Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một giải phẫu về bản chất bạo lực tồn tại trong con người

Tiểu thuyết “Bản chất của người”, thể hiện tài năng của Han Kang khi viết về những bạo lực kinh hoàng của con người, trong bối cảnh cuộc nổi dậy Gwangju năm 1980 tại Hàn Quốc.

Bản chất của người (2014), được đánh giá là một trong những tiểu thuyết xuất sắc và giàu sức lay động nhất của Han Kang, được chính tác giả thừa nhận là “tác phẩm mà tôi không thể trốn tránh, không thể không viết, nếu không viết, không vượt qua, có lẽ tôi sẽ không thể đi tiếp đến bất cứ đâu”.

Tái hiện bức tranh lịch sử tàn bạo

Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee sau 18 năm giữ chức đã bị ám sát vào ngày 26/10/1979. Sự việc bất ngờ này chấm dứt chế độ độc tài dưới thời tổng thống Park và đưa tình hình chính trị tại Hàn Quốc vào trạng thái bất ổn định. Ngày 12/12 cùng năm, tướng Chun Doo-hwan thực hiện đảo chính quân sự, lật đổ chính phủ lâm thời của tổng thống Choi Kyu-hah, lên cầm quyền và ban bố tình trạng thiết quân luật. Sinh viên, giáo sư, nghệ sĩ và người lao động - những công dân bình thường không vũ trang - đã phản đối và yêu cầu một cuộc bầu cử công bằng và tự do và dỡ bỏ đạo luật.

Review sach Ban chat cua nguoi anh 1

Sách Bản chất của người. Ảnh Nhã Nam.

Tại Gwangju, một thành phố nằm khoảng 160 dặm về phía nam Seoul, tự trang bị cho mình bằng mọi cách có thể, cư dân Gwangju đã đấu tranh buộc quân đội phải rời đi. Trong năm ngày vào tháng 5/1980, thành phố đã thực hành tự quản. Các bà mẹ nấu ăn cho cộng đồng, các tài xế taxi đưa các phiến quân ủng hộ dân chủ bất cứ nơi nào họ cần đến. Một số cư dân đứng thành hàng dài để hiến máu, ngay cả những học sinh cấp hai cũng đã giúp chăm sóc và xác định các thi thể.

Bản chất của người diễn ra trong bối cảnh ấy, mở đầu với bức tranh đầy máu và nước mắt, trên những xác người chết, và những mặt người sống, khi quân đội quay lại và đàn áp đẫm máu cuộc biểu tình của người dân nơi đây.

Bằng cách tập trung vào công việc phân loại các thi thể của các tình nguyện viên tại nhà thi đấu, Han Kang đưa độc giả bước vào thế giới của nỗi sợ hãi, khiến chúng ta kinh ngạc trước sự đau đớn mà con người có thể gây ra cho nhau.

Han Kang xoáy ngòi bút miêu tả từng chi tiết khi các tình nguyện viên lau rửa và chăm sóc cho những người chết, tái hiện sống động những khuôn mặt vỡ nát vì dùi cui, súng đạn, hay những đôi mắt còn mở trừng trừng, những bàn tay vỡ nát, những vết thương đang thối rữa. Những trang sách mở ra cả một không gian lịch sử đau thương, Han Kang buộc ta phải đối diện với điều kinh khiếp ấy, không ai được phép lãng quên.

Ở đó, có những người phụ nữ đã trải qua sự tra tấn dã man, những người bị tù đầy, bị bỏ đói, bị tra tấn bằng những hình phạt kinh tởm, bẩn thỉu đối với thân thể. Những vùng kín cũng bị từng sợi thừng dài xuyên vào. Cơn ám ảnh đó đã khiến nhiều người chết, và khiến nhiều người sống sót ám ảnh suốt đời bởi cơn buồn nôn không bao giờ có thể ngừng.

Han Kang viết Bản chất của người không phải để kết tội lịch sử, cô viết bởi sự thôi thúc, bởi những khắc khoải buộc phải lên tiếng, về chính con người.

Câu hỏi nhức nhối về lương tâm con người

Han Kang đã viết những gì? Ký ức đã phải tỉnh thức bao lần, nỗi đau phải bám trụ ra sao, để tái dựng nên những đau thương dẫu chết đi cũng còn khắc khoải ấy.

Review sach Ban chat cua nguoi anh 2

Hình ảnh tư liệu về thảm sát Gwangju.

Trong suốt cuốn tiểu thuyết Bản chất của người, con người rên xiết lên trước những truy vấn: “Có phải con người là một sinh vật tàn nhẫn từ trong bản chất? Hay đó chỉ là những trải nghiệm phổ biến của chúng ta? Có phải chúng ta chỉ đang sống trong ảo tưởng về phẩm giá của con người, còn thực ra bất cứ lúc nào, chúng ta cũng có thể biến thành một thứ chẳng là gì cả, thành sâu bọ, thành thú vật, thành một đống mủ dịch lẫn lộn? Bị sỉ nhục, bị bôi nhọ, bị tàn sát, phải chăng đó là bản chất của con người đã được chứng minh trong lịch sử?”.

Cuốn sách như một bản thu đa âm sắc, được kể bởi chứng nhân còn sống sót và bị ám ảnh bởi vụ thảm sát Gwangju. Ở đó, Dong-ho, là tình nguyện viên chăm sóc người chết trong nhà thi đấu, có người bạn đã chết của Dong-ho, một nữ biên tập viên đối mặt với sự tra tấn gắt gao, một tù nhân bị bạo lực vì liên quan đến cuộc nổi dậy, có mẹ của Dong-ho thẫn thờ trong những dòng ký ức không ngừng tuôn chảy, và cuối cùng, chính là lời tự sự của chính tác giả Han Kang, người bị ảnh hưởng một cách gián tiếp sự kiện tháng 5/1980 khi cô 9 tuổi. Mỗi người đều có thể một lần được cất tiếng nói, chân thực nhất, đau đớn nhất.

Lối kể chuyện mang đầy tính siêu thực huyễn hoặc, với việc tạo nên chất giọng của những linh hồn đã chết của Han Kang, càng khiến cuốn tiểu thuyết trở nên đau đáu và cuốn hút.

Từng chương sách là từng dòng tự sự dài, lần lượt dẫn độc giả qua nhiều những sự kiện được lặp lại, những quan điểm khác nhau, và khoảng cách thời gian khác biệt, nhưng đều vô cùng tàn bạo, đã tạo nên từng đợt sóng dữ dội, va đập vào từng vùng suy nghĩ của mỗi người.

Đọc cuốn sách Bản chất của người, độc giả sẽ kinh ngạc vì thứ ngôn ngữ trữ tình, thơ mộng đến đau lòng mà Han Kang dùng, để phác họa nên bức tranh tột cùng tàn nhẫn, tột cùng đau thương mà con người đã phải chịu đựng. Thứ ngôn ngữ đẹp đẽ ấy, lại càng soi rọi cái bạo lực trần trụi và khủng khiếp mà cuốn sách đề cập đến. Đọc Bản chất của người, để đau đớn, thảnh thốt, nhức nhối. Dù bạn có từng nghe về Gwangju hay chưa, bạn cũng có thể có được hình dung gần gũi, chân thực và bi ai nhất về Gwangju. Ở Bản chất của người, bạn sẽ tiếp tục cơn truy vấn dài về việc làm thế nào những hành vi nghịch lý của con người – bạo lực và lương tâm – có thể cùng tồn tại?

Review sach Ban chat cua nguoi anh 3

Tác giả Han Kang, chủ nhân giải thưởng Man Booker International năm 2016 dành cho tác phẩm Người ăn chay.

Han Kang sinh năm 1970 tại Gwangju sau đó cùng gia đình chuyển lên Seoul sống từ năm mười tuổi. Sau khi tốt nghiệp khoa Văn trường Đại học Yonsei, Han Kang đăng đàn năm 1993 trên báo Văn học và Xã hội với tư cách một nhà thơ. Năm 1994, cô ra mắt tập truyện ngắn Mỏ neo đỏ, dành giải sáng tác cho tác giả trẻ của báo Seoul Shinmun, kể từ đó bắt đầu chính thức hoạt dộng văn chương.

Suốt sự nghiệp viết văn gần ba mươi năm, với 3 tập truyện ngắn, 6 tiểu thuyết và 1 tập thơ, Han Kang dành được nhiều giải thưởng văn học danh giá trong và ngoài nước, trở thành một trong những nhà văn quan trọng nhất của văn học Hàn Quốc hiện đại. Trong đó nổi bật nhất là giải Man Booker International năm 2016 dành cho tác phẩm Người ăn chay. Năm 2018, cô tiếp tục lọt vào danh sách đề cử của giải thưởng này với tiểu thuyết giàu tính tự thuật Trắng.

Thủy Nguyệt

Bạn có thể quan tâm