Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Người dân nghi ngờ kế hoạch biến bãi giữa sông Hồng thành công viên

Ngạc nhiên và nghi ngờ tính khả thi của dự án, nhiều người vẫn mong chờ việc làm công viên ở khu vực bãi sông Hồng có thể tạo ra điểm vui chơi cho người dân thủ đô.

Có một mảnh đất để canh tác ở khu vực bãi giữa sông Hồng nằm tại địa phận phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm), ông Vũ Văn Liêm (54 tuổi) ngạc nhiên khi nghe tin nơi đây có thể trở thành công viên văn hóa du lịch trong thời gian tới.

"Ai lại đi làm công viên ở nơi hẻo lánh, khó đi lại thế này?", người đàn ông thốt lên.

Nhiều người cũng đặt các câu hỏi tương tự khi nghe đến kế hoạch của UBND quận Hoàn Kiếm về việc phát triển bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng thành công viên văn hóa du lịch, điểm đến vui chơi, tham quan du lịch.

Theo kế hoạch được quận đưa ra, công viên sẽ được xây dựng chủ yếu dựa trên địa hình tự nhiên; tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan đô thị, kết hợp với xây dựng không gian du lịch văn hóa gắn kết lịch sử, phong tục tập quán truyền thống, văn hóa gắn liền với sông nước…

Cảnh đối lập ở bãi sông Hồng với khu vực trung tâm thủ đô Bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng được đề xuất làm công viên văn hóa, du lịch... Dù nằm sát trung tâm Hà Nội, nơi đây có hiện trạng hoàn toàn trái ngược.

Lo ngại du khách khó tiếp cận

Không phải người dân sống trực tiếp ở bãi bồi sông Hồng nhưng ông Vũ Văn Liêm đã canh tác ở đây hơn chục năm qua. Mảnh đất mà ông đang trồng trọt được thuê lại từ hợp tác xã nông nghiệp, mỗi năm sẽ trả phí thuê theo quy định. Nơi đây có thuận lợi là nguồn nước tưới tiêu đảm bảo, đất đai màu mỡ nên thích hợp cho việc trồng rau màu.

Theo ông Liêm, xung quanh khu vực bãi bồi nơi ông canh tác, đường đi khó khăn. Muốn di chuyển vào đây, mỗi ngày, ông phải đạp xe lên cầu Long Biên rồi đi xuống con dốc dựng đứng ở bên mạn cầu. Sau đó, ông tiếp tục len lỏi vào các con đường nhỏ hẹp để đến được nơi trồng trọt.

Vì vậy, ông cho rằng nếu nơi đây biến thành công viên, người dân sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, tiếp cận dịch vụ vui chơi, giải trí nếu đường sá không được quy hoạch lại cho thuận tiện hơn.

Đồng thời, người nông dân 54 tuổi đặt câu hỏi về việc nếu quy hoạch lại thành công viên, khu vực đất ông đang thuê có nằm trong diện phải thu hồi hay không. Ông Liêm lo ngại việc mất đi nguồn thu chính từ trồng trọt, khi nơi đây được cải tạo để trở thành điểm du lịch, tham quan.

bien bai giua song Hong thanh cong vien anh 1

Bà Nguyễn Thị Thơm (quận Long Biên) cho biết việc cải tạo bãi giữa, bãi bồi thành công viên có thể giúp người dân sống xung quanh đây có thêm thu nhập từ việc kinh doanh, phục vụ khách du lịch nếu được cho phép. Ảnh: Đức Anh.

Cũng có một mảnh đất để canh tác ở khu vực bãi giữa sông Hồng, đồng thời là người dân sống tại đây, bà Nguyễn Thị Thơm (quận Long Biên) cho biết khu vực này được nhiều hộ dân canh tác nông nghiệp theo sự phân chia của hợp tác xã hoặc người dân thuê lại đất để trồng trọt. Các loại rau màu chủ yếu là lạc, rau xà lách, cây trồng ngắn ngày, dễ thu hoạch.

Theo bà Thơm, việc biến nơi đây trở thành công viên có thể giúp người dân xung quanh có thêm thu nhập từ việc kinh doanh hàng quán, phục vụ nhu cầu của du khách. Dù vậy, bà mong kế hoạch này sẽ không ảnh hưởng đến việc trồng trọt, thu hoạch trên thửa ruộng rộng khoảng 3 ha của bà.

Theo kế hoạch của UBND quận Hoàn Kiếm, quận dự định tổ chức khu chức năng không gian cảnh quan nông nghiệp du lịch, có thể vẫn cho các hộ dân trồng cây ngắn ngày nhưng quy hoạch chuyển đổi cây ngắn ngày phù hợp. Du khách có thể tham quan, chụp ảnh, hưởng thụ giá trị cây nông nghiệp đặc sắc theo hướng nông nghiệp hiện đại.

Công viên ở nội đô chưa tận dụng hết, làm công viên mới có lãng phí?

Là cựu sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội, Nguyễn Minh Hoàng (30 tuổi) băn khoăn về tính khả thi của dự án biến bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng thành công viên. Từng có nhiều thời gian quan sát khu vực này, Hoàng cho rằng còn nhiều bài toán phải giải quyết để nơi này có thể trở thành một điểm vui chơi, du lịch hấp dẫn du khách.

"Giao thông ở đây quá bất tiện, đường đi lối lại chật chội. Vì vậy, tôi nghi ngờ về tính khả thi của việc biến nơi đây trở thành công viên thu hút người dân đến tham quan", Hoàng đặt vấn đề.

Lấy ví dụ về dự án biến bãi Phúc Tân trở thành khu vực triển lãm tái chế cách đây 2 năm, cựu sinh viên ngành kiến trúc cho biết nhiều người không hề biết đến dự án này dù đã được hoàn thiện trong thời gian dài. Một phần nguyên nhân là đường đi vào khu dân cư khó tìm, lắt léo.

Hoàng lo ngại việc biến bãi giữa và bãi bồi sông Hồng trở thành công viên cũng có kết cục tương tự, do việc người dân tiếp cận khu vực này không dễ dàng.

Đồng thời, anh cho rằng ngay cả những công viên trong nội đô cũng chưa "làm tròn" chức năng của việc tạo ra một địa điểm công cộng, vui chơi, giải trí thu hút người dân. Do đó, việc phát triển công viên mới ở một vị trí khó tiếp cận như bãi giữa sông Hồng có thể trở nên lãng phí.

"Theo tôi, trong tương lai gần, nơi đây có thể cải tạo để trở thành địa điểm cho giới trẻ chụp ảnh tương tự khu vực vườn hoa ở bãi đá sông Hồng phía Tây Hồ. Dù vậy, để trở thành một địa điểm thu hút, chính quyền vẫn cần ưu tiên trong việc nghiên cứu để khắc phục được vấn đề kết nối giao thông, hạ tầng xung quanh", Minh Hoàng đưa ra quan điểm.

Hôm 16/3, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết địa phương đang khảo sát để tiếp tục mở rộng các dự án làm sạch sông Hồng trên địa bàn phường Phúc Tân và Chương Dương. Quận hướng đến mục tiêu phát triển bãi giữa, bãi ven sông Hồng thành công viên văn hóa, du lịch của thủ đô.

Việc phát triển khu vực bãi giữa sông Hồng của quận Hoàn Kiếm nhằm hướng tới mục tiêu cụ thể hóa định hướng quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, địa phương khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng, đầu tư cải tạo khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông thành công viên văn hóa du lịch, định hướng lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch hấp dẫn du khách.

Cùng với đó, quận sẽ tôn tạo không gian xanh, cảnh quan, mặt nước, giải quyết vấn đề lấn chiếm đất bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng, vi phạm trật tự xây dựng, cải thiện vệ sinh môi trường.

Khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, thuộc địa bàn phường Chương Dương và Phúc Tân. Diện tích này không cố định mà phụ thuộc mùa mưa lũ từng năm, tiếp giáp với 3 quận: Ba Đình, Hai Bà Trưng và Long Biên. Khu vực bãi giữa có diện tích khoảng 23 ha nằm chủ yếu trên địa bàn phường Phúc Tân (Hoàn Kiếm), một phần (khoảng 1 ha) thuộc địa phận quận Long Biên.

Hiện trạng bãi giữa sông Hồng, nơi được đề xuất làm công viên

Sau nhiều năm phát triển không theo quy hoạch, khu vực bãi giữa và bãi bồi sông Hồng (Hà Nội) um tùm cây cỏ và tràn lan rác thải, ô nhiễm.

Hà Nội muốn làm bãi giữa sông Hồng thành công viên

Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đang nghiên cứu phát triển bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng thành công viên văn hóa du lịch, điểm đến vui chơi, tham quan du lịch.

Hiện trạng xuống cấp ở công viên lớn nhất nội thành Hà Nội

Nhiều hạng mục xuống cấp ở công viên Thống Nhất đang tạo ra những cái bẫy nguy hiểm đối với người dân thủ đô.

Nghịch lý quanh chiếc vé vào cửa 4.000 đồng ở công viên Thống Nhất

Bất cập chuyện thu vé vào cửa, thái độ của nhân viên bảo vệ, cảnh quan xuống cấp... khiến người dân thủ đô không còn mặn mà với công viên Thống Nhất.

Mỹ Hà

Bình luận

Bạn có thể quan tâm