Vụ án lừa đảo và giết người hàng loạt tại nhiều hầm mỏ ở Trung Quốc vào năm 1998 đã thôi thúc nhà văn Lưu Khánh Bang sáng tác tiểu thuyết Gỗ thần. Hầm mỏ tăm tối, không bao giờ biết tới ánh sáng mặt trời là nơi bắt đầu của những tội ác ghê rợn. Nhân tính và tình người trở thành thứ xa xỉ. Ở đó chỉ có tiền và những mưu toan đáng sợ đến rợn người là tồn tại.
Con mồi ngây thơ và những tên cáo già
Tiểu thuyết Gỗ thần mở đầu bằng khung cảnh giá lạnh ở một ga tàu vùng tây bắc Trung Quốc. Gần Tết, trời càng lạnh. Hai tên lừa đảo Đường Triều Dương và Tống Kim Minh đang bí mật quan sát để tìm con mồi tiếp theo. Bề ngoài, trông chúng giống như hàng vạn con người hiền lành, đang cố tìm kế sinh nhai. Nhưng ẩn sau vẻ ngoài lương thiện ấy là dã tâm đáng ghê tởm.
Tiểu thuyết Gỗ thần của nhà văn Lưu Khánh Bang. Tác phẩm đã được chuyển thể thành phim mang tên Giếng mù và đoạt giải Gấu bạc tại Liên hoan phim Berlin lần thứ 53. |
Đã có con mồi lọt vào tầm ngắm. Đó là Nguyên Thanh Bình, một người đàn ông chất phác, đang đi tìm việc làm. Anh ta đi một mình. Lũ cáo già đã nhìn ra cơ hội để tròng dây thừng vào cổ một con la ngu ngốc.
Đường Triều Dương và Tống Kim Minh rủ Nguyên Thanh Bình đến khu mỏ tìm việc. Công việc ở đó tuy vất vả nhưng kiếm được rất nhiều tiền. Vừa nghe thấy tiền, ngay lập tức vẻ ủ dột trên gương mặt người đàn ông khắc khổ biến mất. Đường Triều Dương nói Nguyên Thanh Bình giả vờ nhận anh ta làm em trai và đổi tên thành Đường Triều Hà. Giờ đây, cái tên Nguyên Thanh Bình coi như không tồn tại.
Ở khu mỏ hẻo lánh, Đường Triều Dương và Tống Kim Minh nhanh chóng chiếm được lòng tin của chủ mỏ. Chúng biết thời để “xử” con mồi đã đến. Vào một đêm giá rét, hai con cáo già rủ “người anh” Đường Triều Hà đi nhậu. Con mồi ngây thơ cứ tưởng rằng mình đã gặp được quý nhân, nhất quyết mời hai “người em trai” một bữa ra trò.
Cả ba trở về khu mỏ, rồi xuống nhà hầm, nói vài ba câu chuyện tầm phào. Sau đó, Đường Triều Dương đã dùng cuốc chim của thợ mỏ đánh mạnh vào đầu “người anh” tội nghiệp Đường Triều Hà. Hai con sói đã kết liễu con mồi.
Giống như hai lần trước, hiện trường sập hầm được chúng dựng lên. Đường Triều Dương gào khóc bên xác “anh trai” xấu số để đòi tiền bồi thường. Chủ mỏ cũng không phải tay vừa, cò kè từng đồng với chúng. Sau một hồi thương lượng, mạng sống của Đường Triều Hà được “bán” với giá 30 ngàn.
Không gian tăm tối dưới hầm mỏ gợi cho người ta nhớ tới bộ phim The 33 nổi tiếng. Ảnh:Phimmoi.net. |
Hai kẻ sát nhân mang tro cốt của người đàn ông xấu số ra khỏi khu mỏ. Chúng rải tro xuống một cái giếng sâu. Người mang tên Nguyên Thanh Bình mãi mãi biến mất trên thế gian này. Tấm ảnh gia đình mà anh ta để lại cũng bị hai tên cầm thú xé vụn.
Lưu Khánh Bang và cuộc giải phẫu lương tri
Sau Tết, hai con cáo già rời quê, trở lại ga tàu tìm con mồi. Khi bước vào phi vụ làm ăn mới, làm sao có thể dùng những cái tên cũ được. Đường Triều Dương đổi tên là Trương Đôn Hậu, còn Tống Kim Minh giờ đổi thành Vương Minh Quân. Trong chớp mắt, chúng đã tìm thấy con mồi.
Đó là một anh chàng mới 16 tuổi, bỏ học đi tìm việc làm để đỡ đần cho mẹ. Bố của cậu nói rằng đi làm ăn xa, suốt 8 tháng vẫn bặt vô âm tín. Không có tiền đóng học phí, cậu đành bỏ học để cho em gái có cơ hội đến trường. Vương Minh Quân nói rằng từ giờ cậu nhóc hãy lấy tên là Vương Phong, và nhận hắn ta làm chú. Hai con sói già dẫn con mồi đến một vùng mỏ mới.
Trong hầm mỏ tăm tối, liệu có chỗ cho lương tri? Ảnh: Thekdaily.com |
Vương Phong vẫn còn là một đứa trẻ, hành trang của cậu ngoài quần áo còn có mấy cuốn sách giáo khoa và một tấm ảnh gia đình. Trong ảnh là người cha đã biệt tích, mẹ cậu và hai anh em. Người đàn ông trong bức ảnh khiến hai tên sát nhân giật mình. Điều gì đang chờ đợi chúng, quả báo hay một phi vụ làm ăn béo bở?
Cuốn tiểu thuyết chưa đầy 200 trang của Lưu Khánh Bang là một cuộc khảo nghiệm khắc nghiệt về nhân tính và lương tri, đưa người đọc trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: Hoang mang và sợ hãi, đau đớn và xót xa. Đâu là lối thoát cho những người nghèo khổ, phải bán từng giọt mồ hôi để đổi lấy vài đồng bạc lẻ?
Tiền là thứ mà bao người thèm khát, nhưng chính nó cũng làm cho người ta thấy ghê tởm. Vì tiền, có những kẻ coi sinh mạng của đồng loại như cỏ rác. Thế giới này thuộc về hai loại người: Kẻ có tiền và kẻ có dã tâm. Lưu Khánh Bang đã nói lên thực tế đầy xót xa ấy qua câu chuyện về tội ác kinh người dưới hầm mỏ.
Gỗ thần không chỉ là câu chuyện về nhân sinh, lương tri và sự song hành của thiện ác. Ẩn sâu trong đó là những tư tưởng của Nho giáo và Phật giáo đã ăn sâu vào quan niệm của người Trung Quốc cả ngàn đời nay như: Nghiệp báo, chuyện nối dõi tông đường hay sự tuần hoàn của luân hồi. Bởi thế, tòa án lớn nhất trên đời chính là lương tâm.
Câu hỏi của Vương Phong, chàng trai 16 tuổi chưa hiểu gì về cuộc đời sẽ còn ám ảnh người đọc: “Thế giới này người tốt nhiều hơn hay kẻ xấu nhiều hơn?”. Liệu chúng ta có nên đặt lòng tin vào lương tâm của con người. Đó vẫn là câu hỏi lớn khiến tác giả trăn trở.