Từ bao đời, phụ nữ Á Đông đã bị trói buộc bởi những quan điểm của Nho giáo như: Tam tòng, tứ đức. Phần lớn trong số họ coi việc kết hôn là gắn bó trọn đời với một người đàn ông. Tại sao phụ nữ không thể tự quyết định cuộc đời mình? Đó là câu hỏi lớn được đặt ra trong nhiều tác phẩm văn học mà nhân vật trung tâm là nữ.
Nữ quyền, không phải là một điều gì đó quá cao siêu hay xa vời. Đơn giản, đó là việc một người đàn bà được sống cuộc đời mà cô ta mong muốn. Nữ nhà văn Nhật Bản Yuko Tsushima đã mang đến cho người đọc một bức tranh mới mẻ, với gam màu êm dịu về nữ quyền với tiểu thuyết Lãnh địa ánh sáng.
Câu chuyện từ căn phòng nơi gác mái
Lãnh địa ánh sáng đưa người đọc đến một không gian nhỏ nhắn, nhưng tràn ngập ánh nắng. Từ căn phòng trên tầng áp mái của tòa nhà Fujino số 3, một người phụ nữ trẻ bắt đầu cuộc sống mới cùng đứa con gái lên ba. Cô vừa mới ly hôn chồng và quyết định thuê nơi này làm chốn nương náu cho hai mẹ con.
Để tìm được nơi ở ưng ý, người phụ nữ và chồng đã phải rong ruổi khắp nơi. Nhiều lúc, cô vợ tội nghiệp nghĩ rằng: Nếu không có chồng bên cạnh, liệu mình có thể sắp xếp ổn thỏa mọi thứ hay không? Đã có lúc, thiếu phụ cảm thấy mệt mỏi trong cuộc hôn nhân đầy rẫy những bất đồng. Cô quyết định ly thân và cảm thấy hoang mang.
Tiểu thuyết Lãnh địa ánh sáng của Yuko Tsushima. Ảnh: I love book. |
Vài tháng sau khi hai mẹ con cô rời đi, người chồng vẫn không gửi tiền trợ cấp. Fujino nói rằng tình hình tài chính của anh ta rất khó khăn, nên không thể chu cấp cho con gái. Với cô, đó không phải là chuyện gì mới. Từ khi hai người còn chung sống, người chồng bất tài ấy đã để vợ xoay xở một mình.
Khi người vợ trẻ quyết định ra đi, nhiều người khuyên cô nên suy nghĩ lại. Họ nói rằng cô sẽ chẳng tìm được người đàn ông nào yêu thương mình hơn Fujino. Lạ lùng ở chỗ, lời khuyên ấy đến từ một người mà cô chẳng thể ngờ.
Nữ quyền là được sống cuộc đời mà mình mong muốn
Sau khi vợ chồng cô ly thân, nhiều người đồn rằng Fujino đang cặp kè với một người phụ nữ đáng tuổi mẹ anh ta. Dù vẫn là vợ chồng, nhưng cô không buồn vì điều đó. Vào một ngày nọ, người đàn bà ấy đến gặp cô để tâm sự. Bà ta đã từng ly hôn. Giờ đây, khi sắp trở thành một bà lão già nua, thường xuyên làm bạn với sự cô đơn, người đàn bà ấy mới thấy hối hận về quyết định của mình.
Đi làm, một mình chăm sóc con gái nhỏ, nhiều lúc người mẹ trẻ cảm thấy mệt mỏi và bất lực. Nếu quay về với cuộc sống như trước kia, liệu cô có hạnh phúc không? Giống như con chim non lần đầu tập bay, ly hôn là bước ngoặt để thiếu phụ học cách trưởng thành.
Nhà văn Yuko Tsushima từng ly hôn và một mình nuôi dạy hai con trai. Ảnh: Japantimes.co.jp. |
Với một câu chuyện bình dị kết hợp cùng lối kể nhẹ nhàng, đầy nữ tính tiểu thuyết Lãnh địa ánh sáng của Yuko Tsushima đã cho chúng ta một cái nhìn mới về nữ quyền. Không cần đến những tình huống gay gắt và bạo liệt, tác phẩm mang lại cho độc giả cảm giác yên bình giống như khi ngắm nhìn một bức tranh thủy mặc.
Nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết này không có tên. Hơn 200 trang sách, tác giả cũng không dùng một dòng nào để tả về ngoại hình của cô. Dường như Yuko Tsushima không muốn nhắc tới một người đàn bà cụ thể. Bà muốn nhân vật của mình đại diện cho một thế hệ mới của phụ nữ Nhật. Họ là những con người độc lập, quyết đoán và sẵn sàng làm chủ cuộc đời mình.
Yuko Tsushima (1947-2016) là con gái út của nhà văn nổi tiếng Dazai Osamu. Tiểu thuyết Lãnh địa ánh sáng đã giúp bà giành giải “Gương mặt văn học Noma” vào năm 1979. Gia đình hay những câu chuyện xoay quanh các gia tộc lớn là chủ đề quen thuộc trong các tác phẩm của nữ tác giả này.
Lãnh địa ánh sáng đánh dấu một bước chuyển mình trong việc khai thác đề tài của Yuko Tsushima. Thay vì đề cập đến mâu thuẫn của cá nhân trong gia đình như một số tác phẩm trước, bà mạnh dạn mang đến câu chuyện về gia đình bị khiếm khuyết với những trăn trở riêng của người phụ nữ. Nhiều người cho rằng nữ sĩ đã viết về câu chuyện của chính mình. Khi còn trẻ, bà cũng ly hôn và một mình chăm sóc hai con trai.
Yuko Tsushima không có ấn tượng gì về bố. Khi bà chào đời, cha đã thường xuyên vắng nhà, ông tự sát khi đứa con gái út chưa đầy 1 tuổi. Những hình dung về cha được xây dựng khi bà đọc các tác phẩm của ông. Có lẽ, đó cũng là lý do khiến cho hình tượng người cha trong các tác phẩm của nhà văn nữ này khá mờ nhạt.