Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đang nghiên cứu phát triển bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng thành công viên văn hóa du lịch, điểm đến vui chơi, tham quan du lịch. |
Khu vực bãi giữa có diện tích khoảng 23 ha nằm chủ yếu trên địa bàn phường Phúc Tân (Hoàn Kiếm) và một phần (khoảng 1 ha) thuộc địa phận quận Long Biên. |
Ranh giới của khu vực này là từ cầu Long Biên kéo dài về phía hạ lưu sông Hồng. |
Diện tích khu vực không cố định mà phụ thuộc mùa mưa lũ từng năm. Hiện trạng bãi bồi tiếp giáp với bờ sông là đất bỏ hoang, cây bụi mọc um tùm. |
Trong khi đó, khu vực bãi giữa được nhiều hộ dân canh tác theo sự phân chia của hợp tác xã. Bà Nguyễn Thị Thơm (ở quận Long Biên, Hà Nội) cho hay nếu khu vực này được cải tạo thành công viên thì gia đình bà sẽ mất khoảng 3 sào ruộng trồng rau màu. "Khi đó có lẽ tôi phải chuyển sang làm buôn bán để phục vụ nhu cầu người đến vui chơi", bà nói. |
Người dân muốn tiếp cận khu vực này chỉ có thể xuống bằng 2 lối xuống tại cầu Long Biên. Khu vực này có độ dốc cao, trơn trượt do lâu ngày không được sửa chữa. Người có tay lái yếu sẽ rất khó giữ thăng bằng khi đi xuống hoặc đẩy xe đi lên. |
Các con đường để đi lại ở bãi giữa phần lớn đều là những đường tự phát, tạm bợ với mặt đường nhỏ hẹp và gồ ghề, 2 bên là hàng cây mọc um tùm gây cảm giác bất an cho người qua lại, đặc biệt là vào ban đêm. |
Những người thường qua lại đây là nông dân, người làm chài lưới và một số người xuống để tắm sông. |
Theo đề xuất, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ tôn tạo các không gian xanh, cảnh quan, mặt nước; giải quyết vấn đề lấn chiếm đất bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng, vi phạm trật tự xây dựng; cải thiện vệ sinh môi trường. |
Khu vực bãi bồi giáp phường Phúc Tân cũng bị lấn chiếm với nhiều công trình tạm bợ và rác thải. |
Sau nhiều năm phát triển không theo quy hoạch, bà Lê Thị Lan (người dân quận Hoàn Kiếm) cho rằng cả thành phố đang quay lưng lại với sông Hồng. |
Đây cũng là nơi xuất hiện nhiều khu "nhà ổ chuột" nhất tại Hà Nội. Trong ảnh, dãy nhà trọ Phúc Xá (quận Ba Đình) với những mái nhà lợp ngói xi măng nằm sát rìa sông Hồng. Đây là nơi ở của các lao động ngoại tỉnh, hầu hết làm việc tại chợ Long Biên như bán hàng, bốc vác, kéo xe... |
Khu dân cư ven sông Hồng cũng được xây dựng ken đặc nhà ống, thiếu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, cây xanh. Đặc trưng tại đây là những ngõ, ngách nhỏ khiến 2 xe máy đi ngược chiều còn gặp khó khăn khi di chuyển. |
Theo kế hoạch, quận Hoàn Kiếm sẽ tổ chức khu chức năng không gian sáng tạo, sân chơi, thảm cỏ xen kẽ với các cây lâu năm hiện có; tổ chức không gian vui chơi, tập thể thao như sân trượt cỏ cơ bản theo địa hình tự nhiên; khu chức năng câu cá, bơi lặn, tham quan mặt nước sông Hồng… |
Bình luận