Dưới ánh mặt trời oi ả vào một buổi trưa hè đầu tháng 6, một nhóm phiến quân thân Nga tại miền đông Ukraina đang đào đất giữa rừng thông, khu vực gần thị trấn Krazny Liman. Một người đàn ông trung niên, tóc hoa râm nói rằng ông ta là chỉ huy tại đây. Người đàn ông này từ chối tiết lộ ông ta từ đâu tới, ngoại trừ việc ông ta không phải người địa phương. Vị chỉ huy này tỏ vẻ tự hào khi cho biết đơn vị của ông sở hữu một chiếc xe tải gắn thiết bị phòng không do Nga chế tạo. Ông cho hay, loại vũ khí này là chiến lợi phẩm thu được từ một căn cứ của Ukraina.
Cách đó một vài dặm, tại thị trấn Kramatosk, những chiến binh nổi dậy phô trương hai chiếc xe tăng chiến đấu họ vừa chiếm được từ một nhà máy địa phương.
Đây chỉ là hai trong nhiều cách mà quân nổi dậy ở miền đông Ukraina dùng để bổ sung thêm các loại vũ khí tinh vi cho kho vũ khí của họ, như xe tăng, bệ phóng tên lửa, hệ thống phòng không.. Từ lâu, miền đông Ukraina đã là một trung tâm sản xuất vũ khí.
Phiến quân đã nhiều lần bắn rơi máy bay của chính phủ Ukraina. Ảnh: Reuters |
Vài ngày sau, phiến quân Ukraina bắn hạ một chiếc máy bay vận tải loại Antonov AN-26 tại khu vực gần thành phố Slovyansk, một vài trực thăng loại Mi-8 và Mi-24 cùng một phi cơ chở hàng IIyushin IL-76, gần khu vực thành phố Luhansk. 49 quân nhân Ukraina thiệt mạng trong vụ IL-76 rơi.
Hầu hết các loại máy bay bị bắn rơi đều là loại bay ở độ cao tương đối thấp. Phiến quân tại miền đông chỉ cần sử dụng loại tên lửa dùng vai làm bệ phóng, SA- 7, và súng bắn máy bay là có thể hạ chúng. Tuy nhiên cả SA-7 và Zu 23-2, những loại vũ khí mà phiến quân dễ dàng sở hữu và thường xuyên sử dụng, lại chưa đủ khả năng bắn rơi MH17 hôm 17/7. Giới chuyên gia quân sự dự đoán, phi cơ của Malaysia Airlines đã trúng một loại tên lửa công nghệ cao hơn như Buk hoặc SA-11.
Nếu phiến quân đã sử dụng hệ thống tên lửa Buk để bắn rơi MH17, vậy họ lấy chúng từ đâu? Rất nhiều tình huống đã được đặt ra để trả lời cho câu hỏi này.
Phiến quân đã đánh cắp hệ thống tên lửa Buk
Ngày 29/6, phiến quân đột kích vào cơ sở tên lửa A-1402 của quân đội Ukraina tại khu vực gần thành phố Donetsk. Vosti, một trang web của Nga, đăng tải bài báo với tựa đề "Hệ thống tên lửa đất đối không Buk sẽ bảo vệ bầu trời Donetsk", trong đó nhấn mạnh: "Đơn vị phòng không của phiến quân đã được trang bị hệ thống tên lửa bắn máy bay Buk".
Một bệ phóng tên lửa Buk của quân đội Nga trong một buổi diễu hành qua Quảng trường Đỏ tại thủ đô Moscow hôm 9/5. Ảnh: AP |
Peter Felstead, một chuyên gia về thiết bị quân sự của Liên Xô tại công ty IHS Jane's, cho hay: "Cả Ukraina và Nga đều sở hữu hệ thống tên lửa Buk. Nhưng việc phiến quân lấy hệ thống này từ đâu, cướp từ kho vũ khí của Ukraina hay được Nga cung cấp, thì tôi không dám chắc".
Chuyên gia quân sự này cho biết hệ thống Buk hoạt động cần một rada riêng biệt để theo dõi và nhắm mục tiêu. Đồng thời, hệ thống tên lửa này cũng cần một đội khoảng 4 "chuyên gia" vận hành nó. Felstead cho rằng một số người thuộc phiến quân đã từng phục vụ trong quân đội Nga và rất quen thuộc với hệ thống Buk.
Hôm 16/7, một ngày trước khi chiếc Boeing 777 của Malaysia bị bắn rơi, một máy bay Sukhoi Su-25 của không quân Ukraina đã bị bắn hạ tại khu vực gần biên giới với nga. Bộ Quốc phòng nước này cho biết, Su-25 trúng đạn khi đang bay ở độ cao 6.200 đến 6.500 m, tại khu vực gần thị trấn Amvrosiivka, nơi cách hiện trường MH17 rơi khoảng 30 km và cách biên giới với Nga khoảng 15 km.
Quân đội Kiev cáo buộc tên lửa bắn ra từ lãnh thổ Nga đã hạ Su-25. Đấy là lần đầu tiên một phi cơ chiến đấu bay ở tốc độ cao bị bắn rơi. Sự việc xảy ra hai ngày sau sự kiện AN-26, bay tại độ cao tương tự và trong cùng khu vực, bị bắn rơi.
Phiến quân đã nhập lậu hệ thống tên lửa Buk
Hôm 18/7, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố không ai có thể buôn lậu qua đường biên giới. Tuy nhiên, chuyện này đã xảy ra. Vào đầu tháng 6, quân nổi dậy đã kiểm soát một số đoạn biên giới giữa Ukraina và Nga. Khu vực biên giới này là vùng nông nghiệp mở rộng và thiếu vắng sự tuần tra của quân đội.
Trên con đường về phía đông biên giới, đoạn ngang qua thị trấn Antratsyt, không một ai bắt gặp bóng dáng của quân đội hay cảnh sát tại nơi đây. Theo nhiều nguồn tin, phiến quân Ukraina đã bắt đầu vận chuyển vũ khí hạng nặng tại thời điểm đó.
Nhiều thiết bị quân sự đã men theo những "con đường đen" tiến vào miền đông Ukraina. Ảnh: AP |
Hàng chục ngả đường không được kiểm soát, được biết tới dưới cái tên "đường đen". Nhiều kẻ đã sử dụng những ngả đường này cho mục đích buôn lậu. Thêm vào đó, việc tuần tra và bảo vệ biên giới tại Ukraina trở nên lỏng lẻo kể từ sau một cuộc tấn công vào căn cứ chỉ huy tại thành phố Luhansk vào đầu tháng 6.
Một nhóm phóng viên CNN đã tới vùng biên giới Marynivka ngay sau khi trận chiến giữa lực lượng bảo vệ biên giới và tiểu đoàn Vostok, thuộc phiến quân, kết thúc. Trận chiến kéo dài 5h này là kết quả của việc chống lại hành động mang hai xe bọc thép từ phía Nga thâm nhập vào Ukraina. Những người lính biên phòng này đã bị bỏ rơi trong trận chiến.
Lượng vũ khí vận chuyển bất hợp pháp từ Nga là bao nhiêu? Phải chăng hệ thống tên lửa Buk cũng bao gồm trong đó?
Vào tháng trước, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, 3 xe tăng T-64 cùng một số bệ phóng tên lửa và các phương tiện quân sự khác đã vượt qua biên giới Nga. Phía Kiev cũng đưa ra lời cáo buộc tương tự khi nói rằng một số vũ khí đã được chuyển tới thành phố Snezhnoe, nơi phiến quân đang chiếm giữ.
Tiếp đó, NATO công bố những hình ảnh từ vệ tinh. Chúng cho thấy nhiều xe tăng không số hiệu đang tập kết tại khu vực Rostov, Nga, trước khi tiến vào miền đông Ukraina. Tuy nhiên, một số chuyên gia, như giáo sư Mark Galeotti của trường Đại học New York, cho biết chưa chắc những chiếc xe tăng trong hình ảnh mà NATO đưa ra đã tiến vào lãnh thổ Ukraina.
Một chuyên gia quân sự cho hay: "Điểm yếu của phiến quân nằm ở trên không trung". Những gì xảy ra tại sân bay Donetsk đã giúp Kiev rút ra bài học lớn. Họ bắt đầu bay ở độ cao lớn hơn nhằm tránh những quả tên lửa vác vai.
Để giữ những gì đã đoạt được, phiến quân Ukraina cần phải giải quyết thách thức về sức mạnh trên bầu trời của Kiev. Câu trả lời về chuyện họ đã làm được điều đó bằng cách nào vẫn luôn là điều mà các chính phủ trên toàn thế giới mong chờ.