều công viên ở nội thành Hà Nội vẫn đang chờ ngày được nâng cấp, tu sửa và chỉnh trang, mới đây, UBND quận Hoàn Kiếm cho biết đang nghiên cứu phát triển bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng thành công viên văn hóa du lịch, điểm đến vui chơi, tham quan du lịch.
Theo kế hoạch, công viên được xây dựng chủ yếu dựa trên địa hình tự nhiên; tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan đô thị, kết hợp với xây dựng không gian du lịch văn hóa gắn kết lịch sử, phong tục tập quán truyền thống, văn hóa gắn liền với sông nước…
Chia sẻ quan điểm về kế hoạch trên, chuyên gia nhấn mạnh việc gắn liền quy hoạch riêng của bãi giữa, bãi bồi với quy hoạch chung của thành phố về quản lý hai bờ sông Hồng. Đồng thời, địa phương phải tính toán để đưa ra giải pháp tổng thể cho vấn đề giao thông, thoát lũ, quản lý dịch vụ nếu muốn biến nơi này thành công viên.
Bãi giữa sông Hồng không thể “ôm” tất cả nhiệm vụ
Trao đổi với Zing, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng muốn biến bãi giữa trở thành công viên văn hóa du lịch nổi tiếng, thu hút người dân thủ đô và khách du lịch, việc đầu tiên mà quận Hoàn Kiếm phải làm là xem lại các quy hoạch tổng thể đã có của thành phố; từ đó đưa ra quy mô phát triển, nhiệm vụ, chức năng của khu vực này sao cho phù hợp.
Theo ông Chính, chỉ cần đảm bảo nguồn vốn đầu tư thì dự án nào cũng sẽ làm được. Nhưng về bản chất, kế hoạch quận đưa ra mới chỉ có tính chất một chiều, phiến diện. Thành phố cần đứng ra chỉ đạo thực hiện đề án này để phù hợp với tổng thể quy hoạch chung của cả hai bên sông Hồng.
"Quận chỉ đang đưa ra một kế hoạch 'có lợi' cho riêng địa phương mình, trong khi về tổng thể, đây phải là bài toán về lợi ích chung của các quận xung quanh khác", ông Chính nói và nhấn mạnh tầm quan trọng của UBND Hà Nội trong việc đứng ra tổ chức, điều phối đề án này.
Khu vực bãi giữa sông Hồng nằm trong trục cảnh quan quan trọng của Hà Nội. Ảnh: Đức Anh. |
KTS Trần Ngọc Chính cũng lưu ý trong tổng thể quy hoạch sông Hồng, bãi giữa không thể “ôm” tất cả nhiệm vụ từ làm công viên vui chơi đến phát triển văn hóa, lưu giữ lịch sử. Các nhiệm vụ này cần được chia sẻ cho cả những khu vực khác để tạo ra một hệ thống kết nối đồng bộ giữa các bãi và hai bên bờ sông.
Sau khi phân chia xong, Hà Nội có thể giao việc quy hoạch bãi giữa cho quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư. Lúc này, quận mới đi vào quy hoạch chi tiết để tính toán việc thiết kế bãi tắm, khu trượt cỏ, trồng cây, xây dựng chỗ vui chơi cho trẻ em, người già, tạo dựng cảnh quan xung quanh...
"Nếu quận Hoàn Kiếm tự đứng ra khai thác rồi cho các doanh nghiệp vào đầu tư thì sẽ không bài bản, có thể dẫn đến hệ lụy phải sửa chữa sau này. Do đó, tôi cho rằng địa phương phải nhìn bãi giữa sông Hồng một cách toàn diện, đừng 'lấy thóc bỏ gạo' vì đây là trục cảnh quan quan trọng", ông Chính nhấn mạnh.
Vướng mắc khi biến bãi giữa thành công viên
Trong khi đó, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội, nguyên kiến trúc sư trưởng thành phố, cho rằng nếu được hoàn thiện về cơ sở pháp lý, khu vực bãi giữa sẽ có tiềm năng phát triển quỹ đất, thu hút nhiều dự án lớn, đặc biệt là thu hút nhà đầu tư nước ngoài và làm trỗi dậy những dự án đã "ngủ quên".
Về việc phát triển nơi đây trở thành công viên, ông cho rằng lưu ý lớn nhất là phải có đủ cơ sở pháp lý; đồng thời có sự đồng thuận lớn của dân cư tại đây. Ngoài ra, vấn đề cần đặc biệt quan tâm nghiên cứu là đảm bảo an toàn thoát lũ, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu về dịch vụ văn hóa, giải trí của người dân.
“Giải quyết bài toán thoát lũ đòi hỏi việc bố trí nguồn lực thích hợp, thích ứng với giải pháp khoa học nhằm đảm bảo an toàn, vì dòng nước sông Hồng có tính biến đổi lớn giữa các mức báo động. Mỗi cấp độ báo động lũ sẽ có mức ảnh hưởng khác nhau đến dự án này”, ông Nghiêm nói.
Chuyên gia cho rằng cần một hệ thống giao thông đồng bộ, có tính kết nối bãi giữa sông Hồng với khu vực xung quanh, trước khi quy hoạch nơi đây thành công viên. Ảnh: Đức Anh. |
Nói thêm về vướng mắc xoay quanh việc phát triển bãi giữa, bãi bồi thành công viên, KTS Trần Ngọc Chính cho rằng bài toán quan trọng cần giải quyết là việc kết nối giao thông, hạ tầng với xung quanh. Từ lâu nay, vấn đề đi lại ở khu vực này vẫn còn bất cập. Do đó, địa phương cần cân nhắc phương tiện, đường đi sao cho thuận tiện, an toàn với người dân.
Đồng thời, ông cho rằng quy hoạch công viên tại đây đòi hỏi thêm những tính toán để đáp ứng nhu cầu ăn uống, dịch vụ khác của người dân.
"Ngoài thiết lập khu vui chơi, thể thao, địa phương cần tính đến việc quy hoạch những công trình khác như nhà dân, quán ăn. Các công trình này chiếm tỷ lệ ít trong tổng số đất sử dụng, nhưng rất quan trọng. Người dân không thể ra đó vui chơi, rồi lại chạy vào trong nội đô ăn uống", ông Chính đặt vấn đề.
Về những lo ngại làm công viên tại bãi giữa có thể gây ra lãng phí khi nhiều công viên trong nội đô chưa được khai thác hết công năng sử dụng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng việc này phụ thuộc nhiều vào cơ chế quản lý, vận hành công viên.
Theo ông, cùng với kế hoạch chỉnh trang, cải tạo công viên ở nội đô, việc phát triển công viên ở bãi giữa sông Hồng vẫn có tiềm năng thu hút người dân. Nơi đây có thể trở thành một địa điểm lý tưởng để tham quan và vui chơi vì có mặt nước xung quanh, lại tách biệt với không gian ồn ào của thành phố.
"Việc phát triển công viên tại đây sẽ không lãng phí nếu địa phương biết cách quản lý bài bản, khai thác và quy hoạch chức năng phù hợp với nhu cầu người dân cũng như phù hợp với quy hoạch chung của thành phố", KTS Trần Ngọc Chính nói.
Theo kế hoạch của quận Hoàn Kiếm, địa phương dự kiến quy hoạch mạng lưới giao thông nội bộ, đường dạo của khu vực bãi giữa, bãi ven sông Hồng theo hướng thiết kế thân thiện môi trường, sử dụng vật liệu truyền thống, tổ chức lại bãi tắm sông hiện có cho sạch đẹp, hấp dẫn du khách.
Việc phát triển khu vực bãi giữa sông Hồng của quận Hoàn Kiếm nhằm hướng tới mục tiêu cụ thể hóa định hướng quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, thuộc địa bàn phường Chương Dương và Phúc Tân. Diện tích này không cố định mà phụ thuộc mùa mưa lũ từng năm, tiếp giáp với 3 quận: Ba Đình, Hai Bà Trưng và Long Biên. Khu vực bãi giữa có diện tích khoảng 23 ha nằm chủ yếu trên địa bàn phường Phúc Tân (Hoàn Kiếm), một phần (khoảng 1 ha) thuộc địa phận quận Long Biên.
Bình luận