Lẽ thường, nhắc đến triết học là nhắc đến một phạm trù trừu tượng mà người lớn còn phải e dè, ngán ngẩm, huống gì trẻ nhỏ. Bằng cách xây dựng những bài học gợi mở từng bước trong tinh thần trao đổi, Cửa hiệu triết học do Peter Worley chủ biên đã phá vỡ những định kiến đó.
Cuốn sách vừa giúp mở mang tâm trí, hướng dẫn cách dạy trẻ tư duy, bày tỏ ý kiến trước những điều xảy ra trong cuộc sống, vừa mang lại niềm vui cho người khơi mở.
Độc đáo trong bố cục, cách thể hiện nội dung
Làm thế nào để một đứa trẻ phân biệt đúng/sai, tốt/xấu, đẹp/không đẹp… phức tạp hơn, là những mệnh đề nằm giữa, những mảng màu xám trong cuộc sống, cách hành xử để trẻ biết cảm thông, biết nhìn vào bên trong của một vấn đề? Làm thế nào để chạm vào thế giới đầy ắp những điều thú vị, ngộ nghĩnh của trẻ, để chúng thoải mái với những lựa chọn mà chúng đề ra, phát huy tính sáng tạo thay vì răm rắp nghe theo bố mẹ, thầy cô và không bao giờ dám vượt khỏi cái khung đó?
Cửa hiệu triết học không giúp bạn giải quyết triệt để những câu hỏi vừa nêu trên, nhưng ít nhất, nó sẽ hướng dẫn bạn cách để khơi mở, kích thích tư duy của trẻ.
Sách Cửa hiệu triết học dạy trẻ cách tư duy hiệu quả. |
Đúng như tên gọi, cuốn sách là một cửa hiệu phong phú, được chia thành 4 "gian hàng": Siêu hình học hay cái hiện hữu; nhận thức luận hay những gì có thể nhận biết được về cái hiện hữu; giá trị hay điều đáng kể trong cái hiện hữu; ngôn ngữ và những gì có thể nói được về cái hiện hữu.
Mỗi "gian hàng" sẽ bày biện những món hấp dẫn nhất dưới hình thức các câu chuyện được chọn lọc từ cổ đại đến hiện đại, từ Đông sang Tây, được sắp xếp theo từng cụm.
Việc sắp xếp này giúp người đọc không lạc đường và dễ hệ thống kiến thức sau khi đọc, chọn câu chuyện phù hợp với mỗi độ tuổi đã được ghi chú mỗi đầu câu chuyện. Mặc dù vậy, bạn không cần phải tuân thủ theo thứ tự mỗi “gian hàng”, hãy khám phá cuốn sách này bằng tâm thế trẻ thơ.
Đứa trẻ nào cũng thích nghe kể chuyện. Điều quan trọng, những câu chuyện trong cuốn sách này có nội dung khá đơn giản và gần gũi với đời sống hàng ngày của trẻ. Chẳng hạn: Vịt và thỏ, Cây bút chì, Có bao nhiêu con chó? Chiếc vương miện và phép thuật, Nòng nọc và cá chó, Món khai vị ngẫu nhiên…
Nhưng chính từ lớp vỏ ngôn ngữ đơn giản ấy, bằng cách đối thoại đa giọng điệu, khi thì lôi cuốn, đầy hứng khởi; lúc vui vẻ; lúc chọc ngoáy; cũng có lúc lòng vòng phát ngán hay bỏ lửng… trí tò mò, tư duy của trẻ sẽ được kích thích.
Bước chân vào “Cửa hiệu triết học”
Nếu bạn không “ưa” các khái niệm như: siêu hình học, cái hiện hữu, bản thể luận, tính đồng nhất cá nhân… thì lời khuyên ở đây là đừng bận tâm đến chúng. Chỉ cần nắm vững nguyên tắc sau đây trước khi bước vào “cửa hiệu” là bạn sẽ làm được.
Cửa hiệu triết học là cuốn sách hồi đáp vấn đề trong tinh thần đối thoại, thậm chí không ngại tranh cãi để tìm ra câu trả lời trước những vấn đề mà bọn trẻ quan tâm. Chẳng hạn: du hành thời gian, siêu anh hùng, đẹp là gì, thế nào là đúng hoặc không đúng, nỗi buồn trong các câu chuyện hư cấu là thực hay không… cho đến những thứ trừu tượng hơn như tự do, sự lựa chọn, niềm tin, nói dối…
Để vươn tới cái đích nhận thức này cho trẻ, cuốn sách bắt đầu bằng việc kể những câu chuyện, có thể dưới hình thức một bài thơ.
Kể những câu chuyện nhỏ và gợi mở tư duy là cách hướng dẫn trẻ phương pháp khám phá thế giới. |
Tương ứng với mỗi câu chuyện là nhóm câu hỏi chủ đề, từ Câu hỏi khởi động đến Câu hỏi đưa người hỏi đi xa hơn, cuối cùng là bộ Câu hỏi thêm mà bạn nghĩ ra hoặc câu hỏi của lũ trẻ trong quá trình đối thoại. Nếu bạn còn nhớ tranh luận quả trứng có trước hay con gà có trước thì đáp án của những bài học rút ra từ các câu chuyện trong sách là vô số.
Nhờ những câu hỏi có tính hệ thống như thế trong gần 150 câu chuyện, lũ trẻ học được cách khám phá, kiến giải những gì xảy ra xung quanh và suy ngẫm về chúng.
Một đứa trẻ biết suy ngẫm sẽ có thêm nhiều trải nghiệm trong quá trình trưởng thành, biết tư duy độc lập, biết cách thuyết phục người khác bằng suy luận logic, biết nghĩ khác đi, biết hối lỗi, biết rằng đời sống không chỉ có đúng/sai một màu.
Bằng kinh nghiệm nhiều năm của một chuyên gia triết học trong nhà trường, Peter Worley khẳng định, chính những đứa trẻ là người giúp cho “cửa hiệu” này luôn đầy ắp hàng hóa, dù nó đến từ sự chắt chiu của nhiều chuyên gia triết học hàng đầu trên thế giới.
Vì thế, tác giả đặc biệt khuyến khích người khơi mở chỉ nên đóng vai trò quan sát, tránh hết sức việc đưa ra bất kỳ câu trả lời nào nhằm có được sự đa dạng tự nhiên trong ý tưởng của trẻ.
Cửa hiệu triết học cho thấy tính hiệu quả của nó trong việc khơi mở tư duy cho trẻ, mang lại cái nhìn mới mẻ cho người lớn. Không chỉ kể những câu chuyện, cuốn sách còn hướng dẫn cụ thể và rõ ràng cách thức thực hiện bằng những câu hỏi để câu chuyện phát huy tác dụng. Sau mỗi câu chuyện, tác giả cẩn thận ghi chú những chuyện có liên quan (nằm trong sách) để việc khơi mở đạt hiệu quả tốt nhất.
Cửa hiệu triết học được trao giải Education Resources Award cho hạng mục Best Educational Book năm 2012. Cuốn sách còn chiến thắng tại New England Book Festival 2012, và thắng chung cuộc giải ForeWord Review Book 2012. Cuốn sách đã được nhiều thầy cô, các nhóm triết học, các cá nhân xem là cẩm nang không thể thiếu dành tặng những ai thích suy tư.