Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đừng đầu hàng sân hận và để nó phát tác dữ dội

Chúng ta có thể định nghĩa sân hận là sự ác cảm có nhiều mức độ khác nhau. Nó có thể thay đổi từ mức độ phàn nàn chỉ trích đến mức độ muốn giết hại và hủy diệt.

bai hoc nhan nhuc anh 1

Ảnh: Phatgiao.

Kết quả dành cho những người luôn ôm giữ sân hận và thù ghét là gì? Hạnh phúc của họ biến mất. Họ thường trong trạng thái đau khổ, bồn chồn, lo lắng và mất ngủ.

Trong một câu chuyện về những kiếp trước đây của Đức Phật có nói rằng: “Hận thù ngay lập tức khiến khuôn mặt chúng ta trở nên xấu xí. Ngay cả khi chúng ta ngập trong những đồ trang sức đẹp nhất thì cũng không có gì đẹp đẽ. Ngay cả khi nằm trên chiếc giường thoải mái nhất thì chúng ta cũng không thể nào ngủ được mà trăn qua trở lại như đang nằm trên gai nhọn”.

Những người sân hận thường gặp các vấn đề về sức khỏe như cao huyết áp, bệnh tim, đau bụng, mất ngủ và hoang tưởng. Bất kể họ giàu có đến mức nào, địa vị của họ cao đến đâu hay họ tặng cho người khác bao nhiêu quà cáp đi chăng nữa nhưng nếu họ liên tục sân hận và làm tổn thương tình cảm của người khác thì mọi người xung quanh sẽ không cảm kích lòng tốt của họ mà chỉ oán ghét họ mà thôi.

Trong lịch sử có rất nhiều câu chuyện về việc những người nắm quyền chỉ vì nóng giận mà đã khiến cấp dưới phản bội và phải chịu kết cục là chết. Bất kể bạn hào phóng thế nào, bạn sẽ không giành được lòng tin của người khác hoặc hoàn thành mục tiêu của mình nếu bạn không giải phóng tâm mình khỏi sân hận và thù ghét.

Điều đó nói lên rằng một khi sân hận sinh khởi, bạn không nên đè nén nó. Thay vào đó, hãy dùng nhiều phương pháp khác nhau để chế ngự nó. Nếu cơn giận bị đè nén thì nó sẽ tích tụ năng lượng giống như núi lửa và đến một ngày sẽ bùng phát.

Làm thế nào ta chế ngự được sân hận? Câu trả lời là trí tuệ.

Quách Tử Nghi là một trong những viên tướng giàu nhất thời nhà Đường. Ông liên tục giữ được vị trí của mình qua bốn đời hoàng đế khác nhau.

Trong suốt thời kỳ này, chiến tranh diễn ra liên miên và kẻ thù của Quách Tử Nghi đã đào mồ mả tổ tiên của ông. Khi nghe thấy tin này, Quách Tử Nghi đã kêu gào đau đớn nhưng ông không hề trả thù hay ôm lòng oán hận.

Ông nói rằng: “Rất nhiều người đã tử mạng trong những trận chiến bất tận này và vô số mồ mả tổ tiên đã bị đào quật do hận thù. Suy cho cùng, ta là tướng lĩnh cầm quân trong chiến trận. Nhiều binh lính của ta cũng đã phá hoại mồ mả tổ tiên của người khác. Giờ đến lượt ta phải chịu đau khổ. Ta cũng là một kẻ hậu duệ không xứng đáng”.

Phản ứng đầu tiên của Quách Tử Nghi là khái quát về hành động sai trái của kẻ thù. Hủy hoại mồ mả tổ tiên là hậu quả tiêu biểu của chiến tranh. Phản ứng thứ hai của ông là chất vấn hành vi của chính mình: “Không phải chính quân đội của ta cũng đào mồ mả của người khác sao?”. Phản ứng thứ ba của ông là: “Đó là lỗi của chính ta, không nên đổ lỗi cho người khác”.

Khi đối mặt với việc mồ mả tổ tiên của mình bị phá hủy, ông đã chế ngự được lòng hận thù. Điều này cho thấy sự nhẫn nhục tuyệt vời của ông. Phúc báo của Quách Tử Nghi không phải là không có nguyên nhân - đây là cách ông đã đạt được thành công.

Khi có vấn đề xảy ra trong cuộc sống khiến bản thân sân hận, chúng ta có thể theo bốn cách nghĩ sau đây.

Đầu tiên, trên thế gian này không có người hoàn toàn xấu. Lý do họ có vẻ xấu là vì họ bị kiểm soát bởi những cơn gió nghiệp và cảm xúc phiền não. Vì thế, họ nên được tha thứ.

Thứ hai, cuộc đời giống một giấc mộng - tốt nhất đừng bám chấp vào nó quá nhiều, vì nếu không thì đau khổ bất tận sẽ sinh ra.

Thứ ba, tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Sân hận của tôi không phải do người đó kích động mà do những cảm xúc phiền não của bản thân. Nếu tôi sân hận thì đó là sân hận với chính những cảm xúc phiền não của mình. Điều đó thật ngu xuẩn.

Thứ tư, nếu vấn đề có thể giải quyết thì cần gì phải sân hận và nếu không thể thì sân hận có ích lợi gì?

Khi sân hận sinh khởi, hãy học cách quan sát tâm bạn. Thường thì chúng ta không sân hận khi sự việc xảy ra mà chỉ sau này sân hận mới xuất hiện và tiếp tục sinh khởi nếu chúng ta không kịp chế ngự nó. Đôi khi chúng ta tự đổ thêm dầu vào cơn sân hận của mình.

Phương pháp tốt nhất khi đối mặt với tác hại hoặc nghịch cảnh là sử dụng trí tuệ để điều phục tâm bạn. Đừng đầu hàng sân hận và để nó phát tác dữ dội. Nếu không, ban đầu nó chỉ như một tia lửa nhỏ nhưng cuối cùng sẽ thiêu hủy toàn bộ rừng công đức.

Khenpo Sodargye/NXB Hà Nội & Thái Hà Books.

SÁCH HAY