Sau khi ra mắt Đại hội Đảng bộ TP HCM, ông Võ Văn Thưởng - Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM và các Phó bí thư Nguyễn Thành Phong, Nguyễn Thị Quyết Tâm tham dự buổi họp báo. Ông Thưởng trả lời:
Tuổi Trẻ: Nhiệm kỳ 2015-2020, Ban thường vụ Thành ủy TP HCM có 2 người mới bước qua tuổi 40, 3 người từng làm Thành đoàn. Được sự tin tưởng của Đảng và nhân dân, ông và những người trẻ cảm thấy thế nào?
Ông Võ Văn Thưởng nhận hoa chúc mừng từ ông Lê Thanh Hải. Ảnh: T.Sơn |
- Tôi luôn ý thức được sự tin tưởng của các cán bộ đi trước và nhân dân. Đó là nguồn động viên, nhưng đồng thời cũng là đòi hỏi, yêu cầu rất lớn đối với tập thể lãnh đạo, nhất là đối với các nhân sự còn trẻ tuổi.
Chúng tôi, dù ở bất cứ cương vị nào cũng phải luôn nỗ lực, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng tầm trí tuệ, bản lĩnh để kịp thời giải quyết những vấn đề cuộc sống đặt ra.
Tại kỳ đại hội Đảng bộ khóa X chỉ bầu 1 lần được 69 người vào Ban chấp hành. Điều này chứng tỏ các nhân sự được sự tín nhiệm rất cao của đại hội.
Trong Ban chấp hành có 15 cán bộ nữ (đạt 21,74%); có 8 người dưới 40 (tăng 5 người so nhiệm kỳ trước, đạt 11,59%); cán bộ khoa học công nghệ có 6 người (8,7%); 9 cán bộ xuất thân từ công nhân...
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, phó bí thư thành ủy TP HCM:
Để có thế hệ lãnh đạo trẻ phải có kế hoạch rất tỉ mỉ.
Cán bộ trẻ, người trẻ không có cơ hội nếu chỉ biết chờ thời, cơ hội chỉ đến với người biết phấn đấu, học hỏi, vươn lên. Để hôm nay TP HCM có đội ngũ cán bộ trẻ kế thừa lớp cán bộ đi trước là chứng minh cho điều đó. Đây là cả một quá trình.
Đảng luôn tôn trọng người có tài, có đức, ý chí, có nguyện vọng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Đó là quan điểm xuyên suốt của Đảng 85 năm qua. Luôn luôn có những cán bộ trẻ trong suốt chiều dài đấu tranh cách mạng, bảo vệ tổ quốc, xây dựng đất nước.
Với TP HCM thì anh Thưởng, anh Phong và một số các anh, các chị cán bộ trẻ khác thì đó là sự xây dựng có tầm chiến lược, có kế hoạch rất tỉ mỉ của các lãnh đạo các nhiệm kỳ trước.
Nhìn con đường đi của các anh sẽ thấy không bỗng dưng TP có đội ngũ cán bộ trẻ như thế. Chúng ta đã đầu tư, xây dựng, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng, giao nhiệm vụ để thử thách mới trưởng thành. Phải kiên trì phấn đấu, nhận bất cứ nhiệm vụ gì, đi bất cứ nơi đâu mà Đảng phân công.
Nhìn vào những người trẻ của TP hôm nay, các bạn trẻ sẽ thấy cơ hội của mình trong đó, sẽ biết làm gì, làm như thế nào để nắm bắt cơ hội của mình để cống hiến cho đất nước, cho TP của mình.
Zing: Đây là thế hệ lãnh đạo TP HCM hoàn toàn mới, trẻ hơn thế hệ trước. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho biết ông tin tưởng lớp lãnh đạo này giỏi hơn lớp lãnh đạo trước. Thế hệ lãnh đạo này sẽ làm gì để đáp ứng kỳ vọng?
- Đối với việc xây dựng cán bộ thì Đảng yêu cầu trong cơ quan đảng các cấp có đủ 3 độ tuổi. Trong chỉ đạo đại hội lần này cũng mong muốn Ban thường vụ, Ban thường trực cũng hội đủ yếu tố 3 độ tuổi.
Cán bộ lớn tuổi có thế mạnh kinh nghiệm, nhưng cán bộ trẻ có lợi thế về sự năng động nhưng cũng còn nhiều điểm yếu. Do đó trong tập thể lãnh đạo có đủ 3 độ tuổi để bổ sung cho nhau.
Mục tiêu của chúng ta không phải có cán bộ ngày càng trẻ hơn mà là trong cơ quan phân bổ 3 độ tuổi một cách hợp lý, tuy nhiên nhưng cũng mong muốn tỷ lệ cán bộ trẻ tăng dần lên.
Ban thường vụ Thành ủy lần này có nhiều người dưới 50 tuổi, đó là sản phẩm tầm nhìn dài hạn trong quy hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ của các đồng chí lãnh đạo Thành ủy các nhiệm kỳ trước.
Tôi và anh Nguyễn Thành Phong, anh Tất Thành Cang đã gắn bó với thành phố hơn 20 năm, dù rất khó thuộc từng con đường, góc phố nhưng không thể nói là xa lạ.
Bài Nguyễn Thị Quyết Tâm, ông Nguyễn Thành Phong, ông Võ Văn Thưởng và bà Thân Thị Thư tại cuộc họp báo trưa 17/10 (từ trái sang) Ảnh: Quang Hiếu |
Thanh Niên: Tại sao kỳ Đại hội Đảng bộ lần này không bầu Bí thư Thành ủy?
- Việc thực hiện các quy định của Đảng trong công tác nhân sự tại Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định ở tất cả các khâu, từ đánh giá cán bộ, đào tạo bồi dưỡng,... Ban chấp hành Đảng bộ khóa IX đã báo cáo Bộ Chính trị phương án nhân sự và được đánh giá cao.
Theo quy định của Đảng, việc giới thiệu nhân sự bầu chức danh Bí thư Thành ủy thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị. TP HCM là đô thị đặc biệt, một trung tâm kinh tế lớn của cả nước, có vị trí chính trị rất quan trọng. Việc chuẩn bị nhân sự Bí thư Thành ủy gắn với công tác chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị khóa XII của Đảng.
Việc để sau Đại hội XII phân công một Ủy viên Bộ Chính trị làm Bí thư Thành ủy là đúng quy định, quy trình công tác nhân sự của Đảng. Trong thời gian này, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị được Bộ Chính trị phân công chỉ đạo Thành ủy TP HCM.
Sài Gòn Giải Phóng: Nhiều ý kiến đề xuất xin cơ chế đặc khu kinh tế cho các vùng ở TP HCM. Ông có thể cho biết đề xuất này có đưa vào văn kiện đại hội lần này?
- Đó là kiến nghị cơ chế điều phối vùng trọng điểm phía Nam để mỗi địa phương phát huy thế mạnh, tiềm năng vốn có. Ngoài ra, cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần có cơ chế riêng trên một số lĩnh vực ở một số vùng cho TP HCM.
Tuy nhiên, nghiên cứu hình thành đặc khu tế của TP HCM chưa phải là chủ trương của Ban thường vụ Thành ủy. Đó chỉ mới là đề xuất ban đầu của một số nhà khoa học.