Bên hành lang Quốc hội chiều 21/10, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ quan điểm xung quanh lớp cán bộ trẻ xuất thân từ gia đình có truyền thống chính trị. Zing.vn ghi lại:
"Theo tôi, hiện tượng nhiều cán bộ trẻ được đề bạt vào những chức vụ quan trọng, trước hết phải xem lại quan niệm thế nào là trẻ. Trẻ về tuổi tác, hay trẻ về quá trình tham gia. Khi đã bàn về trẻ thì không nên tuyệt đối hóa nó mà phải thấy nhiều thế hệ kế cận nhau. Tôi thấy xu hướng trẻ hiện nay tôi cho là tích cực.
Ông Dương Trung Quốc: "Nếu trong một xã hội lành mạnh, việc một số cán bộ trẻ là con của các vị lãnh đạo cao cấp thì bình thường và tốt". Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Chúng ta nhớ rằng, tổng bí thư đầu tiên – Tổng bí thư Trần Phú chỉ có 27 tuổi, ông Võ Nguyên Giáp trở thành Bộ trưởng Nội vụ vào năm 1945 mới 34 tuổi.
Thứ hai, hiện tượng một số cán bộ trẻ lại gắn với con của các vị lãnh đạo cao cấp, nếu trong một xã hội lành mạnh thì bình thường và tốt. Chúng ta biết có ông Bush bố, ông Bush con, có ông Lý Quang Diệu, ông Lý Hiển Long... Ngay trong nước chúng ta hiện có Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao vốn là con của một Bộ trưởng Ngoại giao rất nổi tiếng (Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, con Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch - PV).
Nhưng có lẽ chúng ta rơi vào tâm lý xã hội mất lòng tin, hệ thống giá trị không chuẩn nên bất kỳ hiện tượng nào, sự kiện nào, người ta cũng đặt câu hỏi đằng sau đó có gì không, khuất tất không, có lợi ích nhóm không, có cái gì là cha truyền con nối không? Chính vì thế phải minh bạch.
Trong thời gian vừa rồi, liên quan đến công tác nhân sự, tôi thấy có 2 hiện tượng đối lập nhau. Có người trình độ giỏi, nhưng lý lịch không chính thống, cho nên bị loại ra và những người con của những người rất chính thống lại được đề bạt.
Theo quan điểm của tôi phải chặt hai đầu đó đi. Tức là phải bỏ qua chủ nghĩa lý lịch đi, đừng vì lý lịch để đánh giá người ta mà hãy tập trung vào bản thân họ, xem có đúng chuẩn không. Đương nhiên chuẩn ở đây là phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như quy định của nhà nước, pháp luật, phương thức minh bạch hóa, tranh thủ ý kiến dân chủ.
Quan trọng là có đề bạt thì phải có hạ bệ nếu như anh không hoàn thành nhiệm vụ. Ở nước mình cứ theo một chiều hướng, đã lên thì lên mà đã xuống thì không lên nữa. Đấy là điều rất dở.
Nói chuyện hơi xa xôi một chút, ngày xưa các cụ rất chuẩn, có công thì thưởng, có tội thì phạt. Như ông Nguyễn Công Trứ, có khi xuống làm huyện lệnh, một hình thức phạt rất nặng, nhưng cũng có lúc được cất lên".
"Quan sát sau đại hội đảng bộ địa phương, đặc biệt từ Đà Nẵng, nhiều cán bộ trẻ là con em cán bộ lãnh đạo. Ở đây rõ ràng phải giám sát để bảo đảm khách quan, xem việc đề bạt đó có đúng hay không. Nhưng có lẽ chúng ta không e ngại để thực tế trả lời, miễn sao làm nghiêm túc. Như anh giao một nhiệm vụ không tương xứng với năng lực thì thực tế sẽ trả lời.
Cũng có ý kiến đưa ra so sánh với vị trí “bấp bênh” của 600 tri thức trẻ sau khi kết thúc đề án về làm phó chủ tịch xã, thực tiễn diễn ra đòi hỏi chúng ta phải xem xét lại cách làm. Đương nhiên chúng ta phải chấp nhận thử nghiệm, nhưng đừng để lại hậu quả nặng nề. Năm năm mới có đại hội một lần, đây là cơ hội để thử nghiệm những chính sách về cán bộ, nhân sự" - đại biểu Dương Trung Quốc.