Les Abend, người đã điều khiển máy bay Boeing 777 trong 30 năm và là cố vấn của tạp chí hàng không Flying Magazine, khẳng định vận hành Boeing 777 vô cùng khó khăn và việc xảy ra sự cố khi chỉ mới chuẩn bị cất cánh là điều rất dễ xảy ra. Từ sự kiện 11/9 trên nước Mỹ, các phi công phải học cách ứng phó với tình huống khủng bố. Và giờ đây, sau sự kiện MH17, có lẽ họ sẽ phải học thêm "kỹ năng né tên lửa".
Cơ trưởng Les Abend với 30 năm kinh nghiệm chia sẻ về những khó khăn trong nghề. Ảnh: CNN |
Tai nạn xảy ra đối với những chiếc máy bay trong sự kiện 11/9, MH370 hay MH17 đều là những điều khủng khiếp. Và đối với một hãng hàng không như Malaysia Airlines (MAS), sự ra đi của những thành viên phi hành đoàn khiến họ đau buồn như mất đi những người thân trong gia đình.
"Và cũng như hầu hết các đội bay, tôi nghĩ những người làm việc ở MAS sẽ tiếp tục phục vụ các hành khách của mình một cách chuyên nghiệp nhất, bất chấp mọi hoàn cảnh", CNN dẫn lời Abend nói.
Vị cơ trưởng cho biết, phi hành đoàn chỉ tuân thủ theo các tuyến đường đã định sẵn bởi hệ thống kiểm soát không lưu trên toàn thế giới. Phi công không được phép thay đổi tuyến đường đã định trừ khi xảy ra trường hợp khẩn cấp. Thậm chí trong trường hợp khẩn cấp, phi công vẫn phải tuân thủ một số quy tắc nhất định.
Đối với trung tâm điều vận, họ có trách nhiệm báo cáo thông tin và dàn xếp tuyến đường một cách an toàn, thoải mái và kinh tế. Nhưng kế hoạch của họ phải phụ thuộc vào hướng dẫn của cơ quan kiểm soát không lưu và chịu nhiều hạn chế. Vì vậy, máy bay gần như chỉ có thể lựa chọn tăng hay giảm độ cao.
Một máy bay của Malaysia Airlines. Ảnh minh họa: AP |
"Trong trường hợp của MH17, phi cơ đã bay ở độ cao lớn hơn thông thường. Khi bị bắn trúng, chiếc Boeing 777 này cách mặt đất khoảng 10.000 m. Độ cao này lớn hơn mức tối thiểu mà Ukraina yêu cầu, khoảng 9.700 m", cơ trưởng Abend nhận định.
Thông thường, theo quy tắc hàng không, các máy bay dân sự không bay vào vùng giới hạn, chủ yếu là các khu vực quân sự. Đối với khu vực xảy ra chiến tranh trên mặt đất, nơi đe dọa tới sự an toàn của phi cơ, các hãng hàng không có thể lựa chọn sử dụng một tuyến đường vòng trên vùng trời. Tuy nhiên, khu vực MH17 rơi chưa từng là nơi đe dọa đối với các máy bay dân sự.
Abend nhấn mạnh, máy bay trúng tên lửa mà vẫn không rơi từng xảy ra trong quá khứ. Vào năm 2003, tên lửa đâm trúng một phi cơ Airbus A300 của hãng DHL. Nhưng vì khả năng của tên lửa khá hạn chế nên phi cơ không rơi . Tuy nhiên, với trường hợp MH17, phi cơ của Malaysia đã trúng một quả tên lửa công nghệ cao nên "né" tên lửa là việc bất khả thi.
"Tôi hy vọng mọi người đừng đổ lỗi cho MAS về vụ tai nạn", Abend nói.
Chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia gặp nạn khi đang bay qua không phận Ukraina, tại khu vực gần biên giới với Nga, khiến toàn bộ 298 hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Giới chuyên gia về quân sự dự đoán một quả tên lửa đất đối không đã hạ phi cơ.